Kỷ niệm 60 năm truyền thống phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”
VHO - Tối ngày 22.3, Hội LHPN Hà Nội phối hợp với Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật Sáng mãi truyền thống phụ nữ “Ba đảm đang” nhân kỷ niệm 60 năm ra đời phong trào “Ba đảm đang”.
Đến dự chương trình có ông Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; bà Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; cùng nhiều đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan, Ban, ngành, thành phố Hà Nội và các đại biểu là nhân chứng lịch sử - những người trực tiếp tham gia phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh cho biết, khởi nguồn từ sáng kiến của Hội phụ nữ huyện Đan Phượng (Hà Nội), ngày 22.3.1965, phong trào “Ba đảm nhiệm” được Trung ương Hội LHPN Việt Nam chính thức phát động tại chỉ thị 03, được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm gợi ý đổi tên thành “Ba đảm đang”.
Nội dung của phong trào là: Đảm đang sản xuất, công tác thay thế chồng, con đi chiến đấu; Đảm đang công việc gia đình để chồng con yên tâm chiến đấu; Đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết.
Phong trào đã phát triển thành cao trào cách mạng sôi nổi, tràn đầy nhiệt huyết của phụ nữ toàn miền Bắc giai đoạn 1965-1975.
Đại hội “Ba đảm đang” của phụ nữ Thủ đô lần thứ nhất tháng 12.1965 đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nữ anh hùng Tạ Thị Kiều đến thăm, động viên. 21 phụ nữ có thành tích xuất sắc trong phong trào “Ba đảm đang” đã được tặng Huy hiệu Bác Hồ tại Đại hội.
"Trải qua 60 năm ra đời phong trào, chương trình nghệ thuật chính luận Sáng mãi truyền thống phụ nữ "Ba đảm đang" được nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang đầy tự hào của phong trào phụ nữ cùng cả dân tộc những năm kháng chiến chống Mỹ, là lời tri ân tới các bà, các mẹ - những người phụ nữ Thủ đô “Ba đảm đang” năm xưa.
Tiếp thêm động lực để các thế hệ phụ nữ hôm nay không ngừng rèn luyện, bản lĩnh, tự tin, khát vọng cống hiến, chung sức xây dựng Thủ đô và đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng trong kỷ nguyên mới của dân tộc", Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội nhấn mạnh.

Theo bà Lê Kim Anh, vượt qua muôn vàn khó khăn của thời chiến, biến đau thương thành hành động, chị em có thể làm tất cả mọi việc mà trước đây phụ nữ chưa hề làm kể cả những việc cần đến kỹ thuật, vừa ra sức thi đua đẩy mạnh sản xuất và bảo vệ sản xuất, công tác; chăm sóc mẹ già, nuôi dạy con tốt; phục vụ chiến đấu và chiến đấu dũng cảm với nghị lực phi thường; thực hiện mỗi người làm việc bằng hai.
Từ phong trào đã xuất hiện các nữ anh hùng, nữ kiện tướng ngày công cao, kiện tướng làm thủy lợi, trung đội nữ tự vệ, trung đội nữ dân quân quyết thắng… với tinh thần “Tay cày tay súng”,“Tay búa tay súng”, “giỏi một việc biết nhiều việc”, đạt năng suất “giành ba điểm cao”, hay “Làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”, “Địch đánh ban ngày ta sản xuất ban đêm”, “Tim có thể ngừng đập, máy không thể ngừng chạy”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tiếng hát át tiếng bom”, đoàn kết đồng lòng, tất cả để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...

Chương trình diễn ra tại điểm cầu chính Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô và điểm tiếp sóng Tượng đài Phụ nữ "Ba đảm đang" (thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng).
Tại chương trình, các đại biểu, cán bộ hội viên phụ nữ đã gặp gỡ giao lưu với các nhân chứng lịch sử tham gia phong trào “Ba đảm đang”: Bà Nguyễn Thị Sang, nguyên Trưởng tàu, phụ trách tổ tàu “Ba đảm đang” ngành đường sắt; bà Lê Thị Quýnh, nguyên Chủ tịch Hội phụ nữ xã Trung Châu (huyện Đan Phượng); Đại tá, bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Kim Nữ Hiếu, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương quân đội 108.
Bên cạnh đó, bằng ngôn ngữ nghệ thuật âm nhạc và những câu chuyện đặc biệt của các nhân chứng sống, chương trình Chính luận nghệ thuật Sáng mãi truyền thống phụ nữ "Ba đảm đang” đã phác họa sức sống của một trong những phong trào cách mạng sôi nổi, tràn đầy nhiệt huyết của phụ nữ Hà Nội và phụ nữ miền Bắc, tất cả vì miền Nam ruột thịt, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước với hình ảnh người phụ nữ Việt nam “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.
Đặc biệt, các ca khúc được thể hiện trong phần nghệ thuật: Đường cày đảm đang, Bài ca năm tấn, Hai chị em; Chào sông Mã anh hùng, Tự hào phụ nữ Thủ đô - Bài ca người phụ nữ Việt Nam… đã tái hiện lại không khí của những ngày Nam - Bắc thi đua đánh Mỹ; làm rõ ý nghĩa, vai trò và sức lan tỏa rộng lớn của phong trào “Ba đảm đang”; khẳng định tinh thần, sức mạnh, ý chí của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc cứu nước, dành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc…