Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

THÙY TRANG

VHO - Ngày 16.5, tại TP.HCM, Trường ĐH Luật TP.HCM phối hợp với Bệnh viện ĐH Y Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và một số vấn đề về bảo hiểm y tế”.

Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế - ảnh 1

Các đại biểu góp ý nhiều nội dung quan trọng cho dự thảo Luật

TS Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết, sau 15 năm triển khai và từng bước phát triển, Luật Bảo hiểm y tế (có hiệu lực từ 1.1.2009 và được sửa đổi, bổ sung năm 2014), đã thực sự đi vào cuộc sống, đánh dấu bước tiến quan trọng của bảo hiểm y tế, khẳng định tính đúng đắn trong việc góp phần thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế toàn dân.

“Tuy nhiên trong quá trình thực thi, Luật Bảo hiểm y tế đã phát sinh những bất cập, khó khăn, trên cơ sở đó Bộ Y tế đã dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế nhằm giải quyết các bất cập phát sinh. Lãnh đạo Nhà trường hy vọng các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan quản lý, thực thi Luật Bảo hiểm y tế và những người làm thực tiễn tích cực trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm… Kết quả của Hội thảo sẽ được BTC gửi đến các cơ quan nhà nước nhằm đóng góp cho công tác hoàn thiện nội dung Dự thảo Luật”, TS Lê Trường Sơn cho hay.

Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển các loại hình Bảo hiểm y tế khác nhau tại một số quốc gia Châu Á, nhóm tác giả gồm TS Phan Hoài Nam và các cộng sự thuộc Khoa Luật Quốc tế, Trường ĐH Luật TP.HCM đã thông qua hoạt động nghiên cứu các loại hình bảo hiểm y tế của ba quốc gia Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc nhằm mục đích gợi mở cho Việt Nam ở việc phát triển hiệu quả mô hình bảo hiểm y tế kết hợp với nhiều loại bảo hiểm y tế khác. 

Dựa trên phân tích đó, nhóm tác giả đã kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp hoàn thiện: Cần tham khảo mô hình bảo hiểm y tế với nhiều cấp độ có sự tham gia của Chính phủ và các công ty bảo hiểm mang tính thương mại; xây dựng chế độ khám chữa bệnh cơ bản nâng cao sức khỏe toàn dân; điều chỉnh nội dung liên quan đến việc đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu và tỷ lệ chi trả đối với các trường hợp không đúng cấp chuyên môn,…

Bàn về nội dung rất mới trong Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế đó là chế độ bảo hiểm y tế bổ sung, TS Hồ Xuân Dũng - Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM trao đổi những nội dung chính chứng minh sự cần thiết của bảo hiểm y tế bổ sung, trong đó, ông nhấn mạnh bỏ quy định “phi lợi nhuận” trong bảo hiểm y tế bổ sung. Theo quan điểm của tác giả, việc quy định nguyên tắc bảo hiểm y tế bổ sung là “phi lợi nhuận” tạo nên sự cứng nhắc và khó thực thi; bổ sung quy định khung pháp lý các hoạt động không vì lợi nhuận; gói quyền lợi bảo hiểm y tế xác định theo nhu cầu thị trường; xác định quyền và trách nhiệm trong chia sẻ thông tin,…

Tại hội thảo, câu chuyện chuyển đổi số cũng được nhiều đại biểu quan tâm. PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu và nhóm nghiên cứu Bệnh viện ĐH Y Hà Nội chia sẻ, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế là chủ trương được Chính phủ, Bộ Y tế hiện thực hóa bằng các đề án, Nghị định.

Trong nhiều năm qua, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội đã và đang đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động chuyển đổi với các mục tiêu cụ thể. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện đã xuất hiện những bất cập, khó khăn: Chi phí đầu tư triển khai khá lớn; thiếu nhân lực; vướng mắc về thủ tục hành chính, thiếu sự phối hợp giữa các bên liên quan.

Ngoài ra còn khó khăn về cơ sở hạ tầng lỗi, quá tải; dữ liệu thiếu tập trung, thiếu liên kết; nền tảng không đồng bộ, chưa đạt chuẩn.

Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đề xuất kiến nghị: Nhà nước cần có chính sách và thể chế hóa theo lộ trình giúp cho công tác giám định bảo hiểm y tế nhanh chóng, hiệu quả và chính xác hơn. Bộ Y tế nên xem xét ban hành chính sách quy định triển khai rộng “không in phim” và ban hành Thông tư thanh toán giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh “không in phim”,…