Nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ

VHO - Hưởng ứng ngày Thế giới nâng cao nhận thức và hỗ trợ hành động về bom mìn (4.4), Ban chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban chỉ đạo 701) và Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia (VNMAC) tổ chức phát động cuộc thi trực tuyến về cách nhận biết, phòng tránh tai nạn bom mìn trên trang thông tin điện tử: http://vnmac.gov.vn/.

Cuộc thi là hoạt động thiết thực hưởng ứng ngày Thế giới nâng cao nhận thức và hỗ trợ hành động về bom mìn 4.4, hướng tới một Việt Nam không còn chịu ảnh hưởng bởi bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ - Anh 1

Đây đã là năm thứ năm cuộc thi được tổ chức theo hình thức trực tuyến và ngày càng được nhân dân trong cả nước hưởng ứng tham gia, số lượt người thi năm sau luôn cao hơn năm trước. Điều này đã khẳng định, bên cạnh giải thưởng của Ban tổ chức, người dân rất quan tâm đến vấn đề phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ sau chiến tranh. 

Cuộc thi đã tạo hiệu ứng xã hội tích cực, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia dự thi, nhiều thí sinh ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, nơi còn chịu ảnh hưởng nặng nề của bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, góp phần nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn do chiến tranh để lại ở Việt Nam; xây dựng, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu và sống an toàn trên các vùng đất còn bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ.

Thời gian dự thi từ 4.4 - 4.5.2024; hình thức thi trực tuyến trên website VNMAC tại địa chỉ http://thitructuyen.vnmac.gov.vn/. Tổng giá trị giải thưởng là 39 triệu đồng; trong đó có 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 10 giải Khuyến khích.

Số liệu của Bộ LĐ,TB&XH cho thấy, hiện nay số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam ước tính khoảng 800 nghìn tấn. Đến năm 2023, số diện tích còn ô nhiễm rất lớn, khoảng 5.590.094 ha, tương đương với gần 17,7% diện tích của cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.

Trong năm 2024, Bộ LĐ,TB&XH sẽ tập trung thu thập dữ liệu báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025 đề xuất Chương trình giai đoạn 2025 - 2045 định hướng đến 2050. Triển khai kế hoạch xây dựng Pháp lệnh khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (hoàn chỉnh trình Chính phủ xem xét thông qua Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Pháp lệnh 12.2024 và trình Quốc hội thông qua hồ sơ đề nghị xây dựng Pháp lệnh 4.2025). Triển khai xây dựng Chiến lược quốc gia về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn; Hoàn chỉnh Bộ Tiêu chuẩn quốc gia khắc phục bom mìn sau chiến tranh trình Bộ Khoa học Công nghệ thẩm định và ban hành...

NGUYÊN KHANG

Ý kiến bạn đọc