Cơ hội kiến tạo không gian phát triển mới cho Thủ đô

VHO - Từ ngày 1.7.2025, cùng với cả nước, Hà Nội bước vào cuộc cách mạng trong tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Trong bối cảnh Hà Nội bắt đầu triển khai thực hiện quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn 2065, cuộc cách mạng này giúp định hình, phát triển, quản trị một đô thị hơn một nghìn năm tuổi theo hướng hiện đại, nhân văn và bền vững.

Việc vận hành chính quyền địa phương hai cấp giúp định hình, phát triển, quản trị Thủ đô Hà Nội hơn nghìn năm tuổi theo hướng hiện đại, nhân văn và bền vững. Ảnh: Hải Long
Việc vận hành chính quyền địa phương hai cấp giúp định hình, phát triển, quản trị Thủ đô Hà Nội hơn nghìn năm tuổi theo hướng hiện đại, nhân văn và bền vững. Ảnh: Hải Long

Tái định hình địa giới - tái cấu trúc không gian

Từ 526 xã, phường được sắp xếp còn 126 đơn vị không chỉ là thay đổi trên giấy tờ, mà thực sự là một cuộc “vẽ lại bản đồ đô thị” có mối quan hệ trực tiếp đến hệ thống quy hoạch hiện hành. Quá trình này không đơn thuần là phân chia địa lý mà là sự tổng hòa các yếu tố pháp lý, kinh tế - xã hội, lịch sử, văn hóa, an ninh quốc phòng, cùng với các yếu tố tự nhiên và nguyện vọng của người dân địa phương. Việc điều chỉnh nhằm đảm bảo tính ổn định, hiệu quả quản lý và phù hợp với định hướng phát triển đô thị bền vững của thành phố trong tương lai. Tư duy quy hoạch hiển thị rõ rệt khi ranh giới giữa các đơn vị hành chính phường chủ yếu dựa trên các tuyến đường giao thông chính. Điển hình, đường Vành đai 3 giờ đây là ranh giới giữa một chuỗi các phường ở phía Đông với các phường phía Tây. Tương tự, nhiều đoạn ranh giới giữa 75 xã ngoại thành cũng được định hình theo các tuyến đường giao thông chính và hệ thống sông hồ lớn như sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Cà Lồ..., hay đầm tự nhiên lớn như đầm Vân Trì. Điều này loại bỏ các ranh giới kém bền vững như ranh giới thửa đất, mương thủy lợi, hay công trình kiến trúc vốn dễ bị thay đổi trong quá trình đô thị hóa.

Ranh giới hành chính cũng định hình lại không gian phát triển của các phường dựa trên điều kiện tự nhiên, lịch sử..., thậm chí như một tuyên ngôn về bản sắc. Điều đó đặt ra cho hệ thống chính quyền những tư duy mới bắt nguồn từ nhận thức về không gian. Chính quyền phường, xã có thể mạnh dạn định hình lại đơn vị mình theo hướng chức năng hóa. Đó có thể là không gian tự nhiên chiếm vị thế chủ đạo của phường Tây Hồ; với hồ Tây - báu vật thiên nhiên trong không gian lõi Thủ đô đang trên đường trở thành trung tâm mới của khu vực đô thị lịch sử. Cũng có thể là sự cộng hưởng hài hòa giữa cấu trúc không gian khu phố cổ 36 phố phường của Kẻ Chợ xưa với khu vực hồ Gươm đặc sắc của phường Hoàn Kiếm mới đang trở thành hạt nhân của một thành phố sáng tạo. Hay như ở phường Cửa Nam, mang dấu ấn của khu phố dạng ô bàn cờ kiểu châu Âu kết nối ga Hà Nội với bờ sông Hồng khi xưa, giờ đây đang tái phát triển theo xu hướng đổi mới không gian, hiện đại xen lẫn bảo tồn. Phường Hồng Hà, Lĩnh Nam... những tên gọi cũ nhưng hoàn toàn mới đặt trong bối cảnh không gian. Phường nằm trọn vẹn ngoài đê sông Hồng trên vùng bãi vốn nhiều thách thức, mâu thuẫn giữa mong muốn phát triển thành phố không còn quay lưng lại với dòng sông với đảm bảo không gian thoát lũ. Với góc nhìn này, các xã, phường trong định hướng phát triển đô thị của Hà Nội có thể nhìn thấy dư địa, cơ hội và cả những thách thức, khó khăn. Khi ranh giới hành chính trùng khớp với định hướng quy hoạch, thì các kế hoạch đầu tư, tổ chức không gian và huy động cộng đồng sẽ được thực hiện dễ dàng, linh hoạt hơn.

Thực tế cho thấy các đô thị lớn như London, khi tổ chức lại 32 quận (borough), đã đồng thời lập Quy hoạch tổng thể London (London Plan) để tái cấu trúc không gian. Paris, khi phân lại 20 quận nội đô, cũng gắn với định hướng phát triển theo trục sông Seine. Với Hà Nội, “cuộc cách mạng” năm 2025 sẽ trở thành điểm khởi đầu để cập nhật hệ thống quy hoạch, điều chỉnh các lĩnh vực chuyên ngành, trên cơ sở một chiến lược tổng thể, bài bản và đồng bộ về dữ liệu số, quản lý nhà nước và giám sát cộng đồng. Đặc biệt là việc đổi mới tư duy từ quản lý sang quản trị đô thị với sự trợ lực từ cuộc cách mạng công nghệ thông tin đặc biệt là từ trí tuệ nhân tạo hiện nay.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại phường Dương Nội. Ảnh: Quang Thái
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại phường Dương Nội. Ảnh: Quang Thái

Điều hành và thực thi quy hoạch từ “tế bào”

Trong suốt một thời gian dài, đơn vị hành chính cấp xã, phường, dù cận kề và thấm đẫm hơi thở cuộc sống mỗi ngày, thường chỉ được mặc định là nơi tiếp nhận những thủ tục hành chính cơ bản nhất. Tuy nhiên, song hành với sự vận động không ngừng của hệ thống quy hoạch đồ sộ, vai trò thực sự của phường lại dường như bị bỏ quên, trở nên mờ nhạt trong việc kiến tạo tầm nhìn phát triển đô thị. Phải chăng bởi vì nó quá nhỏ cả về quy mô và thẩm quyền? Điều này tạo nên một nghịch lý đầy trăn trở: Cấp xã, phường hiện hữu trong không gian quy hoạch, nhưng trớ trêu thay, lại không hề được trao quyền để can thiệp hay định hình chính không gian mà họ đang quản lý đó. Hệ quả là đôi khi, những quyết sách vĩ mô, dù đúng đắn, lại khó lòng “chạm” tới hơi thở cuộc sống ở từng ngõ nhỏ, phố nhỏ.

Kể từ tháng 7-2025, xã, phường không chỉ là đơn vị hành chính gần dân nhất, mà còn trở thành cấp trực tiếp chịu trách nhiệm phê duyệt và triển khai các nội dung quy hoạch trong phạm vi hành chính của mình. Nói cách khác, xã, phường sẽ trở thành đơn vị thực thi quy hoạch đô thị - không theo nghĩa kỹ thuật khô khan, mà về tổ chức đời sống, phát triển hay tái phát triển không gian, và phân phối dịch vụ công cộng. Từ đây, các quyết sách quan trọng như tổ chức không gian công cộng, điều tiết dân cư, kiểm soát xây dựng, cải tạo và phát triển hạ tầng - những gì gắn bó mật thiết với đời sống hằng ngày và những gì định hướng trong trung hạn, dài hạn - đều sẽ được triển khai trực tiếp từ cấp cơ sở. Đây là đòi hỏi cốt lõi của tư duy đổi mới hiện nay: Tư duy kiến tạo nhằm phát triển từ “tế bào” đô thị, từ những sáng kiến đến từ phường, xã - nơi thấu hiểu sâu sắc người dân, gắn bó chặt chẽ với doanh nghiệp, và nắm bắt rõ nhất những tồn tại hay tiềm năng không gian của địa phương.

Nhìn ra thế giới, việc trao quyền cho cấp cơ sở để chủ động thực hiện quy hoạch đã trở thành một nguyên tắc bất biến. Tại Tokyo, cấp phường (ku) không chỉ quản lý hành chính mà còn chủ động duy trì hạ tầng xanh và tổ chức không gian bán công cộng. Seoul đã xây dựng chiến lược “phường xanh” với cơ chế tài chính riêng biệt, khuyến khích sự chủ động từ cơ sở. Với Hà Nội, sự thay đổi này không chỉ là tất yếu mà còn là cơ hội hiếm có để tích hợp quy hoạch và hành chính thành một thể thống nhất, từ đó kiến tạo một đô thị vận hành trơn tru và sát thực tế.

Quy hoạch Hà Nội trong giai đoạn tới đang định hình theo hướng đa trung tâm, sinh thái, thông minh và tôn trọng di sản. Những mục tiêu cao sẽ không thể đạt được nếu thiếu vắng sự đồng hành mạnh mẽ và những sáng kiến đột phá từ cấp phường. Thành công vang dội của không gian đi bộ quanh xung quanh hồ Hoàn Kiếm và phụ cận hiện nay chính là minh chứng cho kinh nghiệm tích lũy từ phố ẩm thực Tống Duy Tân, phố đi bộ và chợ đêm Đồng Xuân qua nhiều năm triển khai hiệu quả của quận Hoàn Kiếm trước đây. Giờ đây, trách nhiệm then chốt ấy thuộc về phường. Việc phát triển không gian xanh ở khu vực bãi sông Hồng, gắn liền với tuyến đường mới ven sông ở phường Hồng Hà, hoàn toàn có thể khởi nguồn từ cấp phường - chẳng hạn thông qua những vườn hoa, sân chơi hay không gian nghệ thuật do các tổ chức xã hội đã và đang thực hiện thành công tại đây, dù quy mô còn khiêm tốn. Tương tự, các chiến lược về nhà ở xã hội, tái thiết khu chung cư cũ, hay quản lý di sản phố cổ cũng sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ vai trò của phường. Nếu không có sự chủ động và trách nhiệm rõ ràng từ cấp phường, xã, mọi quy hoạch đều có nguy cơ bị “treo” trên giấy tờ, hoặc biến dạng khi đi vào thực tế.

Trong định hướng quy hoạch Hà Nội, mục tiêu xây dựng Thành phố sáng tạo đòi hỏi mỗi phường phải là một “hạt nhân sáng tạo”: Nơi có không gian công cộng mở, sinh hoạt cộng đồng mang đậm dấu ấn riêng, và di sản được sống động cùng cư dân. Giờ đây, từ những phường trung tâm gắn liền với không gian đô thị lịch sử như Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình, cho đến các phường “đô thị mới” như Từ Liêm, hay các xã xa xôi hơn như Quốc Oai, Tây Phương, Tam Hưng, tất cả đều cần có chiến lược văn hóa riêng biệt, gắn chặt với định hướng quy hoạch mới và nhịp sống của người dân. Hà Nội hoàn toàn có thể xây dựng một hệ thống “phường sáng tạo”, nơi mà không gian văn hóa được lồng ghép tinh tế vào quy hoạch - từ những quảng trường nhỏ, sân chung cư, hành lang công cộng, cho đến hệ thống chợ truyền thống mang đậm bản sắc. Sự chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương hai cấp và tái cấu trúc đơn vị hành chính cấp phường, xã vào năm 2025 là một cơ hội chiến lược để Hà Nội tích hợp quy hoạch và hành chính thành một thể thống nhất, vận hành trơn tru và sát thực tế hơn.

Theo TS.KTS VŨ HOÀI ÐỨC/Báo Hà Nội Mới

Link bài viết gốc

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc