Đạo diễn Nguyễn Tài Văn và điều ám ảnh khi làm phim phế liệu nhựa

VHO - Thực hiện bộ phim tài liệu Hướng đi của phế liệu nhựa nhập khẩu, đạo diễn, NSƯT Nguyễn Tài Văn (ĐTHVN) chia sẻ lý do khiến anh và đồng nghiệp quyết tâm đầu tư thời gian, công sức hơn 2 tháng trời để thực hiện phim tài liệu này: “Điều ám ảnh nhất đối với một người làm phim khoa học như tôi là số liệu người mắc ung thư ở Việt Nam ngày càng tăng cao…”.

Đạo diễn Nguyễn Tài Văn và điều ám ảnh khi làm phim phế liệu nhựa - Anh 1

Bộ phim được công chiếu tại sự kiện đối thoại chính sách với chủ đề “Phế liệu nhựa nhập khẩu” diễn ra ngày 25.1 tại Hà Nội.
Điều ám ảnh
Thường làm phim về lĩnh vực môi trường, các vấn đề về rác thải nhựa,  phim tài liệu Hướng đi của phế liệu nhựa nhập khẩu không phải là phim đầu tiên của đạo diễn, NSƯT Nguyễn Tài Văn về đề tài này. Trước đó, anh đã làm phim Ô nhiễm nhựa ở biển, nhiều phim về Vi Nhựa, 2 tập phim Ô nhiễm nhựa vấn đề của thực tại và tương lai và năm 2023 là Hướng đi nào cho phế liệu nhựa.

“Điều đặc biệt là đề tài về thực trạng của nhập khẩu phế liệu nhựa có thể có nhiều phóng sự, chương trình chuyên đề đã làm, nhưng chưa có phim tài liệu về chủ đề này. Có lẽ vì nó khó nên không ai muốn làm. Chính vì vậy mà tôi đã bắt tay vào xây dựng kịch bản và triển khai bộ phim này bắt đầu từ khoảng tháng 6. 2023. Phim được thực hiện trong hơn 2 tháng”, đạo diễn Nguyễn Tài Văn cho biết.
Đạo diễn cũng chia sẻ, đối với một người làm phim khoa học, điều anh luôn ám ảnh là số liệu người mắc ung thư ở Việt Nam ngày càng tăng cao. “Những vấn đề ô nhiễm môi trường là một trong những sát thủ thầm lặng dẫn đến tình trạng bệnh ung thư gia tăng theo cấp số nhân ở Việt Nam và trên thế giới. Đó là những ám ảnh về góc độ khoa học mà tôi thấu hiểu, chính vì vậy mà tôi mong muốn làm nhiều chương trình để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân…”, NSƯT Nguyễn Tài Văn cho biết.

Đạo diễn Nguyễn Tài Văn và điều ám ảnh khi làm phim phế liệu nhựa - Anh 2

Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Tài Văn chia sẻ về bộ phim

Nỗi ám ảnh lớn nhất mà đạo diễn và đồng nghiệp là khi đi tác nghiệp ghi hình những người nhặt rác tại bãi rác lớn nhất miền Bắc- bãi rác Xuân Sơn (Sóc Sơn). Để có được những cảnh quay đầy ám ảnh tại đây, tất cả đã phải chờ trực ở bãi rác. “Mặc dù ekip đã trang bị bảo hộ lao động nhưng bạn không thể hình dung được cái mùi ở bãi rác ám vào trong tâm trí bạn, trong khứu giác của bạn đến mức nào. Rất khó để diễn tả…”, anh trải lòng. 
Một trường đoạn khác quay ở ngôi làng tái chế nhựa lớn nhất ở miền Bắc là thôn Minh Khai (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên). Một ngôi làng có hơn 40 năm làm tái chế, những gì không tái chế được họ vứt ra xung quanh làng. Trong một buổi lang thang trong làng để ghi hình người dân phân loại rác thải nhựa, anh tình cờ quay được cụm cảnh 2 vợ chồng đang làm việc, phía sau là một cô gái tầm hơn 10 tuổi chơi đùa, tóc rũ rượu múa với đống phế liệu nhựa đang được phân loại. 
“Ban đầu tôi cũng không ấn tượng nhiều nhưng càng ngồi quay tôi càng thấy biểu hiện của cô bé  không bình thường. Hỏi ra tôi mới biết cháu bị ảnh hưởng từ trong bụng mẹ. Kết quả là chúng tôi có một trường đoạn cô bé múa ba lê với rác thải nhựa mà đến giờ tôi vẫn còn ám ảnh”, NSƯT tâm sự.
Thay đổi hành vi của người xem 
“Tôi biết nếu chỉ là một chương trình, một bài viết, và một lần đưa tin hay làm phim thôi thì có thể sẽ khó khăn để truyền tải những thông điệp đến người dân. Chính vì vậy mà suốt từ 2017 đến nay, vấn đề ô nhiễm nhựa và các vấn đề liên quan đến nhựa là một trong những đề tài không thể thiếu trong ngân hàng ý tưởng sản xuất chương trình và phim của cá nhân tôi”, theo đạo diễn Nguyễn Tài Văn.

Đạo diễn Nguyễn Tài Văn và điều ám ảnh khi làm phim phế liệu nhựa - Anh 3

Anh tâm niệm, khi chúng ta liên tục nhắc đến thì dần dần sẽ thấm vào ý thức người dân, cao hơn nữa là các nhà quản lý. Nếu tuyên truyền đúng cách thì sẽ mang lại hiệu quả: “Chính vì vậy, tôi luôn đầu tư cho những bộ phim của mình. Trong các tác phẩm tôi luôn tìm phương pháp thể hiện để phim đến được với đông đảo người xem nhất. Dù là đề tài nước thải, rác thải nhưng tôi vẫn yêu cầu quay phim và ê kíp phải có thủ pháp để đầu tư về mặt hình ảnh và nội dung hấp dẫn. Những hình ảnh sinh động, giàu sức biểu cảm, thậm chí gây hiệu ứng thị giác ám ảnh là cái đích mà tôi luôn kỳ công hướng tới. Những khuôn hình biết nói đủ sức thuyết phục và mạnh hơn mọi ngôn từ”.
Đạo diễn cũng cho hay, bắt tay vào một đề tài mới là có cơ hội nâng cao vốn hiểu biết, từ đó có được những kiến thức cần thiết để cải thiện chất lượng cuộc sống của chính mình. Từ đó, người làm phim có thể chuyển tải rộng rãi những thông tin thiết thực đến với số đông chưa biết, để họ hiểu đúng và hiểu sâu, để họ có động lực hành động nhằm nâng cao môi trường sống. 

Đạo diễn Nguyễn Tài Văn và điều ám ảnh khi làm phim phế liệu nhựa - Anh 4

Các khách mời tại tọa đàm

“Khi tôi bắt tay vào sản xuất phim tài liệu Hướng đi nào cho phế liệu nhựa cũng được lãnh đạo tỉnh, huyện ở tỉnh Hưng Yên đánh giá cao và đồng tình ủng hộ để chúng tôi có điều kiện và thời gian tác nghiệp tốt nhất. Những cái được ấy là vô giá…”, anh cho biết.
Chia sẻ về quá trình và sự kỳ công khi thực hiện bộ phim, đạo diễn cho biết, khó khăn đối với người làm phim tài liệu rất nhiều. Có ý tưởng nhưng nguồn ngân sách đầu tư có đáp ứng không? Có đúng tiêu chí để sản phẩm được lên sóng đến với đông đảo người xem hay không?… 
“Ban đầu tôi cũng không hiểu là do đâu mà đi ghi hình thực tế đã khó, mà xin lịch phỏng vấn về đề tài này lại khó khăn đến vậy. Hiện nay, Việt Nam đúng là một bãi phế liệu nhựa của thế giới, có thật thì vì sao mọi người phải né tránh? 
Tôi nghĩ chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu và tuyên truyền để tiến tới ngừng nhập khẩu phế liệu nhựa. Vất vả thì đương nhiên nhưng tôi rất vui và hạnh phúc vì đã làm được một bộ phim tài liệu để người dân, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các Bộ, ngành liên quan được nói lên tiếng nói của mình và cùng nhau tìm ra một hướng đi mới trong tương lai cho Việt Nam trong vấn nạn nhập khẩu phế liệu nhựa”, đạo diễn, NSƯT Nguyễn Tài Văn bày tỏ.

PHƯƠNG ANH

Ý kiến bạn đọc