“Thủ phủ” mai vàng rộn ràng mùa Tết

VHO - Vào những ngày này, vựa mai ở thị xã An Nhơn (Bình Định), được mệnh danh là “thủ phủ” mai vàng lớn nhất miền Trung lại bất tật vào vụ Tết. Từ chủ vườn đến người lao động nhộn nhịp, rộn ràng chăm chút cho từng bút bông, ngọn cành… để đáp ứng thị trường Tết năm nay. Mặc dù có mệt nhọc, nhưng trên khuôn mặt của họ luôn hiện lên nét đẹp của người cần lao.

Đến hẹn lại lên, cứ vào tháng Chạp hằng năm trở đi, nhiều hộ trồng mai tại thị xã An Nhơn (Bình Định) bận rộn với công việc xuống lá cho cây, với hy vọng loài hoa này sẽ bung nở đúng hẹn để Tết 2024 được ấm no, sung túc.

“Thủ phủ” mai vàng rộn ràng mùa Tết - Anh 1

Anh Ngô Hoàng Duy chăm chút cho cây mai bonsai cổ với dáng thác đỗ để kịp đưa ra thị trường cung ứng

Được một anh bạn giới thiệu về “thủ phủ” mai vàng lớn nhất miền Trung ở An Nhơn, chúng tôi đã tìm về và ghi nhận không khí lao động nơi đây. Tại các làng mai vàng truyền thống ở thôn Trung Định và Háo Đức, thuộc xã Nhơn An, nhiều chủ vườn, người lao động đang hối hả nhặt lá cho mai, bất chấp tiết trời không ủng hộ cho lắm.

Bà Đặng Thị Kim Long (63 tuổi, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước) cho hay: Vào thời điểm này hằng năm, tôi cùng một số lao động trong xã đến “thủ phủ” mai vàng nhặt lá thuê để kiếm thêm thu nhập. Giờ là bắt đầu vào mùa nhặt lá cho mai, chủ vườn chỉ thuê người làm khoảng nửa tháng, nên dù nắng hay mưa chúng tôi cũng tranh thủ đi làm để kiếm thêm “đồng ra đồng vào”. Hiện nay các chủ vườn trả tiền công từ 180.000 - 200.000 đồng/ngày/người.

Chạy sang xã Nhơn Hưng, nơi cũng được xem có diện tích trồng mai lớn nhất An Nhơn. Ở đây phóng tầm mắt, chúng tôi nhìn thấy hàng trăm lao động làm thuê đang đứng nhặt lá dưới những cánh đồng hoa mai vàng. “Tôi đã làm được 5 ngày rồi (180 ngàn đồng/ngày). Chủ vườn năm nay thuê công làm rất nhiều, tuy vậy cũng có lúc nhân công nghỉ bất chợt. Bởi thời tiết nắng mưa thay đổi liên tục, nên việc nhặt lá cho cây mai rất khó khăn”, bà Nguyễn Thị Mai chia sẻ và vui nói, "Tuy việc làm thuê đôi khi bị gián đoạn nhưng chúng tôi rất vui khi mỗi lần ở ruộng mai để nhặt lá. Những ngày đứng chân nhặt lá dưới ruộng mai chúng tôi rất mệt, song trong lúc làm nhiều câu chuyện trong cuộc sống của mỗi gia đình được chia sẻ cho nên mọi người rất vui và sự mệt mỏi bị vơi đi phần nào".

Tại các làng nghề trồng mai ở thị xã An Nhơn, những ngày này các nông hộ đang hối hả, tất bật nhặt lá, tạo dáng cũng như vận chuyển những chậu mai vàng cho thương lái để kịp xe hàng chở ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ. Anh Ngô Hoàng Duy, chủ vườn mai ở Nhơn Hưng cho biết: Gia đình trồng mai gần 20 năm, nổi tiếng với dòng mai vàng cúc 7 lớp. Năm nay, gia đình trồng 4.000 chậu mai bonsai, chưa biết có bán được bao nhiêu chậu nhưng thời điểm này tôi đã thuê diện tích ở mặt đường quốc lộ 1A để bán. Những ngày qua, gia đình tất bật, hối hả thuê công làm nhặt lá để kịp đưa ra đó bán cho khách ở các tỉnh phía Bắc.

“Thủ phủ” mai vàng rộn ràng mùa Tết - Anh 2

Bất chấp thời tiết thay đổi liên tục, nhưng các chủ vườn ở “thủ phủ” mai vàng lớn nhất miền Trung vẫn miệt mài lao động, tất bật nhặt lá để đưa ra thị trường những chậu mai vàng ưng ý cho người mua

Theo anh Duy, hiện tại những nhà vườn có các kiểu dáng mai vàng đang được xuất ra thị trường bán gồm mai bonsai, mai tạo dáng và mai lùm. Tùy thuộc vào người trồng và am hiểu, cây mai có thể được tạo dáng chủ yếu uốn theo thế trực tỉ mỉ hội tụ được 4 đặc điểm: đơn cành, thưa lá, gốc bồ, ngọn chỉ; cự ly phân chi giữa các chi đều nhau, chi bố trí theo kiểu huynh đệ từ 5 chi trở lên, thông thường 5 - 7 - 9 - 11 (chi dưới to hơn chi trên) tạo vóc dáng hình tháp, nhìn cân đối tứ diện. Trong khi đó, mai bonsai được uốn theo các thế như rồng thăng, thác đỗ, huyền, trực - huyền, trực - bán huyền, bạt phong, nghinh phong, siêu phong… thể hiện được đặc điểm chân, thiện, mỹ.

Những năm qua, các nghệ nhân và nông dân vùng “thủ phủ” mai vàng lớn nhất ở miền Trung thị xã An Nhơn đang nỗ lực đưa ra thị trường nhiều giống mai vàng như mai giảo, mai cúc, huỳnh tỷ, mai đọt xanh, hồng mai, mai thượng hải, cúc tiểu muội, nữ hoàng, mai vàng 5 cánh… Trong đó, giống mai giảo chiếm tỉ lệ cao nhất khoảng 75,8%, giống mai cúc chiếm 20,4%, các giống mai còn lại chiếm 3,8%.

Đến vườn mai bonsai Tuấn Ngọc, chúng tôi trò chuyện và được ông Nguyễn Trí Tuấn - người được mệnh danh đi đầu trong việc trồng mai sạch ở An Nhơn kể: Cây mai vàng đã có từ lâu trên đất Bình Định. Song cột mốc vẫn đáng nhớ là khi ông Đặng Xuân Lan, ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An (thị xã An Nhơn) là người đầu tiên đem những cây mai vàng từ miền Nam về trồng, lấy hoa phục cho gia đình trong dịp Tết. Và cũng kể từ đó, phong trào trồng mai vàng cũng như kinh doanh phát triển rầm rộ tại tỉnh Bình Định, trong đó tập trung nhiều tại thị xã An Nhơn.

“Thủ phủ” mai vàng rộn ràng mùa Tết - Anh 3

Vựa mai vàng thị xã An Nhơn (Bình Định) được mệnh danh là “thủ phủ” mai vàng lớn nhất miền Trung

Hiện nay, toàn thị xã An Nhơn có trên 145 ha mai vàng, với hàng ngàn hộ trồng và trong số diện tích này, phát triển cũng như trồng nhiều nhất ở 2 xã Nhơn An và Nhơn Phong. Năm 2012, sản phẩm Mai vàng Nhơn An đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Những năm qua, trồng cây mai vàng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ gia đình trồng với số lượng lớn từ 5.000 - 10.000 cây mai, ước tính doanh thu từ 400 - 600 triệu đồng/năm, các hộ còn lại thu nhập từ 50 - 300 triệu đồng/năm. Nghề trồng mai đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Bùi Văn Cư, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, thường khoảng mùng 6 tháng Chạp, thương lai đến mua và vận chuyển mai Tết đi các tỉnh, thành để bán. Những ngày tháng Chạp này, tại các làng mai truyền thống người trồng mai cũng như người làm thuê đang tất bật chăm sóc cho vườn mai, bởi sau nhặt lá các sẽ “ghé thăm” ruộng mai để thu mua cung ứng cho thị trường.

Chuẩn bị cho Tết Giáp Thìn năm 2024, UBND thị xã An Nhơn đã lên kế hoạch tổ chức lễ hội, dự kiến triển lãm 5.300 cây cảnh mai vàng nhằm hỗ trợ quảng bá giúp người dân các làng nghề trồng mai nơi đây. Theo đó, Lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 26 – 29.1.

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc