Gặp gỡ nhà báo - nhiếp ảnh gia Nick Út

VHO - Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, thế nhưng nhà báo - nhiếp ảnh gia Nick Út vẫn di chuyển liên tục qua nhiều quốc gia. Trong chuyến về Việt Nam vào những ngày tháng 4 này, chúng tôi may mắn được trò chuyện với ông. Vẫn không thoát khỏi những câu chuyện cũ, xung quanh bức ảnh nổi tiếng thế giới “Em bé Napalm” của ông và cuộc đời của nhân vật Kim Phúc.

Gặp gỡ nhà báo - nhiếp ảnh gia Nick Út - Anh 1

Nhà báo Nick Út trong một lần được gặp Đại tướng Võ Nguyễn Giáp

Buổi trò chuyện của chúng tôi cùng nhà báo Nick Út diễn ra trong không gian ấm áp tại lớp học cùng với các sinh viên lớp Báo chí chất lượng cao Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TP.HCM), vì thế mà không khí trở nên sinh động hơn những buổi phỏng vấn thông thường. Có thể nói, buổi giao lưu cũng là giờ học hiếm hoi quý giá khi các sinh viên được một nhà báo quốc tế kỳ cựu truyền đạt nhiều kinh nghiệm trong công tác làm báo, tác nghiệp để trở thành nhà báo chuyên nghiệp. Nhà báo Nick Út đã chia sẻ cơ duyên anh đến với nhiếp ảnh và sau này trở thành phóng viên ảnh tại hãng tin AP (Associated Press). 

Tại buổi trò chuyện, nhiều sinh viên bày tỏ niềm vui và ngạc nhiên khi lần đầu được gặp thần tượng. Ở ông, vừa nghiêm túc nhưng vẫn toát lên nét hóm hỉnh, vì thế mà trông ông trẻ hơn rất nhiều so với độ tuổi 73. Với phong cách giản dị, gần gũi, lối chia sẻ thân tình, nhà báo Nick Út đã cung cấp cho sinh viên nhiều kiến thức, kinh nghiệm sống làm hành trang quý giá để tác nghiệp, quan trọng nhất là đã tiếp thêm động lực để các bạn trẻ theo đuổi đam mê với nghề báo. Ông cũng là một trong nhà báo tác nghiệp trên nhiều mặt trận, từ phóng viên chiến trường cho đến những lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, quốc tế, chính trị, xã hội hôm nay… Và giờ đây, mỗi lần về Việt Nam, ống kính ông dường như dồn hết vào phong cảnh, con người quê hương mình. 

Gặp gỡ nhà báo - nhiếp ảnh gia Nick Út - Anh 2

Tác nghiệp cùng các phóng viên quốc tế

Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, ông “khoe” nhiều bức ảnh đẹp vừa chụp tại Hà Nội trong những ngày đầu tháng 4.2023, trong đó phần lớn là những khoảnh khắc xung quanh Hồ Hoàn Kiếm. Đó là cảnh người dân Hà Nội vui vẻ trong đời sống thường nhật, họ nhâm nhi bên ly trà ấm của buổi sáng yên bình, đó là những phụ nữ tạo dáng trong tà áo dài dưới những tầng liễu rũ, hay mấy người bạn già ngồi mạn đàm với nét mặt tươi vui hạnh phúc,… 

Ông bảo ông rất yêu Hà Nội và dành nhiều tình cảm cho nơi này. Ông yêu từ con người đến cảnh vật, chính vì thế mà ngay khi đặt chân đến đây, chất liệu cứ ngồn ngộn hiện ra và ông chỉ việc thu hết vào ống kính. Ông nói mình tìm thấy sự yên bình trong từng góc nhỏ của đường phố Hà Nội, dẫu trải qua bom đạn nhưng đất và người nơi đây vẫn hiền hòa, tử tế.

“Có những bức ảnh tôi chụp có sự sắp đặt, nhưng hầu hết là bắt khoảnh khắc và chụp một cách tự nhiên nhất, và thông thường những bức ảnh ra đời trong bối cảnh như vậy luôn có giá trị hơn rất nhiều”, nhà báo Nick Út chia sẻ. “Có phải ông muốn nói đến bức ảnh “Em bé Napalm”? - chúng tôi hỏi lại. Thế là câu chuyện của chúng tôi quay về chủ đề ban đầu. 

Gặp gỡ nhà báo - nhiếp ảnh gia Nick Út - Anh 3

Trong buổi lên lớp giao lưu cùng sinh viên; ảnh: T.TRANG

Nhà báo Nick Út trầm tư nhớ lại, bức ảnh chụp năm 1972 ghi lại khoảnh khắc cô bé Phan Thị Kim Phúc khi đó mới 9 tuổi, hoảng loạn bỏ chạy cùng một số đứa trẻ khác bởi bị trúng bom Napalm tại Tây Ninh. Ông đã mô tả bối cảnh bức ảnh ra đời và kể lại câu chuyện cảm động, nhân văn phía sau khi ông tìm cách đưa những đứa trẻ bị thương bởi bom đạn tới bệnh viện cứu chữa kịp thời. Cũng chính tác phẩm này, Nick Út là người Việt Nam duy nhất và là người trẻ tuổi nhất trong lịch sử được trao giải thưởng báo chí Pulitzer danh giá, tính đến thời điểm này. Ngoài ra, ông cũng được trao nhiều giải thưởng quốc tế uy tín khác.

Có thể khẳng định, tác phẩm “Em bé Napalm” đã làm thay đổi cuộc đời ông và nhân vật, cũng như thay đổi cả thế giới. “Sau 50 năm thì bức ảnh đó có ý nghĩa gì với thầy?”- Một sinh viên hỏi. “Bức hình đó không bao giờ là quên lãng của thế giới. Bức ảnh mang thông điệp yêu chuộng hòa bình và phản đối chiến tranh” - nhà báo kỳ cựu chia sẻ và cho biết, cho đến nay bức ảnh vẫn được mọi người nhắc đến để khắc họa cho sự khốc liệt của chiến tranh. Theo nhà báo Nick Út, “Đã hơn 50 năm kể từ khi bức ảnh “Em bé Napalm” được mọi người biết đến, mỗi khi nhìn lại bức ảnh đó, tôi vẫn có cảm giác sợ hãi và không muốn nhắc đến hai từ chiến tranh. Nỗi ám ảnh nhất của tôi chính là tiếng khóc lóc và sự trần trụi của những đứa trẻ con ngày đó, trong đó có cô bé Kim Phúc - nhân vật chính của bức ảnh. Lúc này, trước cơn bom rơi đạn nổ, tôi đã cố gắng ghi lại những khoảnh khắc diễn ra trước mắt mình, một cảnh tượng hết sức kinh hoàng… Cũng chính vì tác nghiệp trong hoàn cảnh như thế nên người ta mới bảo rằng nghề báo là nghề nguy hiểm vì trong hoàn cảnh nào cũng phải chạy lên trên trước, để ghi lại khoảnh khắc đáng giá. Làm báo phải nhạy bén lựa chọn những hình ảnh tiêu biểu để nói lên cục diện cuộc chiến”, ông nhấn mạnh. 

Gặp gỡ nhà báo - nhiếp ảnh gia Nick Út - Anh 4

Nhà báo Nick Út chụp ảnh cùng trẻ em Việt Nam

Rồi ông cũng hài hước kể: “Sau này khi xem bức ảnh, Kim Phúc giận tôi bảo: Sao chú chụp hình mà con không mặc quần áo gì, trông kỳ quá... Nói thế thôi nhưng cô cảm động cám ơn, và nói nếu lúc đó không có chú thì con đã chết rồi”. Ông kể tiếp: “Lúc đó, có mười mấy nhà báo quốc tế đứng bên đường quốc lộ, trong đó có tôi. Phần lớn nhà báo có mặt khi đó nghĩ khoảnh khắc đứa bé không qua khỏi trên tay người bà mới là bức ảnh “đắt giá”, có sức mạnh tố cáo tội ác của chiến tranh. Một mặt, tôi cũng chụp cảnh đó như đồng nghiệp của mình, nhưng mặt khác, khi hướng về phía chùa Cao Đài, thấy một bầy nhỏ chạy theo sau, trong đó có một cô bé trần truồng vừa chạy vừa gào thét giữa đường. Tôi tự hỏi không biết vì sao em bé này không mặc quần áo. Tôi chụp rất nhiều. Khi đến gần thì mới tá hỏa khi thấy tay em vẫn đang cháy. Tôi không chụp nữa vì nghĩ nếu tôi cứ đứng chụp, cô bé này sẽ chết mất. Tôi kiếm nước tưới vào cô. Kim Phúc mới hét lên: “Chú đừng tưới nước nữa. Con muốn uống nước”. Tôi mới mượn tạm một chiếc áo mưa che lại cho em bớt nóng. Sau đó, tôi kêu lái xe chở em đến một bệnh viện ở Củ Chi, vừa đi mà tôi cứ lo sợ cô bé chết giữa đường…”. 

Được biết, “Em bé Napalm” Kim Phúc ngày nào bây giờ là đại sứ Hòa bình UNESCO tại Canada. 

Gặp gỡ nhà báo - nhiếp ảnh gia Nick Út - Anh 5

Nhà báo Nick Út, Kim Phúc và Tổng thống Cộng hòa Costa Rica Rodrigo Chaves. Bức ảnh chụp ngày 17.4.2023 nhân chuyến ông và Kim Phúc ở Costa Rica giới thiệu ấn bản tiếng Tây Ban Nha đầu tiên của cuốn sách La Ruta del Fuego, kể lại lời chứng của Phúc và mang thông điệp hòa bình cho thế giới

Trong buổi trò chuyện, nhà báo kỳ cựu chia sẻ thêm với sinh viên những cách tác nghiệp nhanh, hiệu quả, cũng như những cơ hội, niềm vui với nghề trong hơn 50 năm qua, cả khi tác nghiệp trong chiến trường và vào thời bình hôm nay. Nhà báo Nick Út cũng kể lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong mấy mươi năm làm việc cho hãng AP khi chụp các phiên xét xử liên quan tới các nghệ sĩ nổi tiếng của Hollywood như Paris Hilton, Mike Tyson, Marlon Brando... và cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới như Nữ hoàng Anh Elizabeth II, Đức Giáo hoàng Pope Francis, Tổng thống Mỹ Donald Trump,… và tất nhiên không thể thiếu các vị lãnh đạo Việt Nam mà ông luôn ngưỡng mộ như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình,… Theo Nick Út, chính nhờ sự yêu nghề và niềm đam mê mãnh liệt với nghề báo, nên đã gắn kết ông với cái nghề được đánh giá là vô cùng nguy hiểm này. Tất nhiên, cạnh đó, nghề báo và nhiếp ảnh đã mang lại cho ông sự vinh quang và niềm hạnh phúc như hôm nay, đó chính là động lực, ngọn lửa để ông theo đuổi không mệt mỏi.

Gặp gỡ nhà báo - nhiếp ảnh gia Nick Út - Anh 6

Nhà báo Nick Út giao lưu và chụp ảnh lưu niệm cùng sinh viên báo chí tại TP.HCM

Nhắn nhủ đến các sinh viên, ông nói: “Các em hãy quan sát và chụp tất cả những khoảnh khắc xung quanh mình, bởi có thể những khoảnh khắc tưởng như vô tình đó sẽ mang lại cho mình những điều có ý nghĩa, nhưng trước hết, các bức ảnh đó là những câu chuyện, cảnh đời, là diễn biến cuộc sống xã hội… Đó chính là chất liệu mà những nhà báo cần phải luôn quan sát và nhạy bén bắt kịp, góp nhặt làm hành trang cho công việc của mình…”. 

THÙY TRANG; ảnh: NVCC

Ý kiến bạn đọc