Đề thi tăng tính thực tiễn - cần đổi mới cách dạy và học

VHO - Tại hai kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025 của Hà Nội, các đề thi đều được ra theo hướng đánh giá năng lực, tăng tính thực tiễn, giảm học thuộc lòng. Thực tế này khiến các học sinh vào lớp 9 và lớp 12 năm học tới cần sớm điều chỉnh cách học. Đồng thời, nhà trường cần đổi mới phương pháp giảng dạy, hỗ trợ học sinh chuẩn bị vững vàng cho các kỳ thi năm 2026.

Đề thi giúp loại bỏ tình trạng học lệch, học tủ

Thí sinh bàn luận sau khi kết thúc các môn thi buổi sáng 27.6.2025. Ảnh: Lưu Niệm/Báo tin tức và Dân tộc
Thí sinh bàn luận sau khi kết thúc các môn thi buổi sáng 27.6.2025. Ảnh: Lưu Niệm/Báo tin tức và Dân tộc

Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông năm học 2025 - 2026 tại Hà Nội, lần đầu tiên đề thi môn Ngữ văn đã sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa - đoạn trích “Hạnh phúc” của nhà thơ Giang Nam, một tác phẩm giàu tính nhân văn. Điều này không quá bất ngờ với học sinh bởi đã được làm quen từ sớm. Việc chọn lựa này không chỉ giúp loại bỏ tình trạng học sinh học lệch, học tủ, học thuộc lòng mà còn khuyến khích các em phát triển kỹ năng đọc hiểu, có tư duy phản biện và quan trọng là biết thể hiện quan điểm cá nhân.

Theo cô Lê Thị Lan Dung, giáo viên môn Ngữ văn Trường Trung học Cơ sở Dịch Vọng (phường Cầu Giấy, Hà Nội), để làm tốt bài thi môn Ngữ văn, đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các học sinh cần nắm chắc kiến thức, kỹ năng làm bài, kỹ năng đọc hiểu, đặc biệt là các thể loại văn học. Bên cạnh đó, kiến thức xã hội, kiến thức nền là điều rất quan trọng đối với thí sinh.

“Từ khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cách dạy cô đọc, trò chép đã không còn tồn tại. Thay vào đó, các giáo viên tập trung rèn cho học sinh kỹ năng làm bài, trang bị vốn hiểu biết, kiến thức xã hội, lịch sử. Kỳ thi vừa qua đã minh chứng rõ nét về tầm quan trọng của việc đọc sách, quan sát cuộc sống. Đây cũng là việc các giáo viên chúng tôi tiếp tục triển khai trong năm học tiếp theo”, cô Dung chia sẻ.

Tại kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, đề thi Ngữ văn cũng gây ấn tượng mạnh đối với thí sinh khi không còn sử dụng ngữ liệu trong các tác phẩm quen thuộc. Câu nghị luận xã hội với chủ đề “Vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc” đã minh chứng rõ nét cho tính thời sự của đất nước. Chủ đề này không chỉ giúp học sinh bày tỏ tình yêu quê hương, đất nước mà còn khơi dậy tinh thần trách nhiệm và bản sắc văn hóa trong bối cảnh đất nước hội nhập và phát triển.

Thí sinh trao đổi sau khi hoàn thành môn thi đầu tiên Ngữ văn, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ảnh: Bích Huệ/ TTXVN
Thí sinh trao đổi sau khi hoàn thành môn thi đầu tiên Ngữ văn, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ảnh: Bích Huệ/ TTXVN

Thí sinh Trần Nguyễn Thái An (cựu học sinh lớp 12D3, Trường Trung học Phổ thông Cầu Giấy, phường Cầu Giấy) cho rằng, đề thi mở nên các thí sinh có nhiều “đất diễn”. Để viết đúng, viết đủ và viết hay, thí sinh phải có kiến thức xã hội rộng, đúng đắn. Việc lựa chọn cách tiếp cận và đưa các dẫn chứng minh họa vào bài viết sao cho hay và chính xác cũng là việc các học sinh cần chú ý và tích lũy từ sớm.

Đề thi môn Toán của cả hai kỳ thi trên không còn các bài toán mô hình khô khan chỉ chứa đựng công thức và con số mà đã tăng cường yếu tố vận dụng thực tiễn gắn kiến thức với đời sống, yêu cầu học sinh phải xử lý tình huống cụ thể. Nhiều giáo viên cho rằng, để đáp ứng yêu cầu của đề thi, thí sinh cần có năng lực đọc hiểu tốt, đặc biệt là khả năng liên hệ thực tế, phải có tư duy logic và kỹ năng giải quyết vấn đề để xử lý. Đây được xem là bước tiến nhằm hướng đến mục tiêu đánh giá đúng và toàn diện năng lực người học - một yêu cầu then chốt trong đổi mới giáo dục hiện nay.

Cần được trang bị năng lực giải quyết vấn đề

Những đổi mới trong nội dung các đề thi đã đặt ra yêu cầu đối với các giáo viên và học sinh trong những năm học tiếp theo. Nhiều chuyên gia cho rằng, học sinh và giáo viên cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương pháp học - dạy. Học sinh cần chú trọng phát triển tư duy phản biện, kỹ năng phân tích và vận dụng kiến thức vào thực tế, thay vì học thuộc lòng hay học tủ. Giáo viên cần chủ động hướng dẫn, khuyến khích học sinh tích cực tham gia các hoạt động xã hội, thực hành ngôn ngữ và rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề. Điều này sẽ giúp các em có nền tảng vững chắc hơn để bước vào kỳ thi cũng như phát triển toàn diện trong tương lai.

Thí sinh trao đổi về bài làm sau khi thi xong môn Toán. Ảnh: Thanh Tùng / TTXVN
Thí sinh trao đổi về bài làm sau khi thi xong môn Toán. Ảnh: Thanh Tùng / TTXVN

Theo cô Trịnh Thu Tuyết (giáo viên Ngữ văn Hệ thống giáo dục HOCMAI), từ đề thi của các kỳ thi phổ thông của Hà Nội vừa qua, các thế hệ giáo viên, học sinh cũng như xã hội nói chung vẫn chờ đợi những bước đi mạnh mẽ hơn trong hành trình đổi mới, những đề thi Ngữ văn đẹp, tiếp cận năng lực học sinh; góp phần hình thành những năng lực và phẩm chất cần thiết của các thế hệ người Việt Nam trong tương lai. Học sinh cần xây dựng kế hoạch học tập, ôn luyện bài bản ngay từ sớm. Việc củng cố nền tảng kiến thức, đồng thời rèn luyện tư duy logic, năng lực đọc hiểu và kỹ năng giải quyết vấn đề sẽ là chìa khóa để các em tự tin bước vào các kỳ thi phổ thông trong năm 2026.

Theo nhà giáo Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Gia Thiều (phường Long Biên), thực tế nhà trường đã thay đổi rất nhiều, đặc biệt là khi có đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên sau kỳ thi năm nay, việc thay đổi cần mạnh mẽ hơn nữa ở cả giáo viên và học sinh. Bởi đề thi có phần yêu cầu vận dụng cao, nếu học sinh chỉ quen luyện thi bằng cách giải đi giải lại các dạng bài thì sẽ không thể đạt điểm cao. Các em cần được trang bị năng lực giải quyết vấn đề, biết liên hệ kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Trong khi đó, vấn đề của cuộc sống muôn hình vạn trạng, không thể luyện đề một cách máy móc như trước kia.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trước yêu cầu đổi mới, đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các nhà trường đã được chỉ đạo tăng cường phát triển kỹ năng đọc hiểu, viết luận và giải quyết vấn đề cho học sinh. Các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm và dự án thực tế cũng được tổ chức giúp học sinh áp dụng kiến thức linh hoạt và sáng tạo. Trong năm học 2025 - 2026, các nhà trường tiếp tục phối hợp với gia đình và xã hội giúp học sinh chủ động, tự tin hơn trong học tập và chinh phục các kỳ thi tốt hơn…

Theo NGUYỄN CÚC (TTXVN)/Báo Tin tức và Dân tộc

Link bài viết gốc

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc