Gia Lai: Thú vị giờ ra chơi không dùng điện thoại của học sinh
VHO - Nhằm khuyến khích học sinh (HS) gắn kết với nhau, tạo sân chơi thú vị, giảm căng thẳng sau những giờ học, cô Đỗ Thị Thu Thủy (giáo viên môn tiếng Anh, Trường THPT Pleiku, Gia Lai) đã đề xuất thực hiện mô hình giờ ra chơi không điện thoại cho các lớp học của trường.
Được phía nhà trường và phụ huynh ủng hộ, đề xuất của cô Thủy đã được thực hiện trong các lớp học tại nhà trường.
Toàn trường có 30 phòng học, mỗi phòng của các lớp đều được trang bị một chiếc tủ kính nhỏ, chia thành 9 ngăn, mỗi ngăn đều được lót vải nhung để tránh trường hợp điện thoại của các em HS bị trầy xước, tủ có chìa khóa cẩn thận.
Vào đầu giờ học, tất cả HS của các lớp sẽ bỏ điện thoại vào tủ, khi tan học mới nhận lại điện thoại.
Lớp trưởng sẽ là người phụ trách đảm bảo nề nếp, kiểm tra số lượng cho các thành viên trong lớp.
Trước khi thực hiện bỏ điện thoại vào tủ, các bạn HS sẽ được hướng dẫn tắt nguồn, phòng chống cháy nổ.
Trong trường hợp HS muốn liên hệ với gia đình hoặc có việc cần thiết sử dụng sẽ được lớp trưởng hỗ trợ. Khi phụ huynh muốn liên hệ với con thì có thể gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm hoặc ban quản lý HS của nhà trường.
Không còn cảnh mỗi HS sử dụng một chiếc điện thoại để lướt mạng xã hội hay chơi game mà giờ ra chơi của các bạn HS Trường THPT Pleiku đã trở nên nhộp nhịp, rộn ràng hơn với những trò chơi như: đá cầu, bóng chuyền, nhảy dây...
Đặc biệt, để giờ ra chơi của các bạn không bị nhàm chán, mỗi tuần sau tiết học thứ 1 của sáng thứ 5 và chiều thứ 7, những tiết mục văn nghệ sôi động do các bạn HS trong câu lạc bộ Văn hóa - Nghệ thuật của nhà trường lại được diễn ra tại sân trường.
Dưới nền nhạc vui tươi, các bạn HS trình diễn tiết mục flash mod với những động tác mạnh mẽ, đồng đều, đẹp mắt.
Bên cạnh đó các tiết mục trình bày các bài hát mang âm hưởng sôi động và tiếng hò reo, vỗ tay cổ vũ của các HS từ các lớp khiến cho sân trường như một sân khấu ca nhạc thu nhỏ.
Không chỉ vậy, các em còn được tham gia các trò chơi vui nhộn khác do CLB Văn hóa - Nghệ thuật tổ chức như: hỏi nhanh đáp nhanh, nghe nhạc đoán tên...
Khi tất cả các HS đều hướng về sân trường theo dõi các tiết mục thì trong tủ nhỏ, những chiếc điện thoại trở thành những đồ vật tạm thời bị quên lãng và không còn được ai để ý tới.
Em Trần Hồ Minh Quân (lớp12C1) chia sẻ: “Em thấy hoạt động giờ ra chơi không điện thoại của nhà trường rất thiết thực và bổ ích.
Khi các bạn không dùng điện thoại thì sẽ có thời gian trò chuyện, gắn kết với nhau hơn. Hơn nữa giờ ra chơi còn có các tiết mục văn nghệ rất hay và sáng tạo, giúp các bạn đỡ nhàm chán hơn khi không sử dụng điện thoại”.
Cô Thủy cho biết: “Thời gian đầu khi đưa ra mô hình giờ ra chơi không điện thoại, hầu như các bạn HS đều tuân thủ và thực hiện, nhưng trong đó vẫn còn một số ít HS thấy không thoải mái và khó chịu khi không được sử dụng điện thoại trong giờ giải lao.
Nhưng dần dần các bạn học sinh quen với nề nếp và hưởng ứng một cách vui vẻ, nghiêm túc.
Mỗi giờ lên lớp, giáo viên không còn phải lo lắng các em làm việc riêng trong lớp như trước kia nữa.
Khi giao bài tập cho các em, giáo viên cũng sẽ biết rõ năng lực của các em hơn. Hoạt động này đang mang lại hiệu quả tích cực, thành tích học tập của các em HS cũng trở nên tốt hơn.”
Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT tạo ban hành điều lệ trường THCS, THPT cho phép HS từ ngày 1.11.2020 được sử dụng điện thoại trong lớp phục vụ việc học tập nhưng phải được giáo viên đồng ý.
Với quy định này, HS có thể mang điện thoại thông minh vào trường học với mục đích hỗ trợ tra cứu tài liệu, kết nối nhóm làm bài tập, sử dụng các phần mềm tiên tiến để bổ trợ việc học…
Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng điện thoại thông minh trong thời gian học tập tại trường đang được giáo viên cảnh báo tiềm ẩn nhiều yếu tố liên quan công tác quản lý, dẫn đến giảm chất lượng giáo dục.
Tình trạng HS thiếu tương tác với nhau, không kết nối với các hoạt động giáo dục chung ngoài lớp học, lười vận động, do chỉ chăm chú vào điện thoại trong những giờ nghỉ giải lao khiến giáo viên lo ngại.
Bên cạnh đó, việc sử dụng điện thoại không văn minh, gây mâu thuẫn trên mạng xã hội dẫn tới những hành vi bạo lực học đường đang gia tăng mạnh cũng ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sư phạm.
Trước những tình trạng này, từ cuối tháng 10.2024 Trường THPT Pleiku là một trong những trường tiên phong trong hoạt động “Giờ ra chơi không điện thoại”
Theo cô Nguyễn Thị Đông Hải - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Pleiku, được sự đồng tình và thống nhất của giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh và các em HS nên việc quản lý điện thoại di động của HS khi tới trường học và trong giờ học đã được triển khai trong toàn trường.
“Việc làm này đã góp phần giúp các em HS tập trung hơn trong giờ học, tăng thời gian giao tiếp, trao đổi hơn với bạn bè trong giờ ra chơi, tích cực tham gia các hoạt động thể thao.
Bên cạnh đó, giúp các em HS nâng cao ý thức, trách nhiệm với việc sử dụng điện thoại một cách đúng lúc, đúng chỗ, hiệu quả, hợp lý và khoa học, để phát triển toàn diện về thể chất, tâm lý, nhân cách.
Hoạt động này đang được Ban Giám hiệu triển khai thành quy định trong nội quy nhà trường”, cô Hải chia sẻ thêm.