Metro Bến Thành - Suối Tiên:
Đưa TP.HCM bước vào kỷ nguyên giao thông công cộng bền vững
VHO - Việc ra mắt tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên vào ngày 22.12.2024 đánh dấu cột mốc quan trọng trong hệ thống giao thông của TP.HCM, đồng thời mở ra cơ hội để xây dựng một biểu tượng đô thị hiện đại. Đây là bước đi khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng bền vững.
Biểu tượng của sự đổi mới và hiện đại hóa
Tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên không chỉ đơn giản là một phương tiện giao thông, mà còn là một biểu tượng của sự đổi mới và hiện đại hóa. Tuy nhiên, sự thành công của tuyến Metro này không chỉ phụ thuộc vào khả năng vận hành trơn tru mà còn vào việc người dân có sẵn sàng chuyển từ việc sử dụng xe cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng hay không.
PGS Giannina Warren, Chủ nhiệm bộ môn cấp cao ngành Truyền thông chuyên nghiệp tại RMIT Việt Nam nhấn mạnh rằng, để Metro trở thành một phần của cuộc sống đô thị thường nhật, điều cốt lõi là cần xây dựng thương hiệu mạnh, nâng cao nhận thức và khuyến khích thay đổi hành vi.
“Metro không chỉ là một dự án giao thông mà cần được nhìn nhận như một biểu tượng của thành phố - biểu tượng của hiện đại hóa, bền vững và tự hào đô thị”, PGS chia sẻ.
Để Metro không chỉ đơn thuần là phương tiện di chuyển mà trở thành một biểu tượng đô thị, chuyên gia cho rằng cần xây dựng thương hiệu Metro thành một hình ảnh thu hút công chúng. Metro Bến Thành - Suối Tiên nên được xem là “biểu tượng của đổi mới, bền vững và lối sống hiện đại”, với trọng tâm là tác động xã hội thay vì chỉ là các tính năng kỹ thuật.
Thương hiệu của Metro không chỉ dừng lại ở hình ảnh của đoàn tàu, mà còn là toàn bộ trải nghiệm của người dùng, từ thiết kế nhà ga đến các ứng dụng mua vé trực tuyến.
PGS Warren đề xuất sử dụng các hình ảnh quảng cáo sống động, hiện đại và kết nối cộng đồng tại các ga tàu và trên các nền tảng mạng xã hội để thể hiện Metro như một giải pháp thông minh, dễ tiếp cận và hướng tới tương lai.
“Khi cảm thấy tự hào về điều gì, mọi người có xu hướng ủng hộ điều đó. Metro có tiềm năng trở thành niềm tự hào của TP.HCM”, PGS Giannina Warren khẳng định.
Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi sử dụng Metro
Việc xây dựng thương hiệu mạnh là chưa đủ, người dân cần nhận thức được những lợi ích thực tế khi sử dụng Metro. Theo đó, các chiến dịch tiếp cận công chúng nên tập trung vào những động lực thúc đẩy người dân sử dụng Metro, chẳng hạn như tiết kiệm thời gian, giảm chi phí và bảo vệ môi trường.
Thông điệp cần được tùy chỉnh cho từng nhóm tuổi và lối sống khác nhau. Giới trẻ, ví dụ, thường hoạt động tích cực trên các nền tảng như TikTok, Instagram và YouTube, trong khi thế hệ lớn tuổi hơn có xu hướng tiếp nhận thông tin qua TV, radio hoặc báo in.
Các video chia sẻ “một ngày với Metro” từ sinh viên hay nhân viên văn phòng có thể truyền cảm hứng cho nhiều người khác làm theo.
Hợp tác với lãnh đạo địa phương, trường học và các nhóm cộng đồng cũng là một cách hiệu quả để kết nối cộng đồng và thúc đẩy sự ủng hộ cho Metro.
Trường học có thể tổ chức các chuyến đi thực tế cho học sinh, trong khi cộng đồng có thể tổ chức các chuyến tham quan để người dân làm quen với tuyến giao thông này.
Tuy nhiên, nhận thức thôi là chưa đủ. Để thay đổi hành vi lâu dài, cần có những tác động tinh tế. Theo chuyên gia, thúc đẩy hành vi có thể thực hiện đơn giản qua những lời nhắc nhở trực quan hoặc qua các tín hiệu tinh tế.
Những biển hiệu như “Chỉ mất 15 phút để đến trung tâm thành phố” hoặc các chỉ số CO2 đã tiết kiệm được có thể khích lệ hành khách tiếp tục sử dụng phương tiện công cộng.
Một yếu tố quan trọng khác là kết nối chặng cuối. Nếu hành trình từ ga Metro đến nhà hoặc nơi làm việc không thuận tiện, người dân có thể quay lại với phương tiện cá nhân. PGS Warren đề xuất hợp tác với các dịch vụ xe công nghệ, chia sẻ xe đạp và xe buýt trung chuyển để đảm bảo kết nối liền mạch.
Metro là một phần quan trọng trong hệ thống giao thông công cộng của TP.HCM, và là yếu tố góp phần tạo dựng hình ảnh thương hiệu của thành phố.
Được truyền tải tốt, thương hiệu Metro không chỉ nhấn mạnh sự tiện lợi trong di chuyển mà còn phản ánh cam kết của thành phố đối với sự phát triển bền vững và năng động.
Bà Giannina Warren nhận định: “Cơ sở hạ tầng công cộng đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải bản sắc và khát vọng của thành phố. Metro của TP.HCM có thể trở thành biểu tượng mạnh mẽ cho sự đổi mới, cơ hội và chất lượng cuộc sống”.
Câu chuyện về Metro, nếu được tích hợp vào chiến lược thương hiệu tổng thể của thành phố, sẽ giúp TP.HCM củng cố vị thế là một thành phố hiện đại, năng động, và thân thiện với môi trường.
TP.HCM có thể học hỏi từ các thành phố lớn trên thế giới như Tokyo, London và Singapore trong việc quảng bá phương tiện công cộng.
Tokyo xây dựng niềm tin với người dân qua sự đúng giờ, London đảm bảo sự liền mạch trong di chuyển với thẻ Oyster, và Singapore đã thành công trong việc quảng bá MRT như một hệ thống giao thông hiện đại, nhanh chóng và an toàn.
Các chiến dịch truyền thông sáng tạo tại các thành phố này đã khơi dậy sự chú ý và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng.