Tình người sau cánh cổng Làng trẻ mồ côi SOS (Kỳ 1):

Trái tim những người mẹ

NGÂN HÀ

VHO - LTS: Trong vòng xoay của số phận, không phải đứa trẻ nào cũng may mắn được sinh ra trong vòng tay người mẹ. Ở Làng trẻ SOS Hà Tĩnh, có những con người đã chọn yêu thương những đứa trẻ mồ côi như một sứ mệnh, chọn lặng thầm gánh lấy nỗi cô đơn không tên của những đứa trẻ không người thân thích.

Giữa cuộc đời nhiều mất mát, nơi đây là chốn trở về của những trái tim nhỏ lạc lõng. Một mái nhà không ruột rà, nhưng ấm hơn mọi huyết thống; một tuổi thơ không đầy đủ, nhưng được bù đắp bằng tình yêu trọn vẹn.

Những đứa trẻ mồ côi, khuyết cha, khuyết mẹ nhưng chưa một ngày khuyết tình yêu thương tại Làng trẻ mồ côi SOS Hà Tĩnh. Ở đó, các em được chăm sóc từ miếng ăn đến giấc ngủ với cả trái tim và tấm lòng của những người mẹ.

 “Đến giờ ăn rồi Mậm ơi!”, tiếng bà Hưng cất lên đầy cưng nựng. Phía trong cũi, mắt Mậm ánh lên vui sướng, miệng ú ớ: “Cháo, cháo…!”

Trái tim những người mẹ - ảnh 1
Chị Đặng Thị Mỹ tập vật lý trị liệu cho trẻ khuyết tật với mong muốn một ngày không xa, các con có thể tự đi trên đôi chân của mình

“Người không mang họ”

Đã 10 năm qua, Mậm được bà Dương Thị Hưng (SN 1968) chăm sóc, nuôi dưỡng. Bà Hưng là một trong số nhiều bảo mẫu gắn bó tại Làng trẻ mồ côi SOS Hà Tĩnh (Làng đóng trên địa bàn phường Trần Phú, Hà Tĩnh) từ những năm đầu thành lập.

Một ngày mưa to gió lớn, bà Hưng đón trên tay đứa bé đỏ hỏn, chân tay co quắp, tím tái, ướt sũng. Em là đứa trẻ tàn tật bị bỏ rơi bên vệ đường khi chỉ vừa mấy ngày tuổi. Nguyễn Văn Mậm, cái tên mà những người mẹ, người bố ở Làng đặt cho đứa bé ấy.

Họ của em được khai sinh theo họ của giám đốc Làng trẻ SOS, ngày sinh của em được lấy là ngày em bị bỏ rơi, còn năm sinh thì được đoán chừng. Mậm được đưa về Làng trẻ mồ côi SOS trong hoàn cảnh như thế, giống như hàng trăm đứa trẻ tại mái ấm này cũng đã được khai tên, đặt họ theo cách tương tự. Các em gọi những người mẹ nuôi, bố nuôi bằng tiếng gọi trìu mến: Mẹ! Bố!

Bà Dương Thị Hưng nói rằng, những đứa trẻ này đều là con của mình. Suốt 32 năm qua làm công việc bảo mẫu, bà đã nuôi dưỡng hàng trăm thế hệ trẻ nên người. Từ những đứa trẻ khoẻ mạnh đến tật nguyền đều được chăm bẵm, lớn lên trên đôi bàn tay của bà. Thìa cháo, bình sữa, những đêm sốt triền miên…, bà đã mang trái tim của một người mẹ để chăm lo, sưởi ấm tổn thương, mất mát trong lòng những đứa trẻ không cha, không mẹ.

Chăm sóc những đứa trẻ khoẻ mạnh đã khó, chăm sóc những đứa trẻ tàn tật lại càng vất vả gấp bội. Hiện bà Hưng đang đảm nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng cho 19 cháu khuyết tật, trong đó có 7 cháu khuyết tật nặng. Những bữa ăn, giấc ngủ, những viên thuốc cảm, sốt mỗi khi trái gió trở trời, đều được bà lo lắng cho từng đứa như chính con mình dứt ruột đẻ ra.

“Tôi cùng một mẹ nữa phụ trách cho khối trẻ khuyết tật và khuyết tật nặng với tổng 19 cháu. Các cháu đều không thể tự sinh hoạt như người bình thường, nằm tại chỗ nên việc chăm sóc càng cần kĩ lưỡng. Các cháu đói không biết kêu, đau không biết nói nên thương lắm. Tôi luôn xem chúng là con của mình, chưa một ngày tôi thấy cực khổ vì công việc này. Tôi muốn dành tình yêu thương của mình bù đắp cho những đứa trẻ có số phận thiệt thòi”, bà Hưng nói.

Trái tim những người mẹ - ảnh 2
Những đứa trẻ có số phận nghiệt ngã nhưng ở mái ấm này, các em luôn có tình yêu thương của cộng đồng

Lấp đầy khoảng trống

“Thống Nhất” là tên được đặt cho em bé vừa mới đón về Làng. Em bị bỏ rơi ngay khi vừa lọt lòng mẹ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh vào ngày 30.4.2025. Tiếng khóc khát sữa của em những đêm mới về Làng khiến chị Phan Thị Phương (SN 1983) nghẹn ngào. Chị Phương là một trong hai cán bộ hiện đang phụ trách chăm sóc, nuôi dưỡng 7 trẻ sơ sinh. Hơn ai hết, chị thấu hiểu sự thiệt thòi của những đứa trẻ vừa lọt lòng đã không được bú mớm dòng sữa ấm nóng của mẹ. Bởi, vốn chị cũng là một đứa trẻ mồ côi.

Khi vừa lên 6 tuổi, mẹ đột ngột qua đời bị bạo bệnh, chị Phương được bà ngoại đón về nuôi. Suốt thời thơ ấu, chị luôn khao khát hơi ấm của mẹ. Từ sự thấu cảm đối với những số phận nghiệt ngã trong cuộc đời, chị Phương đã chọn thi vào trường Đại học Công tác xã hội, nung nấu ý định khi ra trường sẽ xin vào làm tại Làng trẻ mồ côi SOS.

Năm 2007, tốt nghiệp với tấm bằng giỏi, rất nhiều cơ hội việc làm, song chị Phương đã tình nguyện xin về Làng trẻ SOS Hà Tĩnh. Bằng trái tim của một đứa trẻ từng mất mẹ, thấu hiểu khoảng trống không thể lấp đầy đó, chị Phương đã dốc hết tình yêu thương, tận tuỵ chăm sóc những em bé được đưa về đây, từ lúc đỏ hỏn, yếu ớt cho đến khi khoẻ mạnh, biết đi, biết chạy.

Gắn bó cuộc đời mình với mái ấm này, chị đem lòng yêu và kết hôn với anh Nguyễn Văn Tính (hiện là điều dưỡng trưởng tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh). Anh Tính cũng là trẻ mồ côi được nuôi dưỡng tại Làng. Tình yêu thương, sự thấu cảm giữa hai con người có chung số phận thiệt thòi đã gắn kết, gieo duyên cho chị Phương và anh Tính nên duyên vợ chồng.

“Bé lớn nhất 18 tháng tuổi, bé nhỏ nhất chỉ vừa 29 ngày tuổi nên việc chăm sóc rất vất vả. Với kinh nghiệm chuyên ngành, chúng tôi rèn luyện cho các bé thói quen sinh hoạt khoa học. Dành tình yêu thương như chính con của mình nên chưa một ngày tôi thấy áp lực bởi công việc này”, chị Phương chia sẻ.

11 năm qua, chị Đặng Thị Mỹ (SN 1987) là trị liệu viên tại Làng trẻ mồ côi SOS. Vào Làng làm việc từ năm 2014, hiện, chị đang phụ trách trị liệu cho 20 cháu khuyết tật. Tốt nghiệp chuyên ngành y học cổ truyền, chị Mỹ là một trong số thanh niên “dũng cảm” tình nguyện xin vào Làng trẻ làm việc không lương với mong muốn mang chuyên môn của mình giúp đỡ những đứa trẻ có số phận nghiệt ngã: Không cha, không mẹ lại bị khuyết tật.

Suốt ba năm đầu, chị Mỹ làm việc không lương, không có bất kỳ chế độ đãi ngộ nào, song nhìn những đứa trẻ mình chăm sóc, trị liệu tự bước được những bước đi đầu tiên, trái tim chị vỡ oà vui sướng. Buồn cùng các con, khóc cùng các con, bởi, trị liệu là cả quá trình kiên trì, đau đớn, phải có trái tim thấu cảm, yêu thương thật sự mới có thể kiên trì đồng hành…

 Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh được thành lập từ năm 1992 theo Quyết định 230/QĐUB của UBND tỉnh Hà Tĩnh với chức năng nhiệm vụ là chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Sau hơn 32 năm hoạt động, Làng đã nhận và đem về cưu mang, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trên 620 cháu có hoàn cảnh éo le như: Mồ côi cha mẹ, không nơi nương tựa; trẻ sơ sinh bị bỏ rơi; trẻ bị nhiễm chất độc da cam, trẻ khuyết tật, bại não...

Hiện nay, Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh đang chăm sóc nuôi dưỡng 87 cháu, trong đó có 43 cháu học tại các trường trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh; 17 cháu đang học các trường đại học, cao đẳng trên cả nước; 20 cháu là trẻ khuyết tật, bại não; 7 cháu là trẻ sơ sinh bị bỏ rơi.

(Còn tiếp)