Người dân "thủ phủ" trồng hoa cúc miền Trung xuống giống vụ hoa Tết

VHO - Thời điểm này, các nhà vườn trồng hoa trên địa bàn huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa Tết để kịp tung ra thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Người dân

Số lượng hoa chậu được trồng tăng so với năm trước

Năm nay, số lượng người trồng hoa cũng như số lượng hoa chậu được trồng tăng so với năm trước. Để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, gia đình chị Lê Thị Thanh Thúy ở thôn Đồng Viên, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) xuống giống 1.500 chậu cúc, tăng khoảng hơn 500 chậu so với năm trước.
“Để có được một chậu hoa đẹp nở đúng dịp Tết, người trồng phải kỹ lưỡng từng công đoạn, như: Ươm cây, vun tưới, bón phân, cắm cọc, tỉa nụ, phòng bệnh... Không chỉ vậy, chúng tôi còn phải thường xuyên theo dõi thời tiết để có biện pháp che chắn, chong đèn điều tiết ra hoa phù hợp. Năm ngoái, cúc rất được ưa chuộng, bán nhanh và được giá nên năm nay gia đình mạnh dạn trồng nhiều thêm. Thời tiết đầu vụ khá thuận lợi, cúc sinh trưởng tốt, mong suôn sẻ đến cuối vụ để bà con cùng vui”, chị Thúy chia sẻ.

Người dân

Trời mát mẻ nên khá thuận lợi cho việc xuống giống hoa cúc

Vụ Tết năm nay, ông Trần Quang Trung cũng trồng khoảng 500 chậu cúc để cung cấp cho thị trường. Dù thời tiết đến thời điểm hiện tại khá thuận lợi, nhưng giá vật tư, phân bón, điện tăng cao đang là nỗi e ngại của ông và nhiều hộ trồng cúc khác. “Thời gian này, trời mát mẻ nên khá thuận lợi cho việc xuống giống hoa cúc. Trồng cúc bán Tết khá vất vả và mất rất nhiều công sức. Từ ngày xuống giống đến lúc có hoa cúc bán phải mất hơn 5 tháng. Những chậu cúc đạt chất lượng đòi hỏi bông phải to, hoa nở đều vào đúng dịp Tết. Chính vì vậy người trồng phải tỉ mỉ, dày công chăm sóc và phải biết áp dụng kỹ thuật chong đèn cho cây vào ban đêm để kích thích cây sinh trưởng, phát triển đồng đều và điều chỉnh thời gian ra hoa theo ý muốn”, ông Trung cho hay.

Người dân

Trồng hoa cúc phải tỉ mỉ, dày công chăm sóc

Làng hoa Nghĩa Hiệp hình thành, phát triển hơn 50 năm qua, được xem là “thủ phủ” hoa cúc lớn nhất miền Trung. Mỗi năm, làng hoa này cung cấp hàng trăm nghìn chậu hoa cho thị trường Tết khắp các tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên.
“Phấn khởi vì năm 2022 được đón nhận bằng công nhận nhãn hiệu “Hoa Nghĩa Hiệp” nên năm 2023 nhiều người tăng diện tích và số lượng trồng. Nhà tôi bán giống hoa, năm nay bán chừng được 500 thiên giống, nhiều hơn năm ngoái khoảng 100 thiên giống”, ông Võ Văn Phương, một cơ sở bán giống hoa cúc ở Nghĩa Hiệp cho biết.

Người dân

Chong đèn cho cây hoa cúc vào ban đêm để kích thích cây sinh trưởng, phát triển

Theo Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp Võ Thị Thịnh, UBND xã đã giao đất và định hướng cho các hội, đoàn thể của xã thực hiện khu trồng hoa tập trung. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, tổ chức tập huấn kiến thức, giúp người trồng hoa cho ra sản phẩm hoa chất lượng, cạnh tranh với thị trường. Định hướng của xã là sẽ hình thành vùng sản xuất hoa chuyên canh quanh năm, tạo ra những điểm nhấn để kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng, thu hút du khách đến trải nghiệm, tham quan làng hoa. Qua đó, phát huy thương hiệu hoa Nghĩa Hiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.
Dù khá vất vả, nhưng nhờ đầu ra, giá bán ổn định những năm gần đây nên trồng cúc chậu bán Tết đang là nghề tạo thu nhập khá cho nhiều nông dân trên địa bàn huyện Tư Nghĩa.

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc