Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thang máy Việt Nam

VHO- Ngày 13.7, tại Hà Nội, Hội thảo “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thang máy Việt Nam” do Hiệp hội Thang máy Việt Nam, nhà tài trợ Kim cương – Gama Service, nhà tài trợ Vàng – GamaLift và nhà đồng tài trợ Thiên Nam Elevator tổ chức. Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Lê Văn Thành dự và phát biểu tại Hội thảo.

Đây là sự kiện đầu tiên của ngành thang máy do Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) tổ chức có quy mô sâu rộng, với sự tham dự của gần 100 khách mời là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước; các đơn vị đào tạo khối trường xây dựng, kỹ thuật, dạy nghề; các tổ chức, đoàn thể và doanh nghiệp trong và ngoài ngành thang máy liên quan, các vị khách quốc tế...

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thang máy Việt Nam - Anh 1

Chủ tịch Hiệp hội thang máy Việt Nam Nguyễn Hải Đức phát biểu tại Hội thảo

Đề cập đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Hội thảo hướng tới mục tiêu là sự phát triển bền vững, lâu dài của ngành thang máy Việt Nam. Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) Nguyễn Hải Đức cho rằng ngàng thang máy Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng trong “nguy có cơ”, nếu có thể giải quyết được 4 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới trong đó then chốt là việc xây dựng và ban hành Quy chuẩn về nhân lực của ngành thang máy.

“Điều này cần phải được triển khai một cách khẩn trương và toàn diện để đảm bảo chúng ta có lực lượng lao động chất lượng, an toàn, vừa đảm bảo nâng cao năng suất đồng thời có khả năng tiếp nhận công nghệ mới, tham gia vào chuỗi sản xuất kinh doanh toàn cầu, không bị lệ thuộc. Để giải quyết vấn đề này, cần tập trung vào hai nhiệm vụ chính là xây dựng mã ngành đào tạo và tiêu chuẩn kỹ năng nghề cho lực lượng kỹ thuật. Đồng thời, đào tạo bồi dưỡng phát triển năng lực quản trị cho lực lượng quản lí của ngành”, ông Nguyễn Hải Đức nhấn mạnh.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thang máy Việt Nam - Anh 2

Hội thảo được tổ chức vào sáng 13.7, tại Hà Nội

Đánh giá cao việc Hiệp hội thang máy Việt Nam tổ chức Hội thảo, Thứ trưởng Lê Văn Thành cho biết, tại Việt Nam, cùng với sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế nhanh kéo theo tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, đời sống của người dân tăng lên rõ rệt. Vì vậy, nhu cầu lắp đặt thang máy cho nhu cầu dân sinh và dịch vụ, công nghiệp ngày càng lớn, nhất là nhu cầu lắp đặt, sử dụng trong các khu chung cư, văn phòng nhà cao tầng ngày càng tăng cao, kể cả trong nhà dân cao 4-5 tầng đang tăng nhanh trong thời gian gần đây.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong những năm gần đây mỗi năm có trên 35.000 thang máy được đưa vào sử dụng, trong đó có khoảng 6.000 thang máy nguyên chiếc và trên 1,7 triệu thiết bị an toàn thang máy phục vụ sản xuất, lắp ráp trong nước được nhập khẩu vào Việt Nam; có khoảng trên 400 công ty sản xuất lắp ráp, nhập khẩu kinh doanh thang máy. Tuy nhiên, số lượng công ty có uy tín và chuyên nghiệp không nhiều và chủ yếu là các nhãn hiệu thang máy nước ngoài.

Tuy nhiên cùng với sự phát triển nhu cầu lắp đặt thang máy đang tăng cao như đề cập, tại Việt Nam đã và đang xuất hiện một số thách thức về phát triển nguồn nhân lực có chất lượng và việc quản lý chất lượng và an toàn sử dụng thang máy, thang cuồn như việc đảm bảo các quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; các yêu cầu về an toàn cho người vận hành, sử dụng, bảo trì, sứa chữa; về tổ chức, cá nhân sở hữu, vận hành thang máy thực hiện công tác kiểm định định kỳ, bảo trì, bảo dưỡng thang máy; việc đảm bảo chất lượng người lao động và an toàn sức khỏe lao động trong việc lắp đặt, bảo trì, phụ trách vận hành thang máy …

“Trong thực tiễn thời gian qua đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm gây thiệt hại cả người và tài sản do vận hành, sử dụng thang máy, tháng cuốn gây ra mà báo chí đã nêu, đã và đang đặt ra những vấn đề cho chúng ta không chỉ về quản lý chất lượng thang máy mà còn vấn đề thực hiện quản lý nhà nước về công việc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động hoặc cộng đồng xung qoanh yêu cầu phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật về chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia được quy định tại Luật Việc làm đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lĩnh vực thang máy, thang cuốn. Thực hiện quy định này, nếu đội ngũ người lao động làm công việc lắp đặt, bảo trì, sửa chữa tháng máy, tháng cuốn là những người có trình độ kỹ năng nghề được thể hiện ở việc có chuyên môn, tính chuyên nghiệp, tác phong công nghiệp và đạo đức nghề nghiệp được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia không những giúp nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh mà còn đồng thời giúp việc giảm thiểu và tránh được những tai nạn thương tâm gây thiệt hại về người và tài sản không đáng có như báo chí đã nêu trong thời gian qua”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nêu giải pháp.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thang máy Việt Nam - Anh 3

Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá cao Hiệp hội đã tổ chức Hội thảo

Tiến sĩ Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ,TB&XH cũng nêu thực trạng năng suất lao động (NSLĐ) của nước ta so với khối ASEAN (số liệu 2010): Bằng 1/30 lần NSLĐ của Singapore; 29% NSLĐ của Thái Lan; 13% của Malaysia… Những con số này sẽ là những sự cảnh báo để ngành thang máy Việt Nam thấy được cần phải làm gì để NSLĐ của nhân lực ngành này sẽ không rơi vào tình trạng nói trên.

Ông Trường nhấn mạnh, muốn tăng NSLĐ cần tạo nên hệ sinh thái phát triển kỹ năng nghề, bao gồm 6 trụ cột: Khung trình độ kỹ năng nghề Quốc gia; chuẩn hóa kỹ năng nghề Quốc gia; học tập suốt đời; hệ thống đánh giá, cấp Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tuyển dụng và sử dụng dựa vào kỹ năng nghề; nguồn tài chính. Trong đó, chuẩn hóa kỹ năng nghề quốc gia là việc cấp thiết đối với ngành thang máy. Tuy nhiên, trên thực tế thì vấn đề này đối với ngành thang máy hiện còn đang bị “bỏ ngỏ”. Rõ ràng chúng ta đang thiếu một chuẩn mực về trình độ kỹ năng và đạo đức đối với nhân lực ngành thang máy.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thang máy Việt Nam - Anh 4

Nâng cao chất lượng nhân lực được xem là vấn đề then chốt để phát triển ngành thang máy Việt Nam

Bên cạnh đó, Luật Việc làm và Nghị định 31/2015/NĐ-CP có quy định rõ về những công việc có khả năng gây nguy hiểm cho người lao động hoặc cộng đồng, nặng nhọc, độc hại,… yêu cầu cần có Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Tại sao đặc thù của công việc ngành thang máy có những tính chất tương đồng nhưng lại chưa áp dụng?

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Hạnh, Viện trưởng Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy (VILEA) cho biết VILEA sẵn sàng tiên phong phối hợp cùng các cơ quan quản lý nhà nước, hệ thống giáo dục nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp chuẩn hóa chương trình và tham gia công tác đào tạo về kỹ thuật thang máy. Đây là tiền đề quan trọng để giải quyết “cơn khát” nhân lực có trình độ trong việc lắp đặt, bảo trì, sửa chữa thang máy…

VÂN TRANG

Ý kiến bạn đọc