Thanh niên bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc
VHO - Đây là 1 trong 6 chủ đề của 6 Tổ thảo luận diễn ra chiều ngày 17.12 trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024 – 2029.
Chủ trì và phát biểu tại buổi thảo luận, chị Dương Minh Nguyệt, Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Tuyên Quang cho biết, Đại hội lần này có một số điểm mới trong nhiệm vụ, giải pháp công tác Hội và phong trào thanh niên nhiệm kỳ 2024 – 2029. Đó là trong triển khai phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” bổ sung nội hàm mới “Thanh niên Việt Nam bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” với 5 nhóm giải pháp triển khai thực hiện.
Trong đó chú trọng giải pháp nâng cao nhận thức của thanh niên trong việc tích cực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc Việt Nam; thúc đẩy phát triển du lịch địa phương gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa; phát huy vai trò của thanh niên trong việc đấu tranh chống sự xâm nhập và ảnh hưởng của các hiện tượng phản văn hóa, sự chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa...
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để thế hệ trẻ tiếp nối và làm rạng danh di sản ông cha để lại, đồng thời dung hòa với những giá trị văn hóa mới trong thời đại số? Thanh niên Việt Nam cần làm gì để tham gia bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam giai đoạn 2024 – 2029. Chị Dương Minh Nguyệt đề nghị các đại biểu thanh niên thảo luận về vai trò của thanh niên trong việc bảo tồn các giá trị truyền thống của văn hóa dân tộc; Đề xuất giải pháp để phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa trong bối cảnh hội nhập; xây dựng chương trình, đề án cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa trong nhiệm kỳ IX.
Tham gia thảo luận về vấn đề phát huy vai trò của thanh niên trong đấu tranh chống sự xâm nhập và ảnh hưởng của các hiện tượng phản văn hóa, sự chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, anh Lò Văn Long, Trưởng Ban Thanh niên Công an tỉnh Điện Biên, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh cho rằng, thanh niên hiện nay, dù được tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin phong phú, nhưng cũng dễ bị lôi kéo bởi những luận điệu xuyên tạc, phản động. Trong khi đó, sự thiếu hụt thông tin chính thống, sự phân biệt giữa thông tin thật và giả trên mạng xã hội khiến thanh niên đôi khi chưa đủ nhận thức để phân biệt đúng sai, dẫn đến việc tiếp thu và lan truyền các giá trị văn hóa tiêu cực; dễ bị lôi kéo trước những cám dỗ; dễ bị kích động theo “tâm lý đám đông"…
Tình hình này càng trở nên phức tạp khi các hiện tượng phản văn hóa như bạo lực, sống ích kỷ, chạy theo vật chất, thờ ơ với các giá trị đạo đức đang ngày càng phổ biến trong một bộ phận giới trẻ. Các vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân thanh niên mà còn đe dọa đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Do đó, một trong những giải pháp để đấu tranh với vấn đề này là cần tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn, hội trong công tác giáo dục chính trị - tư tưởng cho thanh niên. Các cơ quan, tổ chức cần tiến hành rà soát các chính sách trong mọi khâu quản lý: Về hành chính, quản lý tốt việc sử dụng mạng internet, website, fanpage trên mạng xã hội….
Thực hiện tốt việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và truyền thống văn hoá, lịch sử tốt đẹp của dân tộc. Cũng như thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối thanh niên theo đúng quy định. Chú trọng nâng cao các thiết chế văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nhằm thỏa mãn nhu cầu giải trí chính đáng của thanh niên…
Liên quan đến vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, chị Thùng Thị Tâm, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết, thúc đẩy du lịch địa phương gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống là một trong những nhiệm vụ được Hội LHTN Việt Nam tỉnh Lai Châu chú trọng triển khai. Nhiều hoạt động phối hợp được triển khai có hiệu quả tích cực và có tính lan tỏa rộng.
Có thể kể đến là thành lập các CLB văn hóa văn nghệ, CLB giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc. Tính đến thời điểm hiện nay, đã thành lập 106 CLB, đội văn nghệ giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc tại các xã, phường, thị trấn trong địa bàn Tỉnh, tiêu biểu như: Câu Lạc bộ Hát then - Đàn tính thiếu nhi, huyện Than Uyên; Câu lạc bộ Đàn tính xã Mường So, huyện Phong Thổ; CLB dân ca Thái… Các CLB duy trì hoạt động thường xuyên và tham gia biểu diễn tại các Lễ hội và phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm tại địa phương.
Cùng với đó là các hoạt động phối hợp với ngành Giáo dục thành lập các CLB bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc tại các trường THCS và THPT; Hỗ trợ hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên nông thôn gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và trải nghiệm của du khách với nghề truyền thống. Hỗ trợ hình thành các mô hình du lịch nông nghiệp của thanh niên gắn với khám phá đời sống văn hóa bản địa của người dân; mở lớp truyền dạy nghề truyền thống cho thanh niên; phối hợp tổ chức các sự kiện văn hóa - du lịch, Tuần văn hóa du lịch; Ngày hội văn hóa các dân tộc; các lễ hội lớn của địa phương…
“Các mô hình và phần việc đã được Hội LHTN Việt Nam tỉnh Lai Châu triển khai có hiệu quả, góp phần phát huy được hiệu quả du lịch địa phương gắn với bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc các dân tộc; góp phần tăng thu nhập và đổi mới đời sống kinh tế của bà con nhân dân”, chị Thùng Thị Tâm chia sẻ.
Ngoài ra, các đại biểu cũng sôi nổi thảo luận về vai trò của tổ chức Hội LHTN Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên của Hội, các cán bộ công tác thanh niên nhận diện được những hành vi ứng xử không đẹp của chính thanh niên trước những hình ảnh thù ghét, thù địch; Thanh niên có thể làm gì để gắn kết các nghề thủ công truyền thống với nhu cầu và thị hiếu hiện đại, từ đó tạo ra các sản phẩm có giá trị văn hoá cao…