Bình Thuận:

Khai thác, chế biến titan gắn với bảo vệ môi trường bền vững

XUÂN HƯỚNG

VHO - Bình Thuận là tỉnh ở Nam Trung Bộ, nơi được thiên nhiên ưu ái ban tặng trữ lượng titan sa khoáng dồi dào nhất Việt Nam, chiếm hơn 90% tổng trữ lượng tài nguyên titan của cả nước. Nhận thức được tiềm năng to lớn này, tỉnh Bình Thuận đã xác định khai thác, chế biến titan để phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường bền vững là mục tiêu quan trọng. Do vậy, tỉnh Bình Thuận cùng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này luôn quan tâm đến việc kết hợp khai thác, chế biến titan hiệu quả với bảo vệ môi trường.

Khai thác, chế biến titan gắn với bảo vệ môi trường bền vững - ảnh 1

Công nhân làm việc tại dự án khai thác titan 

Đảm bảo môi trường khai thác titan

Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18.7.2023 (Quy hoạch 866), titan được xác định là một trong những loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược và quan trọng của tỉnh Bình Thuận. Nơi đây được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm khai thác, chế biến titan hàng đầu tại Việt Nam.

Vì vậy, vấn đề khai thác, chế biến quặng titan bền vững là yêu cầu cấp bách cần được đặt lên hàng đầu, đảm bảo bảo vệ môi trường sinh thái, cũng như phát triển hài hòa với các ngành kinh tế khác. Đây là chìa khóa quan trọng cho quy hoạch ngành khoáng sản nói chung và quy hoạch khoáng sản titan nói riêng.

Khai thác titan bền vững là mục tiêu chung của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân tỉnh Bình Thuận. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi sự chung tay góp sức của tất cả các bên liên quan là vô cùng quan trọng. Hiện nay, tỉnh Bình Thuận đang tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp có đủ tiềm lực để khai thác, chế biến sâu titan một cách bền vững, gắn liền với công tác bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật. Qua đó, nâng cao giá trị của titan và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho ngành công nghiệp khai khoáng của địa phương.

 Theo tính toán của các cơ quan chức năng, hiện trữ lượng titan cả nước khoảng 664 triệu tấn, trong đó riêng tỉnh Bình Thuận được đánh giá là “vựa titan” lớn nhất cả nước, với trữ lượng chiếm hơn 92% trữ lượng cả nước.

Báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện nay, tổng diện tích thăm dò, khai thác khoáng sản titan của địa phương có diện tích khoảng 102.000 ha, tương đương với 13% tổng diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh. Để đảm bảo cho các doanh nghiệp khai thác, chế biến titan được thuận lợi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã có nhiều cuộc làm việc với Bộ Chính trị và xác định phải xây dựng tỉnh Bình Thuận thành trung tâm khai thác, chế biến sâu titan.

Tính đến tháng 6.2024, tỉnh Bình Thuận hiện có 11 doanh nghiệp được cấp phép khai thác titan với tổng diện tích khai thác 16.050,4 ha và tổng trữ lượng khoáng vật nặng là 124 triệu tấn.

Nổi bật trong số các doanh nghiệp khai thác, chế biến titan tại Bình Thuận là Công ty Cổ phần Sản xuất Zirconium và Titanium Hưng Thịnh (thôn Hồng Thắng, xã Hoà Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) thuộc Tập đoàn Hưng Thịnh. Doanh nghiệp này được UBND tỉnh Bình Thuận đánh giá cao là doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực khai thác, chế biến titan.

Với bề dày kinh nghiệm và tiềm lực mạnh mẽ, Công ty Hưng Thịnh đang dần khẳng định vị thế là nhà khai thác và chế biến titan hàng đầu tại địa phương. Hiện nay, Công ty đang thực hiện dự án khai thác sa khoáng titan – zircon và dự án nhà máy sản xuất xỉ titan tại xã Hồng Phong và xã Hoà Thắng huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Công ty Hưng Thịnh không chỉ chú trọng vào chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế mà còn đặt trách nhiệm bảo vệ môi trường lên hàng đầu.

Khai thác, chế biến titan gắn với bảo vệ môi trường bền vững - ảnh 2

Công nhân làm việc tại dự án khai thác titan sa khoáng

Theo ghi nhận, công tác khai thác tại dự án khai thác titan sa khoáng tại xã Hồng Phong và xã Hoà Thắng huyện Bắc Bình tuân thủ theo quy định về bảo vệ môi trường; công nhân làm việc tại đây đều được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn, tay nghề và được huấn luyện kỹ lưỡng về các quy định an toàn lao động trang bị bảo hộ lao động. Tại dự án này, doanh nghiệp đã mạnh tay đầu tư khoa học kỹ thuật tiên tiến và thiết bị máy móc hiện đại nên các sản phẩm không những có thể đáp ứng được các tiêu chí quốc tế mà quá trình khai thác và chế biến còn đảm bảo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về công tác bảo vệ môi trường.

Tạo thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động

Ông Phạm Văn Định, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Sản xuất Zirconium và Titanium Hưng Thịnh cho biết: Hiện nay, tổng số lao động Công ty là 348 người, với 245 lao động là người địa phương. Trong đó 278/348 lao động là đoàn viên công đoàn, chiếm 80 % tổng số lao động toàn Công ty.

Thu nhập của người lao động tiếp tục được cải thiện theo hướng nâng cao. Theo thống kê, trong năm 2023, thu nhập trung bình của người lao động tại Công ty đạt 124 triệu đồng, gấp hơn 2,5 lần thu nhập bình quân đầu người và cao hơn 30% so với thu nhập trung bình của người lao động trong toàn tỉnh. Chi bộ đảng cơ sở Công ty hiện có 21 đảng viên, trong đó đảng viên chính thức là 19 đồng chí và dự bị 2 đồng chí.

Để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, Công ty đã thành lập tiểu đội dân quân tự vệ, đội phòng cháy chữa cháy cơ sở và được trang bị phương tiện làm việc, được tập huấn đầy đủ. Công tác an ninh trật tự luôn được đảm bảo, Công ty luôn phối hợp tốt với Công an xã và Bộ đội biên phòng nhằm đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở và trên địa bàn.

Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty vẫn luôn quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội của người dân địa phương. Chỉ trong năm 2023 và đầu năm 2024, Công ty đã hỗ trợ địa phương tổng số tiền khoảng 3.200.000.000 đồng cho các hoạt động như: Hỗ trợ cho các hoạt động Năm Du lịch quốc gia “Bình Thuận Hội tụ xanh”; hỗ trợ Lễ công bố quy hoạch tỉnh Bình Thuận; tặng quà Tết cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng nhà tình nghĩa; hỗ trợ trẻ em nghèo hiếu học; hỗ trợ xây dựng các quỹ vì người nghèo, quỹ tiếp bước cho em đến trường, quỹ đền ơn đáp nghĩa; hỗ trợ định kì cho các gia đình bị nhiễm chất độc màu da cam, gia đình có hoàn cảnh khó khăn…

Khai thác, chế biến titan gắn với bảo vệ môi trường bền vững - ảnh 3

Công ty Cổ phần Sản xuất Zirconium và Titanium Hưng Thịnh tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận

Ông Phạm Văn Định cho biết thêm, Công ty đang đầu tư tổ hợp tuần hoàn từ khâu khai thác đến khâu chế biến cho ra sản phẩm cuối cùng theo tiêu chí xanh - sạch - hiệu quả, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương, cũng như nâng cao thương hiệu titan Việt Nam.

 UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, Tập đoàn Hưng Thịnh hoạt động đa ngành nghề, bài bản và tâm huyết. Tập đoàn đang góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương thông qua các hoạt động như: đầu tư tài chính, khai thác và chế biến khoáng sản, du lịch, nông nghiệp kỹ thuật cao và năng lượng sạch tại tỉnh Bình Thuận.

Riêng về lĩnh vực khoáng sản, Công ty Cổ phần Sản xuất Zirconium và Titanium Hưng Thịnh đang đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến khoáng sản titan sâu, bền vững. Dự án này được hứa hẹn sẽ góp phần nâng cao giá trị của titan khai thác tại khu vực, đồng thời tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.