Kỷ niệm 110 năm ngày sinh giáo sư, viện sĩ Trần Đại Nghĩa

VHO - Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long vừa long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh giáo sư, viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa (13.9.1913 - 13.9.2023). Tham dự buổi lễ có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh giáo sư, viện sĩ Trần Đại Nghĩa - Anh 1

Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ tại buổi lễ

GS, viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa tên khai sinh là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13.9.1913 tại làng Chánh Hiệp, quận Tam Bình (nay là xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) trong một gia đình nhà giáo giàu tinh thần yêu nước, lòng nhân ái. 

Ngay từ nhỏ, Phạm Quang Lễ đã bộc lộ tư chất thông minh, hiếu học. Khi lên 5 tuổi, học ở trường làng, Phạm Quang Lễ đã học rất giỏi. Năm lên 7 tuổi, cha của ông bị bệnh qua đời, cảnh nhà nghèo thiếu thốn, nhưng Phạm Quang Lễ vẫn được mẹ và chị tạo điều kiện để tiếp tục theo đuổi việc học.

Sau khi lấy bằng sơ học yếu lược, năm 1926, Phạm Quang Lễ thi đỗ vào Trường Trung học Collège de Mytho (nay là Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu) với số điểm rất cao, được nhận học bổng. Đến năm 1930 thi đỗ vào học Trường Petrus Ký (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) - một ngôi trường nổi tiếng ở Sài Gòn khi đó.

Năm 1935, Phạm Quang Lễ sang Pháp du học và thi đỗ vào Trường ĐH Quốc gia Cầu đường Paris. Quá trình học tập nơi xứ người, ngoài chương trình học tập trên lớp, người thanh niên yêu nước còn nỗ lực nghiên cứu, học thêm về chế tạo vũ khí và hàng không quân sự. Sau khi tốt nghiệp, Phạm Quang Lễ đã được giữ lại làm việc tại Pháp và Đức.

Năm 1946, kỹ sư Phạm Quang Lễ và một số nhà trí thức yêu nước được gặp Bác Hồ và cùng với Bác Hồ cặp bến Ngự - Hải Phòng về nước tham gia kháng chiến chống Pháp. Trân trọng tấm lòng vì nước, vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn và đặt tên mới cho Phạm Quang Lễ là Trần Đại Nghĩa và giao nhiệm vụ làm Cục trưởng đầu tiên của Cục Quân giới. 

Ngày 19.12.1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, kỹ sư Trần Đại Nghĩa lên chiến khu Việt Bắc trực tiếp chỉ đạo sản xuất các loại vũ khí như: lựu đạn, súng phóng lựu đạn, cối 80,8 mm, Bazooka, SKZ… Năm 1948, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa đã trở thành 1 trong 11 vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam và ông cũng là Thiếu tướng đầu tiên của ngành Quân giới ở tuổi 35. 

Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, ông được phân công làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện khoa học Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
Dưới sự chỉ đạo của ông, những sản phẩm của ngành Quân giới Việt Nam, đặc biệt là súng Bazooka, đạn hỏa tiễn OF, đạn chống tăng AT, súng không giật SKZ, nghiên cứu tìm ra các giải pháp kỹ thuật khắc phục thủ đoạn gây nhiễu của địch trên ra đa, giúp phát hiện rõ máy bay B-52 để điều khiển tên lửa SAM-2 bắn trúng mục tiêu... đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng B-52 của đế quốc Mỹ, góp phần quan trọng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Với những đóng góp to lớn cho ngành Quân giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng cho GS Trần Đại Nghĩa danh hiệu “Ông Phật làm súng”. Ngày 9.8.1997, GS Trần Đại Nghĩa qua đời vì lâm bệnh.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh giáo sư, viện sĩ Trần Đại Nghĩa - Anh 2

Hoạt động kỷ niệm 110 năm ngày sinh của GS Trần Đại Nghĩa nhằm tưởng nhớ, tôn vinh những đóng góp to lớn ông, đồng thời là dịp để thế hệ trẻ ôn lại truyền thống hào hùng dân tộc, ý thức được vai trò của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Phát biểu tại buổi lễ, ông Bùi Văn Nghiêm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh: “Tình cảm của giáo sư, viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa đối với quê hương Vĩnh Long thật sâu đậm, gắn bó. Trong những năm tháng hoạt động cách mạng ở miền Bắc và sau khi nước nhà thống nhất, mặc dù bận nhiều công tác nhưng đồng chí vẫn dành thời gian về thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long. Những lần đó, GS Trần Đại Nghĩa góp ý, động viên Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; nhất là, cán bộ khoa học kỹ thuật để phục vụ xây dựng và phát triển tỉnh nhà; đồng thời, đồng chí chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong công tác, chế tạo vũ khí, thiết bị phục vụ chiến đấu. 

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Vĩnh Long luôn tự hào về người con ưu tú - Giáo sư, viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa, nhà khoa học quân sự tài năng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Thay mặt tuổi trẻ Vĩnh Long, Đại úy Nguyễn Nhân Phúc – Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tam Bình thuộc Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: “Hoạt động kỷ niệm 110 năm ngày sinh của giáo sư, viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa không chỉ là dịp để khẳng định công lao và tôn vinh những đóng góp to lớn của Bác đối với quê hương, đất nước; mà đây, còn là dịp để thế hệ trẻ chúng cháu ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc, của quê hương, xác định quyết tâm trong học tập, rèn luyện, trau dồi nhân cách, phẩm chất đạo đức cách mạng, ý thức được vai trò của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”.

BÌNH THỦY

Ý kiến bạn đọc