Nhận thức hơn đóng góp của điều dưỡng ở tuyến đầu chống dịch Covid-19
VHO- Đại dịch Covid-19 giúp chúng ta nhìn nhận sâu sắc hơn và thuyết phục hơn về sự đóng góp của điều dưỡng với vai trò là những chiến sĩ tuyến đầu. Họ đã vượt lên những nguy cơ của dịch bệnh, phối hợp với các thầy thuốc sàng lọc người bệnh, tổ chức cách ly, theo dõi, chăm sóc và là chỗ dựa về tinh thần cho bệnh nhân Covid-19...
Đây là phát biểu của Ths.Phạm Đức Mục- Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam tại Hội thảo truyền thông hưởng ứng Chiến dịch “Điều dưỡng ngày nay- Nursing Now” do Hội Điều dưỡng Việt Nam, Công đoàn Y tế Việt Nam, Hội Nữ hộ sinh Việt Nam phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam tổ chức ngày 27.5 tại Hà Nội.
Ths.Phạm Đức Mục phát biểu tại hội thảo
Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam cho rằng, sự thành công trong phòng chống Covid-19 tại Việt Nam là thành tựu chung của toàn bộ hệ thống chính trị, của ngành y tế VN, trong đó không thể không nói tới sự đóng góp to lớn và thầm lặng của điều dưỡng - hộ sinh. Năm 2020, WHO lựa chọn là năm quốc tế về điều dưỡng và hộ sinh nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của điều dưỡng và hộ sinh vào việc đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ. Đồng thời phát động “Chiến dịch Điều dưỡng ngày nay - Nursing Now Campaign” nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo quốc gia và thế giới về thiên chức và vai trò thiết yếu của điều dưỡng - hộ sinh trong việc duy trì một thế giới khỏe mạnh.
Tại Việt Nam, mạng lưới điều dưỡng và nữ hộ sinh đã được thiết lập rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Mỗi năm có khoảng trên 1,5 triệu trẻ em được sinh ra, dân số khu vực thành thị chiếm khoảng 35%, nông thôn khoảng 65%. Điều đó cho thấy, nhu cầu và vai trò rất to lớn của đội ngũ điều dưỡng và nữ hộ sinh trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc cho bà mẹ và trẻ em ngày càng cao.
Theo Ths.Phạm Đức Mục, từ năm 1990 đến nay, Bộ Y tế đã quan tâm xây dựng hệ thống điều dưỡng trưởng từ Bộ tới Sở Y tế và các bệnh viện, nâng cấp đào tạo điều dưỡng - hộ sinh ở các trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ đã mở ra cơ hội mới cho nghề điều dưỡng phát triển. Song hiện nay chính sách đồng bộ, dẫn đến người bệnh chưa được thừa hưởng chất lượng chăm sóc tốt nhất của điều dưỡng-hộ sinh.
Điều dưỡng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chăm sóc bệnh nhân Covid-19
“Một trong những nguyên nhân là tỷ lệ điều dưỡng/10.000 dân nước ta rất thấp so với các nước khu vực, Nghị quyết số 20/2017/NQ-TƯ đưa ra chỉ tiêu phấn đấu đạt 25 điều dưỡng/10.000 dân vào 2025. Với số lượng điều dưỡng viên ít như hiện nay, chúng ta chưa thể triển khai chăm sóc người bệnh toàn diện, đồng nghĩa với người bệnh vào viện phải đưa thêm người nhà hoặc thuê người chăm sóc trong các bệnh viện. Điều dưỡng - hộ sinh làm việc ở các khoa trọng điểm như Hồi sức cấp cứu, sơ sinh, phòng đẻ phải làm việc ca-kíp kéo dài 24/24 và tình trạng ca chồng ca còn khá phổ biến tại nhiều bệnh viện”, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam chia sẻ.
TS Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam khẳng định, với gần 28 triệu điều dưỡng viên toàn cầu nói chung và gần 140.000 điều dưỡng - hộ sinh của Việt Nam, điều dưỡng - hộ sinh chiếm gần 50% nguồn nhân lực y tế, cung cấp dịch vụ nhiều nhất, thường xuyên nhất và và liên tục nhất cho người bệnh. Vì vậy, sẽ không có một Chương trình y tế quốc gia hiệu quả nếu không phát huy tối đa tiềm năng của điều dưỡng - hộ sinh.
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, báo cáo về Điều dưỡng thế giới 2020 cho thấy rằng Việt Nam cần phải tạo thêm nhiều việc phù hợp cho điều dưỡng. Tỷ lệ trung bình điều dưỡng trên một vạn dân của Việt Nam là 11.4. Tỷ lệ này chưa bằng một nửa so với tỷ lệ trung bình toàn cầu. Báo cáo cũng cho thấy, Việt Nam cần tăng cường đầu cư cho đào tạo điều dưỡng bởi vì có nhiều khả năng đến năm 2030 nguồn nhân lực điều dưỡng tại Việt Nam sẽ thiếu khoảng 40.000 đến 50.000 người. Chất lượng của điều dưỡng, bao gồm cả đào tạo và phân bổ điều dưỡng trong cả nước cũng sẽ gặp thách thức.
Do đó Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào đào tạo, việc làm, trao quyền lãnh đạo cho điều dưỡng, sẽ làm tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế cho người dân, xã hội an toàn hơn chống lại các mỗi đe dọa sức khỏe mới và dân số khỏe mạnh hơn.
QUỲNH HOA