Khi hào thành cổ Vinh là… “sông Tô Lịch”

PHẠM NGÂN

VHO - Hào thành là một bộ phận quan trọng của khu di tích lịch sử, văn hóa quốc gia Thành cổ Vinh và nay nó đang xuống cấp nghiêm trọng, biến thành dòng kênh ô nhiễm, bốc mùi hôi thối.

 Khi hào thành cổ Vinh là… “sông Tô Lịch” - ảnh 1
Hào thành cổ Vinh bị ô nhiễm nghiêm trọng

Trả lại cho hào thành dòng nước xanh mướt, tôn vinh giá trị, vẻ đẹp thành cổ là câu chuyện còn rất dài và cũng không biết khi nào mới được chính quyền quan tâm đúng mức.

Biến dạng thành “kênh nước thải”

Hào thành cổ Vinh là tuyến kênh bao quanh tòa thành cổ do triều Nguyễn xây dựng bằng đá vào năm 1831. Đây là một phần quan trọng trong kiến trúc quân sự của Thành cổ Vinh, được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa quốc gia từ năm 1998.

Hào thành, hệ thống kênh bao quanh tường thành không chỉ có chức năng phòng thủ mà còn đóng vai trò điều tiết nước, tạo cảnh quan, góp phần làm nên vẻ đẹp tổng thể của quần thể di tích. Với hình lục giác, hào thành có chiều rộng khoảng 28m, sâu trung bình 3m, bao bọc chu vi 2.520m của tòa thành với ba cửa chính ra vào.

Tuy nhiên, trái với vai trò lịch sử đáng tự hào, hiện nay hào thành cổ đã và đang bị biến thành một “kênh chết”. Dòng nước đen đặc, quánh bùn, bốc mùi hôi thối nồng nặc quanh năm.

Hai bên bờ, rác thải sinh hoạt tràn lan, cỏ dại mọc um tùm, nhiều đoạn bề mặt kênh gần như bị che lấp bởi lớp rác thải sinh hoạt. Không chỉ mất mỹ quan đô thị, tình trạng này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân sống quanh tuyến kênh.

“Ban đầu, sau khi hào thành được cải tạo, cảnh quan khá đẹp, dân rất phấn khởi. Nhưng chỉ được ít tháng, nước hào đen thui, đặc quánh, bốc mùi hôi thối nên chúng tôi ít khi dám mở cửa. Mỗi lần đi ngang là bịt mũi. Không ai nghĩ nơi này lại là di tích quốc gia”, ông Nguyễn Văn Hải, người dân sống gần khu vực, chia sẻ đầy chua xót.

Năm 2016, một dự án cải tạo hào Thành cổ Vinh với tổng mức đầu tư gần 140 tỉ đồng đã được triển khai từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Mục tiêu là nạo vét bùn thải, xây bờ kè kiên cố, lắp đặt hệ thống thu gom nước thải, kết hợp chỉnh trang cảnh quan.

Dự án từng được kỳ vọng sẽ “thay da đổi thịt” cho một phần quan trọng của thành cổ, góp phần bảo tồn di sản và nâng cao chất lượng sống cho người dân khu vực.

Thế nhưng, khi dự án hoàn tất vào năm 2018, người dân không những không thấy chuyển biến tích cực mà còn thất vọng bởi tình trạng ô nhiễm ngày một nghiêm trọng hơn. Những hệ thống thu gom nước thải được lắp đặt nay không hoạt động hiệu quả, nước trong hào vẫn đục ngầu, bốc mùi.

Tháng 10.2023, cư dân thành phố Vinh chứng kiến cảnh tượng ám ảnh, hàng tấn cá chết nổi trắng mặt nước tại các đoạn hào thành. Mùi tanh tưởi, xác cá thối rữa trôi dạt vào hai bên bờ, gây ra nỗi bất an sâu sắc về môi trường sống.

Theo báo cáo, nguyên nhân là do lượng bùn thải tích tụ lâu ngày không được nạo vét, kết hợp với nước thải sinh hoạt đổ dồn và mưa lớn khiến dòng nước thay đổi đột ngột, gây sốc cá.

“Mùi cá chết nồng nặc không thể chịu nổi. Nhà tôi có trẻ nhỏ, cũng không dám mở cửa ra ban công cả tuần”, bà Trần Thị Hoa, sống tại phường Cửa Nam bức xúc cho biết. Sau sự cố, UBND thành phố Vinh đã có văn bản phê bình đơn vị vận hành là Công ty CP Quản lý và Phát triển Hạ tầng đô thị Vinh vì thiếu trách nhiệm, phản ứng chậm trong công tác xử lý môi trường và vớt cá chết.

 Khi hào thành cổ Vinh là… “sông Tô Lịch” - ảnh 2
Nước dưới hào đen thui, đặc quánh, bốc mùi hôi thối

Hệ thống thoát nước quá tải

Theo ông Võ Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý và Phát triển Hạ tầng đô thị Vinh, hệ thống thoát nước thải của thành phố hiện tại sử dụng chung với hệ thống thoát nước mưa. Điều này khiến cho nước không được luân chuyển, đặc biệt là vào mùa khô khi nước tù đọng và phát sinh mùi hôi thối nặng nề.

“Thành phố Vinh phát sinh hơn 55.000m³ nước thải mỗi ngày đêm, trong khi công suất xử lý của nhà máy chỉ khoảng 21.500m³. Do quá tải, phần lớn nước thải không qua xử lý đã tràn vào hào thành. Từ ngày cải tạo đến nay, chưa từng có đợt nạo vét trầm tích nào. Bùn tích tụ dày đặc, tạo điều kiện cho vi khuẩn phân hủy và sinh mùi”, ông Tuấn Anh cho biết thêm.

UBND TP Vinh đã duyệt kinh phí 10 tỉ đồng để lắp đặt hệ thống bơm dẫn nước từ sông Lam vào hào, nhằm pha loãng nước thải và tạo dòng chảy. Đồng thời, công tác nạo vét bùn cũng được đưa vào kế hoạch thực hiện. Tuy nhiên, theo đại diện đơn vị vận hành, đây chỉ là giải pháp tình thế mang tính “chữa cháy”, không thể xử lý triệt để tận gốc vấn đề.

Thực tế cho thấy, dù đã qua nhiều đợt cải tạo và kêu gọi đầu tư, nhưng cho đến nay, hào thành cổ Vinh vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng ô nhiễm kéo dài, hệ thống kỹ thuật xuống cấp, ý thức bảo vệ môi trường còn hạn chế, cùng với sự thiếu quyết liệt trong công tác quản lý đang khiến một di tích lịch sử cấp quốc gia dần bị bỏ mặc và lãng quên.

“Đây không chỉ là câu chuyện của một con kênh. Nó là biểu tượng, là quá khứ và là ký ức của cả một vùng đất. Nếu không có biện pháp mạnh tay, hào thành cổ Vinh sẽ thực sự trở thành một di tích “chết” không chỉ về mặt vật chất mà còn về tinh thần”, bà Lê Thị Mai, người dân sống gần di tích chia sẻ trong sự tiếc nuối.

Người dân thành phố Vinh vẫn đang mong chờ những giải pháp căn cơ, lâu dài, chứ không chỉ là những dự án “vá víu”. Đã đến lúc các cấp chính quyền cần hành động mạnh mẽ hơn để trả lại hào thành cổ Vinh vị thế vốn có trong dòng chảy lịch sử của đất và người xứ Nghệ. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc