Nghề cào don ven sông

VHO - Thời gian này, người dân ở các xã Nghĩa Hà, Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) quần tụ về vùng nước lợ sông Trà, sông Phú Thọ mưu sinh nghề cào don. Giữa nắng hè oi ả, họ phơi mình trên nước góp nhặt từng con don đưa vào quán ăn phục vụ thực khách và tạo nên bức tranh tuyệt đẹp cho các dòng sông trước khi chảy ra biển.

Nghề cào don ven sông - Anh 1

Mưu sinh nghề cào don trên sông

Khi dòng thủy triều trôi về phía biển, mực nước chỉ còn nửa thân người cũng là lúc ông Nguyễn Ngọc Thủy xuôi thuyền về sông Phú Thọ hành nghề cào don. Hơn 20 năm qua, dù phải thức khuya dậy sớm, vất vả theo con nước ròng, ông Thủy vẫn bám sông mưu sinh, góp phần gìn giữ món ẩm thực đặc biệt của người dân Quảng Ngãi. 
Theo ông Thủy, cào don là một nghề đặc biệt ở ven sông Quảng Ngãi. Những tháng nắng thì bắt don mới dễ và con don mới ngon. Don là loài nhuyễn thể có họ hàng với hến. Con lớn nhất chỉ bằng móng tay út. Vỏ được tạo bởi hai mảnh mỏng. Thịt don màu vàng nhạt, có tua nhỏ viền xung quanh. Don sống vùng nước lợ và vùi trong tầng cát đáy sông. 
“Làm nghề cào don này phụ thuộc theo nước thủy triều, nước tới ngực trở lại thì chúng tôi bơi ghe ra vùng nào có don thì thả cào xuống. Đến khi con nước cạn ròng thì bắt đầu nghỉ”, ông Thủy nói.

Nghề cào don ven sông - Anh 2

Don sống vùng nước lợ và vùi trong tầng cát đáy sông

Trên mặt sông đẫm ánh mặt trời, những người cào don với khuôn mặt khắc khổ, da đen sạm, đội chiếc nón lá rộng vành để che bớt cái nắng. Họ là những người đàn ông, đàn bà cùng những cái thau nhựa đựng don được buộc dây ở thắt lưng để đựng thành quả. Đôi cánh tay đẩy những chiếc nhủi chìm dưới mặt nước, họ rướn sức đẩy về phía trước, được vài bước thì đứng lại, nhấc cào lên, đổ don và những tạp chất vào thau. 
Ông Dương Năm Bời, xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi cho biết, cào don là công việc nặng nhọc và cũng phần nào nguy hiểm, bởi bập bềnh giữa sóng nước, ngâm mình trong nước giữa cái nắng chói chang trên mặt sông không phải công việc của những người yếu sức. Mùa hè, ven các triền sông Trà, sông Phú Thọ nơi hòa chung giữa hai dòng nước ngọt, nước mặn bóng người cào don  thấp thoáng trong đáy nước. Họ vẽ vào thiên nhiên bức tranh dung dị về đức tính cần cù, chịu khó của những người con quê hương núi Ấn, sông Trà

Nghề cào don ven sông - Anh 3

Thành quả thu được sau ngày lao động dầm mình dưới dòng sông

“Mình đi miết dưới nước coi vậy nó nặng chứ không nhẹ đâu. Những người đã quen với nghề cào don, bằng kinh nghiệm có thể biết vị trí don tụ tập mà khai thác. Để cào don thành thạo, có người chỉ học nghề vài ngày nhưng cũng có người có khi đến 2 tháng. Thu nhập thì nó cũng như ngày công lao động trên bờ mấy, có hồi vô chừng từ 200 ngàn đến 500 ngàn”, ông Bời chia sẻ.
Vật dụng không thể thiếu của người cào don là cái nhủi, được làm từ tre, có chiều ngang hơn nửa mét, chiều dài khoảng 1m, gồm các thanh tre được vót nhọn và kết thưa lại với nhau từ 10-12 thanh, gắn cố định vào tay cầm. Dụng cụ cào don còn có chiếc rổ, một ghe máy hoặc ghe thường và cái bao tải nhỏ để đựng thành quả lao động. Cứ thế, tờ mờ sáng, khi ánh bình minh vừa ló trên miền biển xa xa, người ven sông lại xách nhủi đi cào. Họ cào từ sớm tinh mơ đến khi bóng nắng xiên tai rừng rực xuống mặt nước thì đi về. 

Nghề cào don ven sông - Anh 4

Cái nhủi dùng để cào don được làm từ tre

“Don mà đầy một cái rổ đây, vun vun xí là 5 kg bán được 50 ngàn đồng. Lượng don mình đi đất đây là don nấu ăn ngon á. Có nhiều chổ, nhưng con don nấu ăn nó dở hơn. Don có giá, nghề cào don thu hút nhiều người làm hơn và don cũng ngày càng ít dần”, ông Thủy bộc bạch.
Hình ảnh người dân lom khom cào don, mưu sinh cùng chiếc thuyền nhỏ trên những bãi bồi, cồn cát hẳn để lại nhiều ký ức khó quên với những ai đã từng bắt gặp. Cùng với món don, đây có lẽ là hình ảnh “độc đáo” của người dân Quảng Ngãi mà không một tỉnh nào ở miền Trung có được.
Món don như đặc tính của người đất Quảng, không cầu kỳ, không đắt đỏ, cái ngon tự nhiên đến từ vị ngọt thanh lạ của con don trên mảnh đất quê hương đã tạo nên một đặc sản, một niềm tự hào của ẩm thực Quảng Ngãi.

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc