Quảng Ngãi:

Ngăn chặn tình trạng lợi dụng chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát để xâm hại rừng

NHƯ ĐỒNG

VHO – UBND tỉnh Quảng Ngãi có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương có liên quan về tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, phòng tránh tình trạng lợi dụng chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát để xâm hại rừng.

Ngăn chặn tình trạng lợi dụng chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát để xâm hại rừng - ảnh 1
Tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, phòng tránh tình trạng lợi dụng chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát để xâm hại rừng

Cụ thể, năm 2025, Quảng Ngãi đặt mục tiêu xóa 9.800 nhà tạm, nhà dột nát giúp các hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát được triển khai phần lớn ở các huyện miền núi của tỉnh - nơi nhà ở, điều kiện sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân gần với rừng.

Để thực hiện hiệu quả Kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát, đồng thời ngăn chặn tình trạng lợi dụng chính sách để phá rừng, mua bán, vận chuyển, sử dụng lâm sản trái pháp luật, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang yêu cầu, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung, mục đích, ý nghĩa của chủ trương xóa nhà tạm, dột nát cho người dân; quán triệt, khuyến khích các gia đình thuộc đối tượng xóa nhà tạm, dột nát sử dụng vật liệu xây dựng khác thay thế vật liệu gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên. Trường hợp sử dụng gỗ có nguồn gốc tự nhiên phải đảm bảo gỗ có hồ sơ lâm sản hợp pháp.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức cho người dân ký cam kết không sử dụng vật liệu gỗ có nguồn gốc tự nhiên mà không có hồ sơ lâm sản hợp pháp xây dựng nhà; kiên quyết không hỗ trợ đối với các gia đình thuộc đối tượng xóa nhà tạm, nhà dột nát vi phạm cam kết.

Ngăn chặn tình trạng lợi dụng chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát để xâm hại rừng - ảnh 2
Nắm chắc danh sách các gia đình thuộc đối tượng xóa nhà tạm, nhà dột nát

Chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan bám sát địa bàn, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nắm bắt thông tin từ cơ sở để ngăn chặn và xử lý kịp thời việc lợi dụng chủ trương để thực hiện các hành vi mua, bán, trao đổi gỗ có nguồn gốc tự nhiên trái pháp luật; không để xảy ra “điểm nóng” trên địa bàn.

Đồng thời, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra việc lợi dụng chủ trương để khai thác gỗ rừng tự nhiên làm nhà; thực hiện các hành vi mua, bán, trao đổi gỗ có nguồn gốc tự nhiên trái pháp luật trên địa bàn quản lý.

Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm triển khai cho các đơn vị trực thuộc chủ động thực hiện hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng tại các vùng trọng điểm, vùng giáp danh, nhất là địa bàn các huyện trung du và miền núi.

Hạt Kiểm lâm chỉ đạo Kiểm lâm làm việc tại địa bàn xã, phường, thị trấn bám sát cơ sở tham mưu chính quyền địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng gắn với giao đất.

Đơn vị chức năng nắm chắc danh sách các gia đình thuộc đối tượng xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn để vận động, tuyên truyền sử dụng gỗ có nguồn gốc tự nhiên đảm bảo có hồ sơ lâm sản hợp pháp. Đồng thời, xử lý trách nhiệm của chủ rừng khi để xảy ra mất rừng, khai thác gỗ trái pháp luật.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, năm 2024, lực lượng chức năng tỉnh đã tổ chức 646 đợt truy quét, 670 đợt kiểm tra, 2.872 đợt tuần tra quản lý bảo vệ rừng; phát hiện 131 vụ vi phạm; thu giữ 80,38 m3 gỗ tròn, 18,54 m3 gỗ xẻ các loại. Trong đó có 18 vụ phá rừng, gây thiệt hại 5,22 ha tại các huyện: Trà Bồng, Bình Sơn, Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ.