Thanh Hóa cho phép bố trí Tỉnh ủy viên làm Bí thư cấp xã
VHO - Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa ban hành Quy định số 4030-QĐ/TU về công tác cán bộ tại các xã, phường mới thành lập sau sắp xếp đơn vị hành chính, cho phép bố trí Tỉnh ủy viên, thậm chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, làm Bí thư Đảng ủy cấp xã trong một số trường hợp đặc biệt.
Chủ trương này được đánh giá là bước đi đột phá, thể hiện quyết tâm nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo ở cơ sở, đặc biệt tại những địa bàn có vai trò chiến lược hoặc gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, nhân sự giữ chức Bí thư Đảng ủy cấp xã mới thành lập có thể là Tỉnh ủy viên. Trong các trường hợp đặc biệt, như xã có quy mô dân số lớn, kinh tế phát triển, hạ tầng đô thị đồng bộ, nằm trong khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoặc thuộc vùng đặc biệt khó khăn, có thể bố trí cả Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Bí thư Đảng ủy.
Cùng với đó, Tỉnh ủy Thanh Hóa khuyến khích luân chuyển, biệt phái cán bộ từ miền xuôi lên miền núi, nhất là những người có trình độ khoa học, kỹ thuật, để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Đáng chú ý, tại các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, tỉnh nghiên cứu tăng cường cán bộ quân đội giữ chức Bí thư, Phó Bí thư hoặc Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy nhằm đảm bảo quốc phòng - an ninh và ổn định cơ sở.
Quy định số 4030 cũng nêu rõ nguyên tắc sắp xếp cán bộ gắn với tinh giản tổ chức, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả.
Theo đó, sẽ vận động, sắp xếp nghỉ công tác đối với các trường hợp không đủ tuổi tái cử, còn dưới 5 năm công tác hoặc có trình độ chuyên môn không đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn chung.
Đối với chức danh Bí thư cấp ủy xã, tỉnh quy định rõ thứ tự ưu tiên khi bố trí, bao gồm: Tỉnh ủy viên; Bí thư hoặc Phó Bí thư cấp ủy cấp huyện; cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện; Huyện ủy viên là Phó Chủ tịch HĐND hoặc UBND cấp huyện.
Chức danh Phó Bí thư cấp ủy xã cũng được phân tầng cụ thể, ưu tiên cán bộ từng giữ chức lãnh đạo cấp huyện hoặc cán bộ cấp xã có năng lực nổi bật. Riêng tại những địa bàn khó khăn, có thể bố trí cán bộ là Phó trưởng phòng các sở, ban, ngành cấp tỉnh về đảm nhận.

Tương tự, các chức danh Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Phó Chủ tịch HĐND, UBND xã cũng có quy định ưu tiên cụ thể. Theo đó, ngoài các chức danh ở cấp huyện, cán bộ trưởng, phó phòng cấp tỉnh và cán bộ xã có năng lực, thành tích nổi bật sẽ được xem xét bổ nhiệm.
Với các vị trí trưởng, phó đoàn thể, phòng ban ở xã, tỉnh ưu tiên những cán bộ từng làm lãnh đạo cấp huyện trở xuống, có năng lực quản lý, điều hành tốt.
Một trong những điểm mới quan trọng là yêu cầu nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ cấp xã. Theo quy định, tất cả cán bộ cấp xã phải có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. Đặc biệt, chức danh Bí thư cấp ủy xã bắt buộc phải tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị.
Về quy trình, phương án bố trí nhân sự tại các xã, phường mới thành lập sẽ do Ban Tổ chức Tỉnh ủy xây dựng, trình Bí thư Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy xem xét, quyết định.
Theo lãnh đạo Tỉnh ủy Thanh Hóa, Quy định số 4030-QĐ/TU nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các xã, phường mới thành lập sau sắp xếp đơn vị hành chính sớm ổn định tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở.