Giá trị nhân văn từ chương trình “Đồng hành cùng Phụ nữ biên cương”

VĨNH QUÝ

VHO - Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh cùng Bộ đội Biên phòng TP.HCM và các đơn vị tại Quảng Trị đã tổ chức hội nghị tổng kết chương trình “Đồng hành cùng Phụ nữ biên cương” giai đoạn 2021 – 2025 tại hai xã biên giới Lìa và A Dơi (tỉnh Quảng Trị).

 Sự kiện không chỉ khép lại một chặng đường 5 năm đầy ý nghĩa mà còn khẳng định mạnh mẽ giá trị nhân văn, tinh thần gắn kết quân dân và vai trò to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng biên cương vững mạnh.

Giá trị nhân văn từ chương trình “Đồng hành cùng Phụ nữ biên cương” - ảnh 1
Trao tặng mô hình sinh kế

Chương trình “Đồng hành cùng Phụ nữ biên cương” là sáng kiến do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động, với mục tiêu cụ thể và rõ ràng: tiếp sức cho phụ nữ vùng biên phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc vùng biên giới.

Chương trình không chỉ dừng lại ở những con số hỗ trợ, mà đã thực sự tạo nên chuyển biến rõ rệt trong đời sống vật chất và tinh thần của hội viên phụ nữ nơi biên giới.

Giá trị nhân văn từ chương trình “Đồng hành cùng Phụ nữ biên cương” - ảnh 2
Khám chữa bệnh cho bà con

Chị Hồ Lan (xã Lìa), một trong những phụ nữ được hỗ trợ mô hình sinh kế chia sẻ: Trước đây gia đình tôi chỉ trông vào vài sào rẫy, quanh năm thiếu trước hụt sau. Nhờ chương trình hỗ trợ mô hình chăn nuôi, tôi có thêm thu nhập, cuộc sống đỡ vất vả hơn nhiều. Không chỉ hỗ trợ sinh kế, chương trình cũng hỗ trợ nguồn nước sạch trong sinh hoạt giúp bà con ở nơi đây thật vui vì không phải dùng nước suối hay nước mưa như trước nữa.

“Chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc bởi có sự quan tâm và đồng hành của Bộ đội Biên phòng, của các nhà hảo tâm đã mở ra cuộc sống mới đẩy lùi cái đói, cái nghèo và sự thiếu thốn của bà con vùng biên giới này”, chị Hồ Lan vui mừng tâm sự.

Chương trình còn mang ý nghĩa lớn lao về mặt xã hội và quốc phòng. Trong hành trình ấy, hình ảnh người phụ nữ nơi biên cương không còn đơn độc trên con đường vượt khó. Họ được tiếp thêm động lực, kiến thức và cả niềm tin vào một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đồng thời, chính sự chung tay của lực lượng Bộ đội Biên phòng và cán bộ Hội phụ nữ cũng đã góp phần vun đắp mối quan hệ quân – dân khăng khít, tạo thế trận lòng dân bền vững giữa vùng đất địa đầu Tổ quốc.

Giá trị nhân văn từ chương trình “Đồng hành cùng Phụ nữ biên cương” - ảnh 3
Khánh thành giếng nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày cho bà con dân tộc

Sự lan tỏa yêu thương trong chương trình không chỉ hiện hữu qua những phần quà trao tay, mà còn thể hiện ở tinh thần nhân ái, trách nhiệm cộng đồng và niềm tin vào sự phát triển bền vững. Đây là biểu tượng sinh động cho sự gắn kết giữa các địa phương, giữa thành thị và nông thôn, giữa hậu phương và tuyến đầu biên giới. Một chương trình nhân văn đã kết nối trái tim của hàng trăm con người, từ cán bộ, chiến sĩ, hội viên đến từng người dân vùng cao – cùng nhau dựng xây một vùng biên cương vững mạnh, nghĩa tình.

Nhiều mạnh thường quân tham gia chương trình đã không khỏi ngỡ ngàng trước điều kiện đời sống, vật chất của bà con. Họ luôn mong muốn được góp chút công sức, chung tay cùng cộng đồng để mong muốn cuộc sống của người dân ở vùng biên viễn ngày một tươi sáng hơn.

“Chúng tôi đến không chỉ để trao quà mà còn để lắng nghe, sẻ chia và đồng hành. Mỗi lần trở lại vùng biên là một lần thấy được sức sống mới, sự đổi thay tích cực từ những việc làm tưởng chừng nhỏ bé.”… một mạnh thường quân tâm sự.

Có thể khẳng định rằng, chương trình “Đồng hành cùng Phụ nữ biên cương” góp phần tôn vinh vai trò người phụ nữ nơi biên giới trong công cuộc giữ gìn biên cương Tổ quốc. Không chỉ là người gìn giữ ngọn lửa ấm trong gia đình, họ còn là những chiến sĩ thầm lặng góp phần vào an ninh trật tự, bảo vệ vùng đất thiêng liêng. Đó là hành trình của yêu thương, của niềm tin và trách nhiệm, là biểu tượng đẹp về tình quân dân keo sơn gắn bó, là niềm tin, là động lực và là tình yêu thương lan tỏa đến từng ngôi nhà nơi rẻo cao.

Hơn 480 triệu đồng được trao tặng qua nhiều hoạt động thiết thực như xây dựng 4 giếng nước cộng đồng phục vụ sinh hoạt, trao 35 mô hình sinh kế giúp phụ nữ phát triển kinh tế hộ gia đình, khám và cấp thuốc miễn phí cho hàng trăm người dân. Đó không chỉ là những món quà vật chất, mà còn là sự sẻ chia ấm áp giữa những tấm lòng nơi đô thị lớn với đồng bào vùng sâu, vùng xa.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc