Gần hết thời hạn, vì sao vẫn chưa cưỡng chế các hộ dân vi phạm đất rừng Sóc Sơn?
VHO- Chỉ còn vài ngày nữa là hết tháng 11, nghĩa là hết thời hạn cưỡng chế các hộ dân vi phạm đất rừng Sóc Sơn, Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay, cả khu vực rừng phòng hộ - đặc dụng Sóc Sơn vẫn yên tĩnh như chưa hề có lệnh cưỡng chế tháo dỡ các công trình vi phạm trên diện tích đất rừng. Nguyên nhân, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội – ông Chu Phú Mỹ là do “nguồn gốc đất ở đây phức tạp, nên huyện chưa tổ chức cưỡng chế”.
Chia sẻ với báo chí bên lề Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội ngày 28.11, Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội cho biết, nguyên nhân của việc chưa tiến hành cưỡng chế các công trình xây dựng vi phạm trong khu vực đất rừng phòng hộ - đặc dụng Sóc Sơn là do “Nguồn gốc đất ở đây phức tạp” nên đang đợi kết luận thanh tra toàn diện của Thanh tra Thành phố.
Theo thông tin từ ông Mỹ, tại huyện Sóc Sơn có hơn 4.000 ha rừng phòng hộ, trong đó huyện quản lý hơn 2.000ha, Ban quản lý rừng (trực thuộc Sở NN&PTNT) quản lý 2.000ha. Những sai phạm ở thôn Lâm Trường, xã Minh Phú tập trung chủ yếu trên diện tích đất rừng do BQL rừng Sóc Sơn quản lý.
Trước những sai phạm này, UBND huyện Sóc Sơn đã ra văn bản chỉ đạo UBND xã Minh Phú phối hợp với các đơn vị chức năng xử lý dứt điểm vi phạm xây dựng trên đất rừng phòng hộ - đặc dụng trong tháng 11. 18 công trình vi phạm xây dựng đều nằm ở thôn Lâm Trường.
Đối với 27 công trình vi phạm đất rừng phòng hộ - đặc dụng tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí, bên cạnh tiếp tục tạm đình chỉ thi công các công trình, địa phương đang tích cực phối hợp với Thanh tra TP rà soát lại việc chuyển nhượng, cấp giấy phép xây dựng.
Tuy nhiên, theo các thông tin trước đó từ các cơ quan chức năng của xã, huyện, thành phố thì nhiều hộ dân đang sinh sống và có công trình xây dựng trong khu vực rừng Sóc Sơn đều được cấp sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), trong đó có cả sổ đỏ cấp cho đất ở lâu dài. Theo ông Mỹ, nhiều trường hợp hồ sơ giao đất không đúng quy định vì đã cấp đất ở vào khu vực đất rừng. “Người dân được giao đất để trồng rừng, chứ không phải để ở. Thế mới dẫn đến vấn đề những trường hợp cấp sổ đỏ vào đất rừng là sai” – ông Mỹ nhận định.
Đối với những công trình vi phạm tại thôn Lâm Trường, hiện BQL rừng Sóc Sơn đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho chính quyền huyện nghiên cứu để đưa ra phương án xử lý theo quy định. “Những hộ nào phát sinh sai phạm, BQL rừng phải mời xã vào cùng lập hồ sơ vi phạm, sau đó gửi lên huyện xử lý” – ông Mỹ cho biết.
Giám đốc Sở NN&PTNT cũng khẳng định, về nguyên tắc thì không được xây nhà trên đất lâm nghiệp. Do đó, sau khi có kết luận thanh tra về sai phạm trong việc quản lý đất rừng thì “chúng tôi sẽ làm rõ trách nhiệm từng người” – ông Mỹ nhấn mạnh.
NGUYỄN HOÀNG