Tuổi trẻ Hà Tĩnh đưa công nghệ đến gần với người dân
VHO -Khi người lớn tuổi lúng túng trước màn hình điện thoại, chính những người trẻ đã đứng lên làm cầu nối, “chuyển hóa” những cỗ máy hành chính số trở nên thân thiện, dễ hiểu và gần gũi.
Góp sức ngay từ những ngày đầu chính quyền mới vận hành
Sau sáp nhập hành chính, từ ngày 1.7, 69 xã, phường mới của tỉnh Hà Tĩnh chính thức đi vào hoạt động với nhiều thay đổi về tổ chức, nhân sự và cách thức phục vụ người dân. Cùng thời điểm ấy, hàng trăm đoàn viên, thanh niên đã xung kích tình nguyện, tỏa về các trung tâm hành chính công địa phương để làm điều tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại đầy ý nghĩa: hướng dẫn người dân khai thác dịch vụ công trực tuyến, sử dụng tài khoản định danh điện tử, cài đặt ứng dụng VNeID…

Tại phường Thành Sen – phường mới được hợp nhất từ 9 đơn vị cũ, mỗi ngày có từ 2 đến 4 bạn trẻ tình nguyện hỗ trợ người dân kê khai thủ tục, tra cứu hồ sơ, thao tác trực tuyến.
Bí thư Đoàn phường Thành Sen - chị Trương Thị Hiền cho biết, những ngày qua, lượng người dân đến trung tâm hành chính công làm thủ tục rất đông; vẫn còn nhiều người dân các phường, xã cũ bị nhầm lẫn trụ sở. Lực lượng đoàn phường đã thành lập một đội gồm 10 đoàn viên có khả năng về công nghệ tốt để hỗ trợ, hướng dẫn người dân.

Tại phường Trần Phú, đội thanh niên tình nguyện được huy động từ 5 đến 10 người mỗi ngày. Không chỉ hướng dẫn cài ứng dụng, tạo tài khoản định danh, các bạn trẻ còn trực tiếp đưa người dân đến các ô cửa theo sơ đồ bố trí, giúp giảm áp lực cho bộ phận một cửa.
Không chỉ là lực lượng hỗ trợ kỹ thuật, tuổi trẻ Hà Tĩnh đang thực sự trở thành cầu nối giữa chính quyền và người dân trong giai đoạn chuyển mình đặc biệt. Từng hành động nhỏ như giúp một cụ già cài đặt ứng dụng, hướng dẫn đăng nhập VNeID, hay dẫn người dân đến đúng ô cửa giải quyết hồ sơ… đều mang giá trị xã hội to lớn.
“Bà già rồi nên không biết làm trên ứng dụng. Khi bà đến đây, các bạn trẻ đã chỉ giúp bà thực hiện thao tác một cách dễ dàng. Nay bà không ngại điện thoại thông minh nữa”, bà Thông (trú phường Trần Phú) cười nói.

"Những ngày đầu vận hành chính quyền 2 cấp, lượng người dân đến giao dịch rất đông. Nhiều người lớn tuổi chưa biết cách đăng ký định danh, thao tác còn chậm. Các bạn đoàn viên ở đây mỗi ngày có 5–10 người trực để hỗ trợ tận tình, giảm tải cho cán bộ tiếp nhận và giúp người dân yên tâm”, Bí thư Đoàn phường Trần Phú Lê Đức Anh chia sẻ.
Chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện công nghệ
Chuyển đổi số sẽ thất bại nếu người dân bị bỏ lại phía sau. Và chính những người trẻ đang đảm nhiệm một vai trò đặc biệt trong “cuộc cách mạng thầm lặng" – đưa công nghệ đến gần người dân, dịch ngôn ngữ số sang ngôn ngữ đời thường, để từ đó, niềm tin và sự thay đổi cùng được khởi động.

Từ những hành lang hành chính đông đúc đến các thôn xóm xa trung tâm, sự có mặt của thanh niên đã thắp lên sự tin tưởng nơi người dân trong giai đoạn thay đổi lớn về mô hình chính quyền. Đó là minh chứng rõ ràng cho vai trò, trách nhiệm và sức trẻ của thanh niên Hà Tĩnh trong hành trình chuyển đổi kép – chuyển đổi hành chính và chuyển đổi số.
Anh Phan Sắc Biển - Bí thư Đoàn xã Sơn Tây cho biết, hiện lực lượng đoàn viên xã gồm 15 – 20 người, chia thành nhiều tổ, đến các điểm như UBND xã và xuống tận thôn, nhà văn hóa cộng đồng để tuyên truyền, hỗ trợ người già thực hiện các thao tác về thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công.

Trao đổi với Văn Hóa, chị Nguyễn Ny Hương - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cho biết, để hỗ trợ tốt cho công tác vận hành chính quyền 2 cấp, ngay sau khi tổ chức đoàn xã, phường mới được thành lập, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo triển khai 69 đội hình với 1.870 đoàn viên, thanh niên tình nguyện,tham gia hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại các trung tâm hành chính công cấp xã.

Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cũng đã phát động phong trào “Bình dân học vụ” trong tuổi trẻ toàn tỉnh, với nhiều mô hình, cách làm thiết thực như: hỗ trợ nâng cao kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số; ra quân cao điểm cài đặt định danh điện tử; tuyến phố không dùng tiền mặt, ngày thứ 7 tình nguyện giải quyết TTHC... Thông qua những hoạt động này, đã tạo tiền đề để nâng cao kiến thức, kỹ năng số cho cán bộ, đoàn viên thanh niên, góp phần hỗ trợ hiệu quả chính quyền địa phương 2 cấp.

“Sự tham gia tích cực, chủ động của thanh niên nhằm góp phần vận hành hiệu quả bộ máy chính quyền sau sáp nhập, đồng thời khẳng định vai trò tiên phong, xung kích, sáng tạo, tình nguyện trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Đây chính là lúc tuổi trẻ Hà Tĩnh cùng nhập cuộc, bước vào kỷ nguyên mới bằng chính nhiệt huyết và hành động của mình. Thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng thanh niên, sinh viên, đoàn viên khối cơ quan có khả năng về công nghệ thông tin để hỗ trợ cán bộ, công chức và người dân trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, góp phần hỗ trợ tích cực cho các địa phương trong giai đoạn đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp”, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh chia sẻ.