“Đột kích” đại công trường khai thác quặng trái phép

VH- Hàng chục ha rừng phòng hộ đầu nguồn (thuộc thôn Tà Mơ, xã Khánh Thành, Khánh Vĩnh) đã bị “lâm tặc” triệt hạ. Không chỉ dừng lại ở đó, bọn chúng đã đào hàng trăm hầm hố, xới tung nhiều quả đồi tại khu vực này để khai thác trái phép quặng vonfram. Rừng “chảy máu”, nước đầu nguồn ô nhiễm đe dọa nghiêm trọng môi trường, cuộc sống người dân.

Cuối tuần qua, nhóm phóng viên Văn Hóa khởi hành từ trung tâm xã Khánh Thành vượt qua 4 con suối và chặng đường gần 20 km đồi dốc, đất đá lổn nhổn, trơn “như mỡ” chúng tôi đã tiếp cận bãi khai thác quặng vonfram trái phép. Nó trông như một “đại công trường sa tặc” thuộc tiểu khu 193 và 203 (rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc thôn Tà Mơ).

 

“Đột kích” đại công trường khai thác quặng trái phép - Anh 1

PV Văn Hóa chụp với những cây gỗ lớn mới bị triệt hạ

Tan hoang một khu rừng phòng hộ

Dọc con đường mòn vào bãi quặng, những vệ rừng đã bị “tàn sát”, đốn hạ tự bao giờ. Rừng nơi đây chỉ còn trơ lại sườn đất, người dân đã dựng lán trại nhằm “biến rừng thành rẫy”. Xâm nhập vào bãi quặng, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp một số đối tượng dùng xe gắn máy “chế độ” chở theo những khối gỗ xẻ hộp hình khối chạy nghênh ngang. Vào sâu hơn khu rừng tiếp giáp với bãi quặng, cây gỗ bị đốn hạ ngổn ngang, nhiều cây to đường kính từ 40-60 cm đã bị cắt khúc phơi khô đầy đường… Nhiều vị trí trên tại khu rừng tiếp giáp bãi quặng vẫn còn dấu vết của những cây gỗ lớn vừa bị xẻ, cưa, gỗ hộp đã vận chuyển đi chỉ còn lại những bìa gỗ tấp thành đống, vết mùn cưa còn tươi mới. Tiến sát vào bãi quặng nhiều cây gỗ lớn vỏ còn tươi như vừa bị chặt hạ nằm la liệt, mủ, nhựa từ cây ứa ra mùi hăng hắc.

 Khác với cách trả lời của cơ quan chức năng, tại hiện trường thuộc tiểu khu 193, 203 chúng tôi phát hiện nhiều hầm hố đào quặng còn mới, cây rừng bị triệt hạ rất nhiều, quy mô rộng lớn. Câu hỏi đặt ra, có phải trình trạng khai thác quặng chỉ diễn ra lén lút? Điều đáng nói tại hai tiểu khu trên có một chốt canh gác lúc nào cũng có 4-5 đồng chí công an xã Khánh Thành và lực lượng của xã này gác 24/24 nhưng tại sao phá rừng, khai thác quặng vẫn diễn ra.

Hiện trường bãi quặng là một quả đồi lớn có diện tích hàng chục ha. Từ chân kéo lên đến đỉnh đồi bề mặt đất bị xới tung và có hàng trăm hầm hố sâu hoắm. Toàn bộ quả đồi như “đại công trường” tan nát, nham nhở. Người dân bản địa cho biết, những hầm hố trên là do rất nhiều người thuộc các tỉnh phía Bắc và miền Trung vào đây khai thác quặng vonfram trái phép. Một số người dân tại địa phương ngày ngày vẫn đi đào đãi quặng mà không thấy ai ngăn chặn. Nhiều cây cổ thụ tại khu đồi này bật gốc, bật rễ nằm phơi khô do gốc bị đào khoét sâu. Phía dưới chân đồi là những hố nước lớn đặc quánh bùn đất do “sa tặc” đắp lại để ngăn nước bùn đào đãi quặng vonfram tràn xuống suối, đổ về hạ nguồn sông Cái. Cứ mỗi trận mưa lớn người dân phía hạ nguồn lại “lãnh đủ” bởi những hố nước bùn này vỡ ra, những “bom bẩn” tràn xuống sông suối, cuốn theo dòng nước gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

“Đột kích” đại công trường khai thác quặng trái phép - Anh 2

Quả đồi bị đào bới tan tành

“Đột kích” đại công trường khai thác quặng trái phép - Anh 3

“Máu rừng” đang chảy

“Đột kích” đại công trường khai thác quặng trái phép - Anh 4

 Rừng bị đào bới ngổn ngang

Do mới về công tác nên…

Qua thu thập chứng cứ thực địa cùng với những nguồn tài liệu đáng tin cậy, phóng viên Văn Hóa đã trao đổi với ông Nguyễn Danh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh về sự tàn phá rừng đặc biệt nghiêm trọng này, cũng như nạn đào phá khai thác quặng trái phép. Nhưng ông Danh chỉ cho biết: “Tình trạng phá rừng khai thác quặng trái phép tại thôn Tà Mơ, xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh đã diễn ra từ nhiều năm nay. Khu vực rừng bị phá được xác định thuộc tiểu khu 193 và 203, thuộc lâm phận do Công ty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hòa quản lý”. Khi chúng tôi đặt câu hỏi diện tích rừng bị phá cụ thể thế nào thì ông Danh nói rất ngắn gọn kiểu như mình không hề có trách nhiệm gì: Do mới về nhận công tác được vài tháng nên vẫn chưa nắm bắt được tình hình.

Bà Cao Thi Thêm, Chủ tịch UBND xã Khánh Thành cho biết: “Tình trạng khai thác quặng trái phép tại địa bàn diễn ra từ năm 2012 khá phức tạp. Hơn nữa khu vực khai thác quặng trái phép hiểm trở, đồi núi khó đi. Trước tình hình đó, lực lượng chức năng huyện Khánh Vĩnh, Công an tỉnh vào cuộc quyết liệt xua đuổi các đối tượng khai thác quặng ra khỏi khu vực nên đã giảm đi rất nhiều. Hiện nay, vẫn còn một số người dân đi đào đãi quặng lác đác”.

“Đột kích” đại công trường khai thác quặng trái phép - Anh 5

 Hồ chứa bùn đất đào đãi vonfram

Trong khi đó, ông Dương Văn Hải, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Khánh Thành cho biết: “Năm 2012 đoàn khảo sát địa chất thuộc Bộ TN&MT tiến hành khoan khảo sát và xác định khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn xã Khánh Thành có quặng vonfram. Trước thông tin đó, rất nhiều người từ khắp nơi đã đổ về khu vực trên đào quặng dẫn đến tình hình rất phức tạp, mất an ninh trật tự. Do lực lượng chức năng vào cuộc kịp thời nên tình trạng trên đã được ngăn chặn. Hiện nay có khoảng 20 hộ dân nghèo ở địa phương không có việc làm nên thường lén lút đi đào đãi quặng, kiếm sống qua ngày, do trữ lượng quặng ít nên mỗi người một ngày chỉ đào đãi được khoảng 0,5 đến 1 kg quặng vonfram, giá bán khoảng 170.000 đồng/kg”.

Khác với cách trả lời của cơ quan chức năng, tại hiện trường thuộc tiểu khu 193, 203 chúng tôi phát hiện nhiều hầm hố đào quặng còn mới, cây rừng bị triệt hạ rất nhiều, quy mô rộng lớn. Câu hỏi đặt ra, có phải trình trạng khai thác quặng chỉ diễn ra lén lút? Điều đáng nói tại hai tiểu khu trên có một chốt canh gác lúc nào cũng có 4-5 đồng chí công an xã Khánh Thành và lực lượng của xã này gác 24/24h nhưng tại sao phá rừng, khai thác quặng vẫn diễn ra?

Khi được hỏi về việc khai thác quặng trái phép, nhiều người dân tại địa phương nghi ngờ có thế lực “chống lưng”, “bảo kê” cho “sa tặc”. “Tình trạng khai thác quặng trái phép ở xã Khánh Thành ai lại không biết, cứ nhìn nguồn nước sinh hoạt là biết ngay, cứ đào bới trên kia thì dưới làng nước đục ngầu. Chỉ có “bảo kê” thì mới có thể khai thác khoáng sản trái phép như thế, không “bảo kê” ai dám vào đó. Đề nghị cơ quan chức năng phải sớm tìm ra thế lực “chống lưng” và nghiêm trị trước pháp luật, không thể “một tay che cả trời” mãi được. Rừng bị phá, nước bị ô nhiễm, mà nước là nguồn sống của người dân cả huyện này”, ông H, một người dân tại địa phương bức xúc. 

 ​ “Lâm tặc” hành hung kiểm lâm để cướp gỗ

Công an huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), đang thụ lý điều tra vụ hàng chục đối tượng ngang nhiên hành hung nhân viên kiểm lâm để cướp lại gỗ. Vụ việc xảy ra vào đêm 14.3. Theo ông Nguyễn Phước Bảo Cảnh, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm (huyện Cam Lâm), khoảng 20 giờ 30 đêm 14.3, lực lượng Trạm Quản lý Bảo vệ rừng Sơn Tân phối hợp với Trạm Kiểm lâm Cam Tân (Hạt Kiểm lâm Cam Lâm), lúc đang tuần tra phát hiện 11 khúc gỗ xẻ hộp, không có dấu búa kiểm lâm.Trong lúc đưa gỗ về để xử lý xuất hiện một số đối tượng dùng đá ném, tốp khác cắt lốp xe của lực lượng chức năng. Đến khoảng 23 giờ, một nhóm khoảng hơn 20 người cầm rựa, búa, gậy gộc kéo đến, bao vây, khống chế lực lượng chức năng. Những người này đánh ông Tạ Văn Trung, Trạm trưởng Trạm Quản lý Bảo vệ rừng Sơn Tân và ông Trần Quốc Điền, nhân viên bị thương tích. Sau đó nhóm người này kéo gỗ xuống khỏi xe, lấy đi một bình xịt hơi, 5 xe gắn máy bị phá hoại, đồng thời khống chế các nhận viên kiểm lâm. “Lúc xông vào đánh, cướp gỗ, những người này liên tục thách thức, hù dọa nếu dám lấy gỗ của chúng về”, ông Trung nói thêm.

Cũng theo ông Cảnh, sáng 16.3, lực lượng của Trạm Kiểm lâm Cam Tân và Trạm Quản lý Bảo vệ rừng Sơn Tân tiếp tục phát hiện 11 khúc gỗ đang được cất giấu cách hiện trường đêm 14.3 chừng 50m. Vụ việc đang được Hạt Kiểm lâm Cam Lâm, phối hợp với Công an huyện Cam Lâm điều tra, xử lý. L.XUÂN

 

XUÂN HƯỚNG

 

 

Ý kiến bạn đọc