Phát động Ngày Đại dương thế giới và Ngày Môi trường thế giới

NAM PHONG

VHO - Sáng 10.6, tại TP. Nha Trang, Bộ TN&MT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Lễ phát động quốc gia Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường, hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới (8.6) với chủ đề “Hiểu biết sâu sắc hơn về đại dương” và Ngày Môi trường thế giới (5.6) với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa”.

Phát động Ngày Đại dương thế giới và Ngày Môi trường thế giới - ảnh 1
Các đại biểu tham dự Lễ phát động Ngày Đại dương thế giới và Ngày Môi trường thế giới 2024

Ngày Môi trường Thế giới và Ngày Đại dương Thế giới được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh và kêu gọi sự quan tâm hành động tích cực của các quốc gia và cộng đồng trên thế giới hợp tác cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững kinh tế biển, thực hiện chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đóng góp cho sự phát triển bền vững của nhân loại.

Phát biểu tại buổi lễ,  Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, Ngày Môi trường thế giới 2024 đã được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) phát động với chủ đề "Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa", nhằm kêu gọi cộng đồng và mọi người dân cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và tăng cường khả năng chống hạn, thích ứng và hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, bảo vệ sinh thái tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực quốc gia.

Phát động Ngày Đại dương thế giới và Ngày Môi trường thế giới - ảnh 2

Bộ trưởng Bộ TTN&MT Đặng Quốc Khánh phát biểu tại buổi lễ

Chủ đề được lựa chọn xuất phát từ thực tế, hiện nay có tới 40% diện tích đất đai trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và đe dọa khoảng một nửa GDP toàn cầu. Tần suất và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000.

Nếu không hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050. Phục hồi đất cũng là một trong những mục tiêu chính trong Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của Liên Hợp Quốc (2021-2030), thông qua các chính sách, sáng kiến và cơ chế hợp tác toàn cầu nhằm bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Tại Việt Nam, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp. Dòng chảy trên các sông, hồ chứa khu vực Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30-60%; trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến thiếu hụt từ 25-50%. Hiện tượng El Nino kết hợp với nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công ở mức thấp và hiện tượng triều cường đã làm nghiêm trọng hơn tình trạng xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, với các đợt xâm nhập mặn vào sâu 40-66 km, có nơi sâu hơn như tỉnh Tiền Giang và Bến Tre vào sâu 70-76km.

Phát động Ngày Đại dương thế giới và Ngày Môi trường thế giới - ảnh 3
Khánh Hòa đẩy mạnh trồng rừng ngập mặn để ứng phó với biến đổi khí hậu

Ngoài ra, Việt Nam hiện có trên 11,8 triệu ha, chiếm 35,74% tổng diện tích đất tự nhiên chịu tác động của thoái hóa, hoang hóa nguy cơ dẫn tới sa mạc hóa. Tình trạng này vẫn đang tiếp tục gia tăng và sẽ ảnh hưởng lớn đối với ngành nông nghiệp của nước ta.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng, Ngày Môi trường thế giới và Ngày đại dương thế giới năm nay là cơ hội để chúng ta cùng nhau khẳng định quyết tâm hành động, chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức, ngăn chặn sự gia tăng tốc độ suy thoái tài nguyên đất, hạn chế tình trạng hạn hán, sa mạc hóa, khai thác và sử dụng bền vững, hiệu quả tài nguyên đất, biển và hải đảo, bảo đảm cân bằng sinh thái, vì mục tiêu phát triển bền vững. Vì vậy, chúng ta cần hành động thiết thực để giải quyết vấn đề hạn hán, sa mạc hóa và bảo vệ môi trường.

Phát động Ngày Đại dương thế giới và Ngày Môi trường thế giới - ảnh 4

Ngày Đại dương thế giới năm nay có chủ đề “Hiểu biết sâu sắc hơn về đại dương” và chủ đề của Ngày Môi trường thế giới là “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa”

Cụ thể, chúng ta cần triển khai hiệu quả các quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên biển, đảo, giảm phát thải khí nhà kính và quản lý chất thải nhựa đại dương. Đồng thời, nâng cao trữ lượng các-bon thông qua bảo tồn, quản lý tài nguyên rừng bền vững.

Ngoài ra, cần kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải từ hoạt động xây dựng, công nghiệp và nông nghiệp, đảm bảo chất thải phải được xử lý đúng quy chuẩn môi trường trước khi thải ra. Ông đề xuất đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và các mô hình kinh tế tuần hoàn.

Phát động Ngày Đại dương thế giới và Ngày Môi trường thế giới - ảnh 5

Nếu không hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050

Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường biển, đặc biệt là vùng biển ven bờ, cải thiện chất lượng môi trường biển, ngăn chặn suy thoái tài nguyên và phát triển bền vững đa dạng sinh học biển. Ông khuyến khích xử lý tốt các nguồn gây ô nhiễm từ đất liền và giảm thiểu rác thải nhựa, ưu tiên đầu tư vào nghiên cứu khoa học, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao.

Bên cạnh đó, cần mở rộng hợp tác quốc tế và khu vực về biển và đại dương trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, tuân thủ luật pháp quốc tế, đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn hàng hải, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc