Quảng Nam: Hội thảo về đa dạng sinh học khu vực biển ven bờ xã Tam Hải
VHO – Hôm nay, ngày 22.3, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam phối hợp với Viện Hải dương học tổ chức hội thảo khoa học “Nghiên cứu đa dạng sinh học khu vực biển ven bờ xã Tam Hải, Núi Thành, Quảng Nam”.
Quang cảnh hội thảo diễn ra sáng ngày 22.3
Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để đề xuất thiết lập Khu bảo tồn biển khu vực xã Tam Hải, huyện Núi Thành” do Viện Hải dương học thực hiện năm 2019.
Hội thảo nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia, cán bộ chuyên môn, quản lý, qua đó giúp cơ quan chủ trì tiếp tục hoàn thiện kết quả nghiên cứu của đề tài hướng tới chuyển giao, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn.
Xã đảo Tam Hải là một trong những nơi có đa dạng sinh học cao của tỉnh Quảng Nam. Vùng biển Tam Hải hiện có gần 78,5 ha thảm cỏ biển, gần 197 ha san hô và 110 ha rừng ngập mặn; với 173 loài san hô cứng, 174 loài cá rạn san hô, 44 loài thuộc nhóm đông vật không xương sống kích thước lớn và 66 loài rong biển; trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao và là nguồn kinh tế chính của cư dân xã đảo.
Theo ông Nguyễn Phi Thạnh, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, sự tác động của tự nhiên và con người có ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học nói chung và hệ sinh thái biển tại khu vực xã Tam Hải nói riêng. Do đó, công tác điều tra nghiên cứu tài nguyên các hệ sinh thái, đặc biệt là rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và rạn san hô cũng như nguồn lợi sinh vật liên quan là cần thiết nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.
Vẻ đẹp hoang sơ của biển đảo Tam Hải. Ảnh: HQ
Mang đến hội thảo tham luận về tài nguyên đất ngập nước khu vực xã Tam Hải và các vùng lân cận, ThS. Phạm Bá Trung, Viện Hải dương học nhận định, diện tích đất ngập nước tương tự như mùa khô ít biến động, các chức năng đa dạng của nó như điều tiết và làm sạch nước, khống chế bão lũ, chống xói mòn đất, lưu giữ phù sa, ổn định khí hậu, đất, phục vụ giao thông thủy lợi cũng như tạo cảnh quan sinh thái cho du lịch và nghiên cứu khoa học… có vai trò rất quan trọng. Nếu thay đổi đất ngập nước mà không tính đến các chức năng trên, có thể xảy ra những hậu quả nghiêm trọng ngay tức khắc đối với đời sống con người.
Đồng thời khuyến nghị cần xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngập nước ven biển, nhằm đảm bảo sử dụng hợp lí, hiệu quả tài nguyên, giúp địa phương tăng trưởng kinh tế bền vững với môi trường và đa dạng sinh học.
Tại hội thảo, các chuyên gia chia sẻ một số kết quả nghiên cứu hiện trạng đa dạng sinh học hệ sinh thái vùng triều, rạn san hô, hệ sinh thái cỏ biển, rừng ngập mặn tại vùng biển xã Tam Hải và khu vực lân cận; đánh giá các bãi đẻ và ươn giống các nhóm loài nguồn lợi thủy sản quan trọng tại vùng biển xã Tam Hải và khu vực lân cận; dự thảo quy chế quản lý bảo tồn biển, đề xuất phân vùng chức năng Khu bảo tồn biển khu vực xã Tam Hải huyện Núi Thành…
Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu đánh giá cao tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để đề xuất thiết lập Khu bảo tồn biển khu vực xã Tam Hải, huyện Núi Thành. Đề nghị ban chủ nhiệm đề tài tiếp thu các ý kiến góp ý của chuyên gia tại hội thảo, đồng thời, đảm bảo thực hiện theo quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
“Bên cạnh đó, phải nghiên cứu kỹ lưỡng tính pháp lý, kết hợp với lấy ý kiến, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Phối hợp triển khai theo từng giai đoạn, phù hợp với thực tế của địa phương, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ đa dạng sinh học”, ông Bửu nhấn mạnh.
Xã đảo Tam Hải là một điểm đến nổi tiếng, được mệnh danh là “đảo ngọc” với nhiều danh lam thắng cảnh hoang sơ, kỳ vĩ , vùng đất này còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa cư dân vùng biển như lễ hội cầu ngư, nghĩa trang cá Ông, các di tích lịch sử văn hóa,… Năm 2020, xã đảo Tam Hải được kênh truyền hình National Geographic (Mỹ) điểm tên trong số 5 bãi biển đẹp nhất phía Nam Việt Nam.
Năm 2023, danh thắng Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa nằm phía đông bắc xã đảo Tam Hải, có niên đại đến nay khoảng 400 triệu năm vừa được xếp hạng di tích quốc gia danh lam thắng cảnh là lợi thế để phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có. Danh thắng này được bao bọc quanh với hệ san hô hơn 90ha, khoảng 100 loài, 41 loài rong biển và 168 loài cá, trong đó có nhiều loại có giá trị kinh tế cao.
KHÁNH CHI