Hội thảo về công tác quản lý trong hoạt động phát thanh, truyền hình
VHO-Tại Quảng Ninh, Bộ TT&TT đã tổ chức “Hội thảo về công tác quản lý trong hoạt động phát thanh, truyền hình”, với sự tham dự của hơn 190 đại biểu đến từ các Đài Phát thanh Truyền hình (PTTH) trên cả nước.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm và các đại biểu chủ trì Hội thảo
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm chủ trì Hội thảo. Tham dự hội thảo có hơn 190 đại biểu đến từ các đài phát thanh, truyền hình (PTTH) trên cả nước, đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng của Bộ TT&&TT, các Bộ ngành và tỉnh Quảng Ninh… Hoạt động này nằm trong chương trình công tác năm 2023 của Bộ TT&TT, đồng thời cũng nằm trong Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024” năm thứ tư.
Thông qua Hôi thảo, lãnh đạo các Đài PTTH có dịp trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Bộ TT&TT về các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động phát thanh, truyền hình thời gian vừa qua; đây cũng là cơ hội để các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT, các bộ ngành có liên quan trao đổi, thảo luận, giải đáp trực tiếp các kiến nghị của các Đài PTTH.
Năm 2022, lĩnh vực PTTH cả nước có tổng tài sản 31.000 tỉ đồng, nhân lực hoạt động hơn 15.800 người, tổng doanh thu trên 15.000 tỉ đồng. Hiện cả nước có 78 kênh phát thanh, phát sóng hơn 78.000 phút/ngày; 192 kênh truyền hình, phát sóng hơn 236.000 phút/ngày.
Các đại biểu dự Hội thảo
Lãnh đạo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cùng chuyên gia đến từ các tập đoàn truyền thông quảng cáo khẳng định, mặc dù truyền hình vẫn là phương tiện truyền thông có tần suất sử dụng cao (chỉ sau internet), nhưng người dùng đang dịch chuyển thói quen xem nội dung từ TV sang Online, đặc biệt đối với người dưới 35 tuổi. Do vậy, xu thế quảng cáo truyền hình cũng cần thay đổi, các đơn vị cần chuyển ưu tiên từ kênh truyền thống sang kênh KTS, nâng cao trải nghiệm người dùng; hợp tác sản xuất nội dung quy mô tầm cỡ với nội dung mới lạ, nguyên bản; phân phối rộng rãi đa kênh, đa nền tảng, đa màn hình và đa dạng hóa nguồn thu…
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu được cơ quan quản lý nhà nước cung cấp thông tin tổng quan về hoạt động của lĩnh vực PTTH trong năm vừa qua; nghe các diễn giả, chuyên gia cung cấp thông tin về xu thế nghe xem của khán giả Việt Nam và xu thế quảng cáo truyền hình của Việt Nam, về đo lường khán, thính giả trong thời đại truyền thông số.
Tại Hội thảo, các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận, giải đáp về các vấn đề liên quan đến định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, cơ chế đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước, từ đó tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các Đài PTTH để tiếp tục phát triển bền vững, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ tuyên truyền chính trị, truyền thông chính sách, phục vụ tốt hơn nhu cầu thông tin giải trí lành mạnh của người dân Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, Bộ TT&TT sẽ tiếp thu các kiến nghị đề xuất, đồng thời có kế hoạch cụ thể để báo cáo Chính phủ, sửa đổi văn bản, ban hành các chính sách mới, từ đó đổi mới tích cực hoạt động quản lý Nhà nước về phát thanh truyền hình, tạo sức bật cho các Đài PTTH phát triển.
“Trong tháng 6, việc quan trọng là trình sửa đổi danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực thông tin truyền thông. Trong đó, sẽ bổ sung hàng loạt đầu việc, mũ chi chưa có, chi phí truyền dẫn trên mọi hạ tầng, từ truyền thống tới hạ tầng mạng. Không có điều này sẽ không chuyển đổi số báo chí được, và chúng tôi sẽ bảo vệ việc này”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết.
HOÀNG QUÂN