Tổng thống Hàn Quốc ra lệnh điều tra lại thảm kịch chen lấn tại Itaewon năm 2022
VHO - Ngày 17.7, Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae Myung đã ra lệnh tái điều tra toàn diện thảm họa chen lấn tại Itaewon năm 2022.

Ba năm đã trôi qua kể từ đêm Halloween định mệnh năm 2022, khi con hẻm hẹp ở khu Itaewon - trung tâm giải trí sầm uất bậc nhất Seoul trở thành nơi chôn vùi nỗi đau của 159 con người, trong đó có 26 nạn nhân là người nước ngoài.
Nhưng với nhiều gia đình, cả ở Hàn Quốc lẫn trên khắp thế giới, cánh cửa công lý và sự thật vẫn chưa thực sự được mở ra, nỗi đau chưa khép lại.
Một buổi đối thoại đặc biệt cho những vết thương chưa lành
Ngày 17.7, Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae Myung đã ra lệnh tái điều tra toàn diện thảm họa Itaewon. Ông cam kết thành lập một lực lượng đặc nhiệm điều tra chung, phối hợp giữa công tố viên và cảnh sát, để “làm sáng tỏ toàn bộ sự thật đằng sau thảm họa giẫm đạp ở Itaewon năm 2022”.
Văn phòng Tổng thống nhấn mạnh, lực lượng đặc nhiệm này sẽ được trao quyền cưỡng chế nếu cần thiết, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban điều tra đặc biệt nhằm đảm bảo tính minh bạch và công bằng. Người phát ngôn Tổng thống, bà Kang Yu-jung, dẫn lời Tổng thống Lee Jae Myung: “Công chúng vẫn chưa hiểu rõ về thảm kịch này”.
Động thái quyết liệt của Tổng thống Lee không chỉ là hồi đáp trước yêu cầu của các gia đình nạn nhân, mà còn là sự cộng hưởng với tiếng nói đau đáu của xã hội Hàn Quốc suốt 3 năm qua về trách nhiệm giải trình và sự chữa lành.
Thông báo của Tổng thống được đưa ra chỉ một ngày sau cuộc gặp mặt đầy xúc động giữa ông Lee Jae Myung với gia đình các nạn nhân của bốn thảm họa quốc gia lớn gần đây: Thảm họa chìm phà Sewol năm 2014, vụ chen lấn ở Itaewon năm 2022, lũ lụt tại hầm Osong năm 2023 và tai nạn máy bay Jeju Air năm 2024.
Buổi gặp mặt mang tên “Đối thoại để tưởng nhớ, an ủi và chữa lành” đã quy tụ khoảng 200 thành viên gia đình nạn nhân, một không gian hiếm hoi để họ được trực tiếp đối thoại với Nhà nước. Đây không phải là nơi gợi nhớ nỗi đau, mà là dịp để chuyển tải những thông điệp tha thiết về sự minh bạch, trách nhiệm và nhân đạo.
Bà Kang Yu-jung cho biết: “Để đáp lại yêu cầu của các gia đình có người thân thiệt mạng về việc công nhận đặc biệt đối với các nạn nhân nước ngoài, Tổng thống đã chỉ thị xem xét tích cực sự tham gia của gia đình họ vào lễ tưởng niệm 3 năm thảm họa Itaewon”.
Theo kế hoạch, Chính phủ Hàn Quốc sẽ mời thân nhân các nạn nhân người nước ngoài đến tham dự lễ tưởng niệm vào tháng 10 tới. Đây là bước đi chưa từng có tiền lệ, thể hiện sự ghi nhận đặc biệt với các nạn nhân quốc tế, những người đã ra đi khi đang ở độ tuổi thanh xuân, ở một đất nước xa nhà.
26 công dân đến từ 14 quốc gia đã thiệt mạng trong thảm họa: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Úc, Na Uy, Áo, Trung Quốc, Nga, Việt Nam, Thái Lan, Sri Lanka, Kazakhstan, Uzbekistan và Iran.
Hầu hết đều chỉ mới ngoài 20 tuổi, họ có thể là sinh viên, là những du khách khám phá Seoul về đêm, hay chỉ đơn giản là những người trẻ đang sống hết mình với nhịp đập của thành phố toàn cầu.

Khát vọng minh bạch và nhân đạo
Gia đình các nạn nhân trong vụ giẫm đạp Itaewon đã nhiều lần yêu cầu một cuộc điều tra “toàn diện, nghiêm túc do Nhà nước chỉ đạo”, đồng thời mong muốn công bố đầy đủ mọi thông tin liên quan đến thảm họa, chứ không chỉ dừng lại ở những báo cáo hành chính.
Họ cũng kêu gọi Chính phủ cung cấp hỗ trợ tâm lý và xã hội toàn diện cho những người sống sót và gia đình nạn nhân.
Chính quyền Tổng thống Lee cam kết sẽ thực hiện những yêu cầu này. Các bộ ngành liên quan được chỉ đạo xây dựng một cẩm nang hỗ trợ cho các gia đình có người thân thiệt mạng trong các thảm họa tương lai, một hành động mang tính hệ thống để tránh lặp lại những bi kịch tương tự.
Ngoài ra, từng Bộ, ngành sẽ phân bổ ngân sách và nhân sự để chăm sóc tâm lý, hỗ trợ đời sống cho nạn nhân và người thân.
Chính phủ cũng khẳng định sẽ công bố tất cả hồ sơ liên quan đến vụ việc “ở mức độ tối đa được pháp luật cho phép”, một tuyên bố nhằm xoa dịu sự nghi ngờ của dư luận về những điều còn che giấu trong quá trình xử lý thảm họa trước đây.

Vì sao Itaewon vẫn là vết sẹo của quốc gia?
Thảm họa Itaewon không chỉ là một tai nạn thảm khốc, mà còn là cú sốc đối với lòng tin công chúng về khả năng quản lý rủi ro của chính quyền.
Đêm 29.10.2022, hàng chục nghìn người đổ về khu Itaewon để đón Halloween, nhưng hệ thống cảnh báo, kiểm soát đám đông đã hoàn toàn vắng bóng.
Những cuộc gọi cầu cứu trước khi thảm kịch xảy ra đã không được phản hồi kịp thời, dẫn đến cảnh tượng hỗn loạn trong con hẻm hẹp, nơi các nạn nhân bị dồn ép đến ngạt thở.
Vụ việc phơi bày lỗ hổng nghiêm trọng trong công tác đảm bảo an toàn công cộng, khiến Hàn Quốc, một quốc gia vốn nổi tiếng với sự chỉn chu, phải đối mặt với những câu hỏi nhức nhối về cách thức vận hành của bộ máy quản lý đô thị trong bối cảnh toàn cầu hóa và các sự kiện đông người ngày càng phổ biến.
Ba năm sau, nỗi đau chưa lành. Việc Tổng thống Lee Jae Myung ra lệnh điều tra lại là động thái pháp lý và cũng là một lời cam kết chính trị: Sẽ không để những câu hỏi về sự thật tiếp tục bị bỏ ngỏ.
Với các gia đình nạn nhân ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Việt Nam hay Pháp, đây là tín hiệu cho thấy hành trình đi tìm công lý có thể còn gian nan, nhưng ít nhất, cánh cửa đối thoại đã được mở lại. Và hy vọng, lần này, nó sẽ không khép lại vội vàng, trước khi sự thật sáng tỏ.