Khai mạc Tuần lễ Văn hóa “Sóng đôi” và Ngày hội “tóc xanh vạt áo” 2024
VHO - Ngày 24.3, tại Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM đã khai mạc Tuần lễ Văn hóa “Sóng đôi” và Ngày hội Việt phục “Tóc xanh - Vạt áo” lần thứ IV năm 2024. Chương trình do Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên Trường ĐH KHXHNV phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức.
Nghi thức khai mạc Tuần lễ Văn hóa “Sóng đôi” 2024
Tham dự có TS Phan Thanh Hải - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên - Huế; đại diện Sở VHTT TP.HCM, các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ và đông đảo các bạn trẻ là sinh viên, thanh niên, đoàn viên đến tham dự và trải nghiệm.
Tuần lễ Văn hóa “Sóng đôi” là hoạt động trọng điểm của Đoàn trường trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên - sinh viên trường. Trải qua ba lần tổ chức, Tuần lễ Văn hóa “Sóng đôi” đã nhận được sự quan tâm và theo dõi tích cực thì phía các cơ quan truyền thông, các cá nhân, tổ chức trên cả nước.
Các đại biểu diện Việt phục tại ngày hội
Với mong muốn tạo thói quen tiếp nhận các sản phẩm văn hóa tích cực cho sinh viên, góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta đến rộng rãi hơn đối với sinh viên nói riêng và người trẻ nói chung, Tuần lễ Văn hóa “Sóng đôi” tiếp tục diễn ra và có quy mô lớn hơn các lần trước. Qua đây, BTC mong muốn mỗi người trẻ có trách nhiệm gắn bó mật thiết, chủ động trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, luôn song hành và không ngừng vươn lên cùng những giá trị văn hóa truyền thống và giá trị văn hoá hiện đại tốt đẹp của dân tộc.
Tuần lễ Văn hóa “Sóng đôi” diễn ra từ ngày 24-31.3, với đa dạng các hoạt động chính như: Lễ khai mạc và Ngày hội Việt phục “Tóc xanh - Vạt áo”; Tọa đàm “Thú chơi cổ ngoạn và cổ vật”; Tuần lễ điện ảnh “Phim Việt nhân văn”; workshop “Di sản đô thị Sài Gòn - Nam Bộ qua các bản đồ”; trình diễn Việt phục của các thương hiệu nổi tiếng; trình diễn trang phục cổ truyền và nghệ thuật truyền thống Chăm Pa; trình diễn các loại hình nghệ thuật diễn xướng truyền thống Việt Nam (Dân ca Quan họ, Cải lương, Nhã nhạc cung đình Huế); cuộc thi ảnh trực tuyến “Nét Việt”; đêm Gala với chương trình trình diễn Việt phục “Trăm năm hương sắc”, talk show “Góc nhìn”, tiết mục sân khấu hóa “Chiếu chèo sân đình” của các nghệ nhân Giáo phường Đình Làng Việt từ Hà Nội.
Năm nay, nhân kỷ niệm 280 năm ngày Võ vương Nguyễn Phúc Khoát định chế áo dài (1744 - 2024), tiền thân chiếc áo dài hiện đại ngày nay, trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa “Sóng đôi” cũng đã tổ chức diễn đàn thảo luận với chủ đề "280 năm định chế áo dài và 10 năm nhìn lại phong trào cổ phong”, với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý văn hóa, lịch sử.
Diễn đàn "280 năm định chế áo dài và 10 năm nhìn lại phong trào cổ phong”
Theo BTC, sự kiện lần này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với hơn 30 gian hàng cùng hơn 20 đơn vị làm văn hóa ở Hà Nội, Huế, Nha Trang và TP.HCM tham gia. Bên cạnh hoạt động triển lãm, trưng bày áo dài cùng các chương trình đặc sắc khác cũng sẽ diễn ra song song, như: ;
Được biết, Tuần lễ Văn hóa “Sóng đôi” và Ngày hội Việt phục “tóc xanh vạt áo” qua các năm tổ chức đã thu hút hàng nghìn lượt khán giả tham gia và trải nghiệm. Ngày hội Việt phục năm nay với mong ước trở thành ngày hội tôn vinh văn hóa truyền thống tiếp nối những di sản của cha ông. Thông qua Tuần lễ Văn hóa “Sóng đôi” năm 2024, nhằm lan tỏa nhiều hơn những điều tích cực, truyền thêm mềm cảm hứng cho thế hệ trẻ ngày nay về các giá trị văn hoá của đất nước ta. Đây sẽ là dịp giới thiệu với các bạn trẻ về những giá trị văn hóa đáng quý, từ đó gợi nên tinh thần yêu mến, động lực tìm hiểu và lan tỏa cho người trẻ bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống dân tộc.
Các bạn trẻ trong trang phục dân tộc
So với ba lần trước, chương trình năm nay quy mô hơn với sự tham gia của 22 đơn vị và cá nhân, đại diện các hội nhóm cổ phong, cổ phục: Hoa Niên - Năm tháng tươi đẹp, Áo dài Năm Tuyền, CLB Đình Làng Việt, Tịnh Thủy Đường, Chiêu Minh Các, Chiêm Thành Vương Các, Nắng Ceramics, RuNam, Cộng đồng Việt Sử Liên Minh, nhà sưu tập Cổ vật Lê Gia, Vi Cự Việt Nhân, Comicola, Đại Việt Kỳ Nhân, Creative House - ProductionQ, Áo dài Quang Hoà, Ngự Thiện Gia, nhà thiết kế Phan Anh Tuấn, Phúc Tâm An - Thư Trà Việt, Liên Hoa, Mộc Vô Tận, Zám Studio, AGE20’S.
THÙY TRANG