Hà Nội và TP.HCM đồng tổ chức hội thảo về đường sắt đô thị
VHO - UBND TP Hà Nội và UBND TP.HCM sẽ đồng tổ chức “Hội thảo khoa học về Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP.HCM” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.
Hội thảo diễn ra từ ngày 17 – 19.1 tại Hà Nội và trực tuyến với các mục tiêu trao đổi, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh theo yêu cầu tại Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị.
Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng
Tham dự hội thảo dự kiến có khoảng 200 đại biểu, gồm có đại diện của các cơ quan Trung ương, địa phương (đại biểu thành phố Hà Nội, đại biểu thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu các địa phương trong Vùng Thủ đô), các chuyên gia về lĩnh vực pháp luật, đầu tư, đất đai, quy hoạch, đường sắt đô thị của Việt Nam và quốc tế và các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, phát triển đô thị…
Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) được định nghĩa là một mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm, tăng khả năng, sự thuận tiện cho người dân tiếp cận các điểm trung chuyển, các ga đường sắt đô thị, qua đó giảm thiểu nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng và tạo ra các khu đô thị bền vững, thân thiện với môi trường.
TP Hà Nội và TP.HCM đã và đang tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng các dự án đường sắt đô thị trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án này còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi hoàn thiện thể chế, chính sách và tìm ra các cách làm mới, “đột phá” nhằm nhanh chóng hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị trong thời gian tới.
Hội thảo gồm 4 phiên: Tổng quan phát triển đường sắt đô thị thành phố Hà Nội và TP.HCM theo mô hình TOD; Giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để phát triển đường sắt đô thị và khu vực TOD; Huy động nguồn lực từ đất đai; Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật – công nghệ và quản lý dự án đường sắt đô thị. Qua đó sẽ tổng hợp các kinh nghiệm quốc tế để nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện thể chế có liên quan về phát triển đô thị theo định hướng TOD, quy hoạch xây dựng, chỉnh trang đô thị, đất đai, đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác đường sắt đô thị.
X.QUANG