Lòng tự trọng

VHO- Về ngữ nghĩa, khái niệm “tự trọng” cùng loại và gần với các khái niệm: Tự tôn, tự hào, tự tin, tự lực, tự cường… Nhưng đối lập và trái nghĩa với các khái niệm: Tự ái, tự mãn, tự kiêu, tự ti, tự kỷ… Ở đây, người viết không khai thác về ngữ nghĩa mà luận bàn về lòng tự trọng như một giá trị tinh thần cao quý nhất và có sức mạnh đa chiều làm nên phẩm chất của con người và của một dân tộc.

Theo cách hiểu cụ thể, người có lòng tự trọng là biết giữ gìn, bảo vệ, phát huy những giá trị đạo đức và năng lực của bản thân, luôn làm lợi cho cộng đồng, dân tộc, không làm hại người khác, đồng thời biết chống lại cái ác và những gì phản văn hóa.

 Lòng tự trọng có nhiều cấp độ thể hiện: Trước hết là tự trọng cá nhân (có vai trò là hạt nhân), cao hơn là lòng tự trọng gia đình, dòng họ, quê hương; và cao nhất là tự trọng quốc gia, dân tộc, thể hiện bằng lòng yêu nước, ý chí bảo vệ độc lập, chủ quyền. Việt Nam có lịch sử chống ngoại xâm oanh liệt, đã đánh bại nhiều thế lực ngoại xâm hùng mạnh nhất của các thời đại. Điều đó chứng minh chúng ta có tinh thần tự trọng dân tộc rất cao.

Mức độ của lòng tự trọng trong mỗi con người được thể hiện dưới những hình thức khác nhau: Người có lòng tự trọng cao nhất là những chiến sĩ sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc; là những người lao động quên mình để dựng xây đất nước… Những người có lòng tự trọng thấp nhất là những kẻ tham nhũng, lừa đảo, phản dân hại nước. Lòng tự trọng trong từng con người không phụ thuộc vào địa vị xã hội hay trình độ học vấn của họ, nhưng ở trong từng nhóm xã hội khác nhau thì mức độ lòng tự trọng của họ có tác động xã hội khác nhau.

Trong giới quan chức, những người có lòng tự trọng cao là những cán bộ liêm khiết, luôn hoàn thành tốt chức trách của mình với tinh thần trách nhiệm, uy tín, không tham quyền cố vị. Những người tự trọng kém thường “chày bửa” trước nhiệm vụ và dễ vướng vào tham ô, tham nhũng do tính ích kỷ và lòng tham lớn hơn cả sự tự tôn. Đặc biệt, các quan chức trong những vụ “đại án” gây hậu quả nghiêm trọng là những người mà lòng tham đã lấn át hoàn toàn lòng tự trọng và trách nhiệm.

Đối với giới trí thức, những người có lòng tự trọng luôn đề cao phẩm chất của đấng trượng phu: “Phú quý bất năng dâm, bần hàn bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Họ làm việc bằng tất cả lòng nhiệt huyết và nghiên cứu khoa học nghiêm túc để xây dựng đất nước, luôn thận trọng và rất trách nhiệm với những phát ngôn của mình. Ngược lại, những người không đủ độ cao về kiến thức, lòng tự trọng thì thường thích khoe khoang bằng cấp, địa vị và thể hiện sự bất mãn bằng cách nói rằng “những hiện tượng tiêu cực thể hiện sự lạc hậu, chỉ ở Việt Nam mới có, còn họ là người giỏi hơn tất cả”. Cũng có những trí thức không còn lòng tự trọng đã tự biến thành những nhân vật chống đối chính trị, làm tay sai cho thế lực phản động ở nước ngoài.

Trong giới thầy thuốc, những bác sĩ có lòng tự trọng cao thể hiện ở y đức, trình độ chuyên môn và hiệu quả điều trị cho bệnh nhân. Những người thiếu lòng tự trọng thì đồng nghĩa với thiếu y đức, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bệnh nhân để “vẽ bệnh” nhằm trục lợi kiếm tiền. Trong giới kinh doanh, những doanh nhân có lòng tự trọng cao thể hiện ở tinh thần cạnh tranh lành mạnh, thực hiện đúng nghĩa vụ đóng thuế, tham gia công tác thiện nguyện giúp đỡ người nghèo. Tuy nhiên trên thực tế, còn không ít tình trạng gian lận thương mại, trốn thuế, thậm chí lừa đảo huy động vốn, làm hàng giả và quảng cáo không đúng chất lượng để lừa dối người tiêu dùng. Những kẻ không có lòng tự trọng và vô đạo đức đã bằng các thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội, kêu gọi đầu tư tài chính nhưng thực chất là cho vay nặng lãi hoặc cướp đoạt tài sản…

Đối với khối quần chúng nhân dân, lòng tự trọng thể hiện ở lối sống và làm việc theo pháp luật, ở cách đối nhân xử thế, ở tinh thần đoàn kết, chia sẻ với cộng đồng, với nghĩa vụ, trách nhiệm công dân. Một bộ phận thiếu lòng tự trọng thuộc thành phần tệ nạn xã hội, sống ngoài vòng pháp luật. Lòng tự trọng của số đông quần chúng là thước đo của mức độ ổn định chính trị, xã hội.

Lòng tự trọng thể hiện rất sinh động và đa dạng trong lĩnh vực tham gia giao thông và ứng xử nơi công cộng. Những người có lòng tự trọng cao sẽ không vượt đèn đỏ, không đi ngược chiều, không quá tốc độ, phóng nhanh vượt ẩu và biết nhường nhịn người khác. Tuy nhiên ở các đô thị lớn, tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông, đường phố nhiều rác làm tắc cống gây ngập úng khi mưa lớn… vẫn là những vấn nạn kéo dài, khó khắc phục. Nguyên nhân chính thuộc về sự mất cân đối giữa hạ tầng đô thị và số lượng phương tiện giao thông, dân số; nhưng còn có nguyên nhân không nhỏ là do những hành vi thiếu lòng tự trọng khi tham gia giao thông và ứng xử nơi công cộng, tuy chỉ do một số ít người gây ra, nhưng tác hại là vô cùng lớn.

Thực tế nêu trên cho thấy mức độ lòng tự trọng của con người ảnh hưởng đa chiều đến hầu như tất cả các mặt của đời sống xã hội, đặc biệt lĩnh vực xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc tùy thuộc rất nhiều vào mức độ lòng tự trọng ở tất cả các cấp độ. Nhìn chung, con người không thể loại bỏ hoàn toàn những thuộc tính thuộc về bản năng sinh học là “tham, sân, si”, nhưng nếu có tự trọng thì sẽ có thể vượt qua được những cám dỗ bản năng ấy. 

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN

Ý kiến bạn đọc