Hà Nội: Đường sắt đô thị hướng tới giảm phương tiện giao thông cá nhân
VHO - Gia tăng phương tiện cá nhân, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường... đang đè nặng lên hệ thống giao thông của Hà Nội. Vì vậy, Hà Nội đang tìm giải pháp xây dựng, kết nối Đường sắt đô thị trong hệ thống giao thông thông minh để hướng tới một hệ thống giao thông bền vững - đồng bộ - hiện đại.
Nhiều ý kiến, giải pháp đã được các chuyên gia đề cập tại hội thảo khoa học "Đường sắt đô thị trong hệ thống giao thông thông minh nhằm giảm ùn tắc giao thông, tiến tới giảm phương tiện giao thông cá nhân" diễn ra ngày 11.4 do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hà Nội phối hợp với Hội cầu đường Hà Nội, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội tổ chức.
Lúc cao điểm tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đạt 6.000 – 8.000 hành khách/giờ.
Trong các đề xuất, đa số các ý kiến cho rằng cần ưu tiên phát triển đường sắt đô thị và hướng đến phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng. Ông Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật thành phố Hà Nội cho biết, mục tiêu của hội thảo là tìm giải pháp loại bỏ xe máy và giảm các phương tiện giao thông cá nhân khác trong giao thông nội đô. Hay khi nào các phương tiện giao thông công cộng nội đô phải đáp ứng mọi yêu cầu đi lại của người dân.
Vậy giải pháp là phải đẩy nhanh việc chọn tuyến, đoạn tuyến và hoàn thành đoạn tuyến đường sắt đô thị nội đô với điều kiện tỷ lệ vận tải hành khách bằng: Giao thông đường sắt đô thị là bao nhiêu, ô tô bus là bao nhiêu, các phương tiện giao thông công cộng khác là bao. “Để loại bỏ xe máy trong giao thông nội đô nhiều thành phố trên thế giới đã có những giải pháp khoa học, lộ trình hợp lý đã loại bỏ xe máy và giảm ô tô cá nhân ở trong nội đô”, ông Lê Xuân Rao nêu cho hay.
Dẫn chứng về xu hướng lựa chọn phương tiện giao thông công cộng, TS Vũ Hồng Trường - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội thông tin, ngày bình thường tuyến vận chuyển 35.000 - 36.000 hành khách, ngày cuối tuần 24.000 - 26.000 người. Giờ cao điểm đạt 6.000 – 8.000 hành khách/giờ. Tỷ lệ sử dụng vé tháng mỗi ngày khoảng 70%.
“Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được đưa vào sử dụng đã mang đến những trải nghiệm mới cho người dân Thủ đô, đặt dấu mốc cho việc bắt đầu loại hình vận tải công cộng tiên tiến, hiện đại. Lượng khách đi tàu đạt theo kịch bản tốt nhất. Nhiều người chia sẻ, từ khi đi làm bằng đường sắt đô thị đã hình thành thói quen đi bộ, tốt cho sức khỏe. Song để đường sắt đô thị giữ vị trí ngày càng quan trọng, các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư, cũng như sự ưu đãi để tạo động lực và thúc đẩy cho việc triển khai giao thông công cộng, các quy định của pháp lý cần rõ nét, đầy đủ hơn nữa. Cùng đó, duy trì giá vé ưu đãi như hiện nay, chỉ 100.000 - 140.000 đồng/người, miễn phí cho người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em”, ông Vũ Hồng Trường nói.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội phát biểu tại hội thảo
Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cũng cho rằng, cần có sự đồng bộ về hạ tầng, ngoài mở rộng mạng lưới đường sắt đô thị còn cần có sự hỗ trợ của xe buýt, taxi và các loại hình vận tải hành khách công cộng khác, bảo đảm đi lại thuận tiện cho người dân.
Thời gian vừa qua, khi thực hiện dự án tuyến 2A (Cát Linh - Hà Đông) và tuyến số 3 (Nhổn - Ga Hà Nội), vì nhiều lý do khác nhau, đã không thống nhất được phương án kết nối hành khách tối ưu giữa 2 dự án (tại khu vực Ga Cát Linh). Do đó, ông Nguyễn Văn Thái ((Ban Quản lý dự án Đường sắt) đề xuất các điểm kết nối giữa các tuyến cần được nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết từ trước, trong đó phân chia phần công việc phải thực hiện của từng dự án để đưa khối lượng tương ứng vào dự án đó ngay từ đầu, tránh tranh chấp và phát sinh, điều chỉnh về sau.
“TP Hà Nội cần sớm nghiên cứu, ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật về một loại hình thẻ vé áp dụng chung cho tất cả các tuyến đường sắt đô thị, và về lâu dài áp dụng liên thông cho các loại hình giao thông công cộng trong toàn thành phố. Do một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến chậm tiến độ của các dự án vừa qua là khâu giải phóng mặt bằng; do vậy cần tách phần giải phóng mặt bằng của dự án đường sắt đô thị thành một dự án thành phần riêng và triển khai độc lập trước dự án chính để khi dự án chính triển khai thi công thì đã cơ bản có mặt bằng sạch” - ông Nguyễn Văn Thái kiến nghị.
Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 49-KL/TW, ngày 28.2.2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2035, Hà Nội sẽ hoàn thành 400km đường sắt, còn TP Hồ Chí Minh hoàn thành hơn 200km. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn cho rằng, mục tiêu, khát vọng như vậy đặt ra bài toán cho Hà Nội không đơn giản. Nếu làm được cần tạo ra đột phá, khác thường, cần phải hoàn thiện chính sách pháp luật.
Thành phố rất cần sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các chuyên gia nước ngoài để từ đó có những giải pháp thích hợp để tháo gở khó khăn vướng mắc trong phát triển đường sắt đô thị cũng như giao thông thông minh ở Thủ đô.
XUÂN QUANG