Quảng Ngãi, Quảng Nam mưa lớn, nhiều vùng ngập cục bộ
VHO- Mưa lớn từ chiều qua, ngày 22.10 đến sáng nay, 23.10 tại các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Ngãi khiến nhiều vùng ở hai địa phương này đã xuất hiện ngập cục bộ do nước mưa không thoát kịp. Mực nước tại các sông tại Quảng Ngãi, Quảng Nam đang lên, cảnh báo sẽ xuất hiện một đợt lũ.
Quảng Ngãi: Mưa trắng trời, nhiều tuyến đường biến thành sông
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, từ đêm 22 đến sáng 23.10, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100 - 180mm. Nhiều tuyến đường ở trung tâm TP Quảng Ngãi, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi biến thành sông sau hàng giờ đồng hồ mưa to.
Các phương tiện lưu thông khó khăn do nước ngập sâu
Mưa to kéo dài không ngớt khiến nhiều tuyến đường ở trung tâm TP Quảng Ngãi như Phan Bội Châu, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Tự Tân, Hùng Vương...ngập sâu hơn nửa mét. Biển nước mênh mông ngay tại các tuyến đường trung tâm khiến người đi lại, các phương tiện giao thông, xe máy, xe ô tô di chuyển qua khu vực trên cũng gặp trở ngại.
Nước ngập sâu ở ngã tư Phan Bội Châu - Nguyễn Tự Tân khiến người phụ nữ chạy xe máy bị té ngã.
Tại huyện Sơn Tịnh, mưa to cũng khiến nhiều khu dân cư bị nước bủa vây. Nhiều người chạy xe máy không thể vượt qua đoạn đường ngập sâu.
Mưa ngập nhiều vùng ở huyện Sơn Tịnh
Tại một số tuyến đường tiềm ẩn nguy hiểm do nước chảy xiết, lực lượng chức năng giăng dây, túc trực cấm người dân lưu thông.
Nhiều người không thể chạy xe máy vì đường ngập sâu
Theo Đài khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp trường gió Đông hoạt động mạnh nên từ ngày 23-25.10, trên địa bàn tỉnh sẽ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 200 - 400mm/đợt.
Quảng Nam : Mưa lớn, đề phòng sạt lở, lũ quét ở miền núi
Mực nước trên sông Hoài, Hội An đang lên, cảnh báo xuất hiện lũ
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Quảng Nam cho biết, từ tối ngày 22 đến sáng nay, ngày 23.10, các địa trong tỉnh có mưa lớn trên diện rộng.
Dự báo từ ngày 23- 25.10, các địa phương trong tỉnh có mưa vừa, mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 150 - 250mm, có nơi trên 350mm, riêng vùng núi phía Bắc có lượng mưa phổ biến 100 - 200mm, có nơi trên 250mm. Cường độ mưa to đến rất to tập trung chủ yếu từ ngày 24 đến 25.10.
Mực nước lúc sáng sớm nay, ngày 23.10, trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 6,59m, trên báo động I là 0,09m, các trạm còn lại đang ở dưới mức báo động I. Dự báo trong 24 giờ tới, mực nước trên sông Vu Gia, Thu Bồn, Tam Kỳ tiếp tục lên.
Các sông trên địa bàn Quảng Nam có khả năng xuất hiện một đợt lũ với đỉnh lũ các sông cụ thể như sau: trên Sông Vu Gia ở mức báo động II đến trên báo động III; trên sông Thu Bồn ở mức báo động I đến trên báo động II; trên sông Tam Kỳ ở mức báo động I đến trên báo động I.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở sườn dốc, ven sông, suối vùng núi các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang. Nguy cơ xảy ra ngập úng những vùng trũng thấp và tại TP.Tam Kỳ, TP.Hội An, thị xã Điện Bàn, thị trấn Nam Phước và thị trấn Núi Thành.
Hiện, các thủy điện Sông Tranh 2, Đắc Mi 4, Sông Bung 2, A Vương đang vận hành hạ dần mực nước hồ về mực nước đón lũ thấp nhất.
Người dân ở các khu vực trũng thấp lo chằng chống ghe thuyền tránh lũ
Ngày 22.10, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Công điện số 11 yêu cầu tập trung ứng phó tình hình mưa lũ. Theo đó, yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương chủ động triển khai biện pháp ứng phó theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong Phương án ứng phó với thiên tai theo các cấp độ rủi ro trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Kiên quyết sơ tán các hộ dân tại khu vực không đảm bảo an toàn, nhất là khu vực bị ngập sâu, chia cắt, vùng trũng thấp ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản. Ưu tiên đến mức tối đa hình thức di dời, sơ tán tại chỗ, xen ghép. Chủ động bố trí chỗ ở tạm, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng mưa lũ gây ngập úng, chia cắt kéo dài.
Đối với các địa phương miền núi có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, trượt lở đất đá, tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân chủ động quan sát khi thấy các dấu hiệu bất thường như nứt đất, nứt nhà, cây nghiêng, nước chảy sườn đồi chuyển màu..., cần di chuyển đến nơi an toàn.
Kiểm tra công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở địa phương, nhất là ở những nơi dễ bị cô lập, chia cắt, người dân tự dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt từ 7 - 10 ngày.
Mưa lớn, nước tràn qua nhiều vị trí trên quốc lộ 1 qua địa bàn Quảng Nam
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các địa phương ven biển tiếp tục thông báo cho thuyền trưởng, chủ phương tiện tàu thuyền biết về thông tin thời tiết nguy hiểm trên biển để chủ động biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn về người, phương tiện và có kế hoạch sản xuất phù hợp. Giữ thông tin liên lạc thường xuyên với thuyền trưởng, chủ phương tiện để xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra; thường xuyên kiểm đếm tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, hiện có 35 tàu với 1.272 lao động còn đang hoạt động trên biển. Trong đó, khu vực Hoàng Sa 7 tàu với 124 lao động; khu vực Trường Sa có 28 tàu với 1.148 lao động.
THU HOÀI