Tấm lòng yêu trẻ của những “người mẹ thứ hai”
VHO - Bằng niềm say mê, nhiệt huyết và tấm lòng yêu trẻ, qua bàn tay khéo léo, sáng tạo, các cô giáo mầm non đã “hô biến” đá sỏi vô tri thành những bức tranh tuyệt đẹp. Những bức họa ấy góp mặt trong chương trình “Bức tranh yêu thương” không chỉ để gây quỹ xây dựng thư viện xanh mà còn chứa đựng tình cảm của những “người mẹ thứ hai” nơi đại ngàn xứ Nghệ dành cho con trẻ.
Công tác ở điểm trường nơi vùng sâu biên giới, đời sống bà con còn nhiều khó khăn, vất vả khiến các cô giáo Trường mầm non Tam Hợp (Tương Dương, Nghệ An) luôn trăn trở. Để phục vụ cho việc học tập và vui chơi của trẻ, các cô đã tự mày mò, tận dụng nguyên vật liệu có sẵn trên nương rẫy, trong bản làng để sáng tạo nên những đồ dùng học tập, đồ chơi lý thú, hấp dẫn…
Cô Lê Thị Nhàn, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đa số trường mầm non ở các huyện vùng cao thuộc diện 30A của Nghệ An đều thiếu thốn, nghèo nàn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Do đó, giáo viên phải sáng tạo, mày mò làm ra những vật dụng để phục vụ cho công tác giảng dạy. Chúng tôi xin bà con các vật liệu đã qua sử dụng như gỗ, lốp xe, sắt thép, ống nhựa... để làm đồ dùng, đồ chơi, dụng cụ học tập cho trẻ. Năm nay, chương trình vẽ tranh gây quỹ mang tên “Bức tranh yêu thương” do Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương phát động để ủng hộ học sinh nghèo và mua sách cho thư viện trường là hoạt động ý nghĩa và bổ ích, được các giáo viên trong trường nhiệt tình hưởng ứng tham gia”.
Để có được những bức tranh sinh động, các cô giáo đã phải vượt quãng đường xa có khi hơn cả trăm cây số để nhặt từng viên đá, về chà rửa sạch, phơi khô, sơn màu và ghép lên thành tranh. Trong quá trình thực hiện, các cô đã nhận được sự hỗ trợ của các em nhỏ, sự hưởng ứng của phụ huynh và các chiến sĩ thuộc Đồn Biên phòng Tam Hợp. Những bức tranh được sử dụng song song hai chất liệu gốm và đá, đưa đến cho người xem nhiều xúc cảm về sự yêu thương, gắn kết.
“Học sinh mầm non người dân tộc thiểu số đều thuộc diện hộ nghèo, bố mẹ đi làm ăn xa, các em ở nhà với ông bà. Do không có người chăm sóc nên sau giờ học hoặc dịp nghỉ hè, các cháu thường ra sông, suối tắm và chơi rất nguy hiểm. Với mong muốn học sinh có một sân chơi ý nghĩa, chúng tôi đã xây dựng thư viện để các em có thể xem sách, tham gia các hoạt động phát triển ngôn ngữ. Thông qua việc bán tranh, gây quỹ, chúng tôi mong sẽ có thêm nguồn kinh phí để trang bị thêm sách cho thư viện. Hàng chục bức tranh được bán thành công không chỉ khẳng định tài năng của giáo viên mà còn chứa đựng ở đó tấm lòng của cộng đồng đối với học sinh vùng cao...”, Phó Hiệu trưởng bày tỏ.
Tham gia chương trình “Bức tranh yêu thương”, cô trò Trường mầm non Xá Lượng cũng đã sáng tạo được 85 bức tranh, trong khi đó trẻ tự vẽ được 71 bức. Anh La Văn Tuân, phụ huynh học sinh cho biết: “Chúng tôi đã góp màu vẽ và nhiều vật dụng để cùng cô trò vẽ tranh gây quỹ. Việc vẽ tranh giúp con em trong bản vừa vui chơi, học tập, nâng cao các kỹ năng, vừa góp phần giáo dục trẻ làm những việc tốt…”.
Tổ vẽ tranh của Trường mầm non Xá Lượng gồm 8 cô giáo, đều là những người có năng khiếu hội họa. Để chuẩn bị cho chương trình, nhiều tháng qua, sau giờ học hoặc tranh thủ những ngày nghỉ, các cô lại cùng nhau lên ý tưởng, chuẩn bị nguyên vật liệu và tập trung sáng tác nhiều đề tài khác nhau. Cô giáo Lô Thị Hòe đã có gần 15 năm gắn bó với nghề giáo viên mầm non, bộc bạch: “Tôi vẽ được khá nhiều bức tranh và một số bức đã có người mua. Số tiền không lớn những tôi thật sự vui vì chúng tôi đã lan tỏa được việc làm ý nghĩa. Tôi cũng tin rằng, với hoạt động này, không chỉ riêng tôi mà cả những người mua tranh cũng thấy hạnh phúc vì đã góp được một phần công sức cho trẻ em vùng cao”.
Khi xây dựng chương trình, Trường Xá Lượng đặt mục tiêu sẽ bán tranh để gây quỹ xây dựng thư viện và góc đọc sách ở các lớp, tặng bóng đèn điện cho 6 trẻ nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Chia sẻ thêm về điều này, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cô giáo Lê Hồng Quang cho biết: “Phát triển văn hóa đọc là mục tiêu mà trường chúng tôi đã đặt ra từ đầu năm học, để làm được điều đó cần rất nhiều yếu tố như xây dựng thư viện, góc đọc sách ở các lớp tại điểm trường lẻ và mua sách cho học sinh… Mỗi bức tranh được bán ra là một câu chuyện và ý nghĩa khác nhau. Dù giá trị của một bức tranh không lớn, chỉ 300 - 700 nghìn đồng, nhưng chúng tôi thấy được phía sau đó là tấm lòng, là trách nhiệm của các cô giáo và nhà trường. Hiện chúng tôi đã thu được hơn 10 triệu đồng và sẽ tiếp tục công việc ý nghĩa này, để có thể đem đến nhiều hơn nữa niềm vui cho học trò”.