Nghĩa Hành: Xã Hành Trung chú trọng công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân
VHO - Xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, Đảng bộ xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) đã lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế. Nhờ đó, diện mạo nông thôn Hành Trung ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm từng năm.
Xã Hành Trung có 190 hộ phát triển kinh tế từ nghề làm bánh tráng
Chú trọng phát triển ngành nghề, dịch vụ
Theo những vị cao niên ở xã Hành Trung, nghề làm bánh tráng mỏng ở đây có thâm niên trên 30 năm. Mới đầu chỉ có vài hộ làm bánh bán Tết, nhưng giờ thì sản xuất quanh năm, phát triển mạnh nhất khoảng 10 năm trở lại đây, có 190 hộ làm, nhiều hộ trở nên giàu có, tập trung ở đội 6, 7 và 8 của thôn Hiệp Phổ Trung. Bánh tráng mỏng Hành Trung nay có mặt ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Sản phẩm làm ra được thương lái đến tận nhà mua, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Chị Phạm Thị Thu Hoanh có hơn 20 năm gắn bó với nghề
Gia đình chị Phạm Thị Thu Hoanh (41 tuổi), đến nay đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề. Theo chị Hoanh, có được những chiếc bánh tráng thơm ngon, quan trọng nhất phải kể đến là khâu chọn gạo. Gạo phải thật tốt, ngon, đem ngâm rồi xay thành bột, bột phải xay thật mịn bánh mới dai và dẻo. Người tráng bánh phải thật khéo tay, nhanh nhẹn thì chiếc bánh mới tròn, mỏng đều.
Ngoài ra, người làm bánh tráng phải thường xuyên theo dõi các dấu hiệu của thời tiết, đón được trời mưa hay nắng thì mới quyết định tráng bánh. Ngày nay, nhiều công đoạn làm ra chiếc bánh tráng hoàn chỉnh đã được cải tiến hơn so với trước, giúp cho người làm bánh đỡ vất vả hơn.
Nghề bánh tráng giải quyết việc làm cho lao động địa phương
“Ngoài mục đích mưu sinh, chúng tôi còn muốn gìn giữ nghề mà cha ông để lại như giữ nét văn hóa truyền thống. Làm bánh tráng tuy thu nhập không cao so với nghề khác, nhưng lợi thế của nghề là xoay vòng vốn nhanh. Bình quân mỗi ngày, lò bánh tráng của gia đình tôi cho ra 1.500 cái bánh, bán ra 1,2 triệu đồng, sau khi trừ chi phí kiếm được 400 ngàn đồng. Vào dịp cao điểm Tết lượng bánh làm tăng lên 2.000 bánh”, chị Hoanh chia sẻ.
Với sự cần cù và siêng năng trong lao động sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng, đến nay mô hình tráng bánh tráng của gia đình chị Hoanh làm ăn khấm khá, kinh tế gia đình dần ổn định, có điều kiện nuôi dạy hai đứa con ăn học đàng hoàng. Lò bánh tráng của chị giải quyết việc làm thường xuyên cho 1 lao động/200 nghìn /ngày. Ngoài ra, vợ chồng chị còn phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi bò 3B.
Anh Lê Văn Thương (bên trái) đang xây dựng thương hiệu “Xanh Coffee” trở thành sản phẩm OCOP
Hiện nay, Công ty TNHH-TM-SX-DV Xanh Coffee của anh Lê Văn Thương (30 tuổi), ở thôn Hiệp Phổ Tây, xã Hành Trung đã giải quyết việc làm cho trên 20 lao động, đa số lao động là người của địa phương, với mức thu nhập bình quân trên 7 triệu đồng/người/tháng. Hiện anh Thương đang xây dựng thương hiệu trở thành sản phẩm OCOP của địa phương.
Anh Thương cho biết, từ xe cà phê rang máy di động, anh Thương đã từng bước chinh phục được nhiều phân khúc khách hàng. Thấy việc kinh doanh hiệu quả, nhiều người ngỏ ý cùng anh Thương mở rộng kinh doanh mô hình này. Cũng từ đó, anh mạnh dạn xây dựng thương hiệu “Xanh Coffee” và đứng ra thành lập công ty chuyên sản xuất, kinh doanh cà phê rang xay nguyên chất.
Sau hơn 4 năm kinh doanh với nhiều thử thách và kiên trì theo đuổi đam mê, đến nay, anh Thương đã nhượng quyền thương hiệu cho 200 đại lý trong tỉnh. Anh Thương chia sẻ, anh luôn đặt mục tiêu an toàn sức khỏe của khách hàng lên hàng đầu và sẽ tiếp tục nỗ lực để đưa sản phẩm Xanh Coffee đến với thị trường trong và ngoài tỉnh.
Hỗ trợ bò giống sinh sản từ dự án của Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững
Nỗ lực chăm lo cho người nghèo
Gia đình chị Nguyễn Thị Đô, anh Nguyễn Văn Ngọc ở thôn Hiệp Phổ Trung, xã Hành Trung thuộc diện hộ nghèo của xã, gia đình có 3 đứa con, trong đó 1 đứa bị mắc bệnh hiểm nghèo. Vợ chồng không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh nên không có vốn liếng để đầu tư phát triển kinh tế. Nhằm tạo sinh kế giúp các hộ gia đình vượt qua hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, trong năm 2023, Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ 16 con bò giống sinh sản từ dự án của Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó gia đình chị Đô 1 con. Đồng thời, xã Hành Trung huy động các tổ chức cá nhân hỗ trợ kinh phí cho con chị Đô chữa bệnh tại Đà Nẵng.
Đối với hộ nghèo, có được ngôi nhà mới khang trang để ở và ổn định cuộc sống không chỉ là niềm vui, niềm mơ ước của riêng hộ mà còn là sự vào cuộc, chung tay của các cấp, các ngành tạo điều kiện, chung tay quyên góp, hỗ trợ các hộ. Khi mới đây, 2 ngôi nhà “Đại đoàn kết” của 2 hộ nghèo trên địa bàn xã Hành Trung đã đưa vào sử dụng.
Hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo
Đến hộ gia đình bà Phạm Thị Đoan chúng tôi cảm nhận niềm vui của gia đình bà trong ngôi nhà mới. Trước đó, ngôi nhà cũ của gia đình hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, bà luôn mong ước có được ngôi nhà mới để ổn định cuộc sống, tuy nhiên cuộc sống nghèo khó, chật vật, con bị bệnh thần kinh nên mong mỏi đó rất khó khăn đối với gia đình bà. Bằng sự quan tâm của địa phương đã giúp đỡ hỗ trợ 20 triệu đồng. Nay ước mơ của bà đã thành hiện thực, không giấu được xúc động và nụ cười rạng ngời hiện diện trên khuôn mặt bà Đoan.
“Tôi rất vui mừng vì được các cấp, các ngành quan tâm để tôi có thể xây ngôi nhà khang trang để ở”, bà Đoan chia sẻ.
Mỗi ngôi nhà “Đại đoàn kết” được hoàn thành và trao tặng là thêm một gia đình vơi bớt khó khăn trong cuộc sống. Nhà “Đại đoàn kết” không chỉ là những món quà thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng chung tay vì người nghèo, mà còn là nguồn động viên to lớn để người dân địa phương yên tâm phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Xã Hành Trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kết hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất
Theo ông Võ Văn Vinh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hành Trung, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế, Đảng bộ xã Hành Trung đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế và tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trong sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ xã đã lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; kết hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Tăng cường thực hiện chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện vay vốn giúp các hộ dân mở rộng quy mô phát triển sản xuất; đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… Toàn xã có 2.372 hộ, đến cuối năm 2023 còn 172 hộ cận nghèo, 69 hộ nghèo. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã 47 triệu đồng/ người/ năm.
Nông thôn xã Hành Trung ngày càng khởi sắc
“Thời gian tới, Đảng bộ xã Hành Trung tiếp tục nâng cao vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp, huy động tối đa các nguồn lực, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, giảm nghèo bền vững, xây dựng quê hương Hành Trung ngày càng phát triển”, ông Vinh bày tỏ.
NHƯ ĐỒNG