Cơ hội và thách thức cho nữ giới trong chuyển đổi số ở Việt Nam
VHO- Ngày 3.3 tại Hà Nội, Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phối hợp với Bộ LĐ,BT&XH, Uỷ ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam tổ chức Đối thoại chính sách với chủ đề: “Bình đẳng giới trong chuyển đổi số ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức” nhằm ghi nhận và tôn vinh những đóng góp của phụ nữ và trẻ em gái trong đổi mới, công nghệ và giáo dục kỹ thuật số.
Phát biểu khai mạc toạ đàm, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ,BT&XH khẳng định, việc nhận thức rõ các vấn đề giới nảy sinh trong bối cảnh chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan chức năng liên quan hoàn thiện khung khổ chính sách, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ và trẻ em gái có cơ hội tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực này. Do đó, việc nâng cao nhận thức về các cơ hội giáo dục và xóa bỏ khuôn mẫu giới trong chương trình giảng dạy, định hướng nghề nghiệp, đặc biệt là trong đào tạo các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) được xem là chìa khoá để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào chuyển đổi số.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại chương trình
“Thay đổi các kỳ vọng về khuôn mẫu giới trong nghề nghiệp, bao gồm cả việc thúc đẩy các hình mẫu phụ nữ tham gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số cũng sẽ tạo lực đẩy thôi thức sự tự tin của phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Trang bị cho phụ nữ các kỹ năng và hỗ trợ họ chuyển đổi sang các hình thức làm việc liên quan đến kỹ thuật số là rất quan trọng để đảm bảo rằng phụ nữ không bị bỏ lại phía sau”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Tại toạ đàm, bà Trần Thị Hồng Loan - Phó Cục trưởng, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH-CN) cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu về trình độ, năng lực đối với đội ngũ nhà khoa học, trong đó có đội ngũ cán bộ khoa học nữ cần được củng cố và phát triển. Tuy nhiên, tình trạng nữ giới thua thiệt hơn nam giới về cơ hội phát triển vẫn đang là vấn đề toàn cầu chưa được giải quyết triệt để. Trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, nam giới càng có ưu thế hơn so với nữ giới khi đang thống trị các nghề liên quan đến khoa học máy tính, toán học, kỹ thuật sản xuất và tự động hoá, bởi vậy nam giới có khả năng tìm được việc làm cao hơn nữ giới và điều này có thể đẩy một bộ phận người lao động nữ rơi vào tình trạng thiếu việc làm hoặc thất nghiệp.
Nói về khoảng cách giới trong tiếp cận kỹ thuật số và kỹ năng số, bà Elisa Fernandez Saenz - Trưởng đại diện, UN Women Việt Nam chỉ rõ, không có sự khác biệt đáng kể về giới trong việc tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông. Có đến 91,1% phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam sử dụng điện thoại di động. Tuy nhiên, việc có tiếp cận đến một thiết bị CNTT dù là rất quan trọng nhưng không đủ để đảm bảo “việc tiếp cận có hiệu quả”. Ở Việt Nam, tỷ lệ nữ tốt nghiệp đại học ngành STEM là 36,5%. Sự đại diện thấp của phụ nữ trong ngành khoa học và công nghệ là do các khuôn mẫu xã hội và một chu kỳ tự định kiến. Điều đó hạn chế sự tiếp cận của phụ nữ với những nghề nghiệp phát triển nhanh và trả lương cao cũng như sự tham gia của họ trong việc định hình công nghệ.
Các đại biểu đề xuất những chính sách nhằm tăng tỉ lệ phụ nữ làm việc trong lĩnh vực khoa học - công nghệ còn thấp
Có nhiều lý do dẫn đến việc tỉ lệ phụ nữ làm việc trong lĩnh vực này còn hạn chế, như còn thiếu các chính sách và chương trình thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ và vẫn còn nhiều định kiến giới về phụ nữ và công nghệ. Làm thế nào để phá bỏ rào cản và trao quyền cho phụ nữ một cách toàn diện cũng là thách thức đối với nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam hiện nay. Các đại biểu đã tập trung thảo luận thực trạng chuyển đổi số hiện nay tại Việt Nam và vai trò của phụ nữ trong trong kỷ nguyên số ở các lĩnh vực khác nhau, cũng như đề xuất các giải pháp để thu hẹp những khoảng cách về giới đang cản trở sự tham gia của phụ nữ, trẻ em gái trong giáo dục, khoa học, công nghệ và thị trường lao động liên quan tới đổi mới, công nghệ và kỹ thuật số. Vấn đề bảo vệ sự an toàn của phụ nữ và trẻ em trước các hình thức bạo lực trên môi trường mạng cũng được các đại biểu thảo luận trong sự kiện.
“Cần tăng cường nhận thức của xã hội trước hết là về vai trò của phụ nữ nói chung, của đội ngũ cán bộ khoa học nữ nói riêng. Hoàn thiện chính sách để tạo điều kiện cho sự phát triển và đóng góp của cán bộ khoa học nữ; xây dựng các chương trình hỗ trợ sự phát triển đội ngũ cán bộ khoa học nữ trong hoạt động KH-CN như tăng cường đầu tư cho giáo dục - đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ khoa học nữ, đề xuất cử đi đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ nữ, nhóm nghiên cứu nữ với tỉ lệ nhất định”, Phó Cục trưởng, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đề xuất.
Đồng quan điểm, bà Elisa Fernandez Saenz - Trưởng đại diện, UN Women Việt Nam cũng khuyến nghị tăng cường và thúc đẩy giáo dục có chất lượng cho phụ nữ và trẻ em gái trong suốt cuộc đời và ở tất cả các cấp, lồng ghép các quan điểm về giới trong các chính sách số quốc gia, đẩy mạnh thu thập dữ liệu để hiểu rõ hơn các khía cạnh đầy đủ về giới, đổi mới công nghệ, đồng thời giải quyết bạo lực trực tuyến trên cơ sở giới... Các thông tin chia sẻ và khuyến nghị tại đối thoại chính sách sẽ đóng góp vào báo cáo của Việt Nam tại Khóa họp lần thứ 67 của Ủy ban địa vị phụ nữ được Liên Hợp Quốc tổ chức vào trung tuần tháng 3 tại New York, Mỹ.
NGUYỄN THƠM- Q.HOA