Nhìn từ phổ điểm tốt nghiệp THPT 2025:

Cơ hội học tập chất lượng không còn là “đặc quyền” của đô thị

THÙY TRANG

VHO - Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 khép lại với một phổ điểm được giới chuyên môn đánh giá là “mượt, đẹp”.

Điểm trung bình tăng đều ở nhiều địa phương, nổi bật là Nghệ An - nơi dẫn đầu cả nước và cũng là minh chứng sống động cho chiến lược giáo dục bài bản, gắn với năng lực từng nhóm học sinh. Đáng chú ý, những vùng khó khăn như Điện Biên, Đắk Lắk, An Giang cũng bứt phá mạnh mẽ, cho thấy cơ hội học tập chất lượng không còn là “đặc quyền” của đô thị.

 Từ dữ liệu điểm thi, có thể nhận định, bản đồ giáo dục Việt Nam đang tái định hình, không chỉ trên bảng thống kê, mà trong từng nếp nghĩ về khát vọng vươn lên của mỗi vùng đất.

Cơ hội học tập chất lượng không còn là “đặc quyền” của đô thị - ảnh 1
Thí sinh xem điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại TP.HCM

Sự dịch chuyển trong lựa chọn môn thi

Tổng số TS dự thi môn Toán năm nay tăng lên 1.126.172 thí sinh (TS) (năm 2024 là 1.045.643), tuy nhiên, điểm trung bình (ĐTB) lại giảm mạnh từ 6,45 (2024) xuống chỉ còn 4,78. Đáng báo động hơn, tỷ lệ TS đạt điểm dưới 5 đã tăng vọt từ 17,494% lên tới 56,395%.

Số lượng TS bị điểm “liệt” (<=1) cũng tăng đáng kể từ 76 (2024) lên 777 thí sinh. Một điểm đáng chú ý là số TS đạt điểm 10 môn Toán lại tăng từ 0 lên 513. Sự đối lập này cho thấy, đề thi Toán năm 2025 có tính phân hóa cao, rất khó với đa số học sinh, nhưng vẫn có những câu hỏi hoặc phần kiến thức cho phép TS xuất sắc đạt điểm tuyệt đối.

Số lượng TS đăng ký dự thi môn Hóa học đã giảm mạnh từ 346.530 (2024) xuống còn 240.135. ĐTB môn Hóa học cũng giảm từ 6,68 xuống 6,06. Tỷ lệ TS đạt điểm dưới trung bình tăng gần gấp đôi, từ 15,867% lên 29,529%. Số lượng điểm 10 cũng giảm mạnh từ 1.278 xuống 625.

Sinh học là môn có sự sụt giảm về số lượng TS dự thi rõ rệt nhất, từ 342.388 (2024) xuống chỉ còn 69.895, trong khi tổng số TS dự thi tốt nghiệp 2025 tăng rất cao so với năm ngoái. Điều này cho thấy sự dịch chuyển xu hướng lựa chọn môn thi không hề nhỏ.

ĐTB môn Sinh học giảm từ 6,28 xuống 5,78. Tỷ lệ TS đạt điểm dưới 5 tăng đáng kể từ 13,399% lên 32,44%. Dù số điểm 10 có tăng từ 34 lên 82, nhưng xu hướng tổng thể vẫn là giảm sức hút và điểm số trung bình.

Khác với Hóa học và Sinh học, số TS dự thi môn Vật lý lại tăng nhẹ từ 345.630 (2024) lên 347.599. ĐTB môn Vật lý cũng tăng từ 6,67 lên 6,99. Đáng chú ý nhất là số TS đạt điểm 10 môn đã tăng ấn tượng từ 55 lên 3.929. Tỷ lệ TS dưới 5 điểm giảm từ 16,346% xuống 9,79%.

Trong năm 2025, lần đầu tiên các môn học mới như Tin học, Công nghệ Công nghiệp, Công nghệ Nông nghiệp được đưa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và kết quả cho thấy tiềm năng thu hút lớn. Môn Kinh tế Pháp luật (chuyển đổi từ Giáo dục công dân) cũng tiếp tục là một lựa chọn “an toàn” về điểm số.

Môn Công nghệ - Nông nghiệp thu hút hơn 22.000 TS dự thi và có tới 78,42% TS đạt từ 7 điểm trở lên. Trong khi đó, môn Công nghệ - Công nghiệp có lượng TS dự thi rất khiêm tốn với 2.290 em, ĐTB là 5,79. Với ĐTB là 6,78, môn Tin học cho thấy kết quả khả quan, có 47,566% TS đạt từ 7 điểm trở lên và chỉ 11,221% TS dưới 5 điểm.

Mặc dù lượng TS dự thi giảm từ 583.619 (2024) xuống còn 246.401, môn Kinh tế Pháp luật vẫn duy trì ĐTB rất cao là 7,69. Mặc dù số lượng điểm 10 giảm từ 3.661 xuống 1.451, môn này vẫn là một lựa chọn “an toàn” cho nhiều học sinh.

Định hình lại bản đồ trúng tuyển đại học

Theo phân tích từ các chuyên gia, điểm chuẩn vào đại học năm nay dự báo xu hướng giảm ở nhiều ngành, nhất là với các tổ hợp có môn Toán. Trung vị điểm thi là 4,6, thấp hơn 2,2 điểm so với năm 2024 (6,8), phản ánh độ khó của đề thi và mức phân hóa tốt hơn. Môn Toán giảm sâu về điểm trung bình và điểm giỏi; trong khi đó, Vật lý và Hóa học có số lượng điểm 10 tăng nhưng lại sụt giảm mạnh ở phổ điểm từ 8 trở lên.

Dù Bộ GD&ĐT cho biết không còn “mưa” điểm 10, nhưng năm nay số bài thi đạt điểm tuyệt đối lại tăng đột biến ở một số môn như Toán, Vật lý, Địa lý. Tuy nhiên, số lượng thí sinh đạt điểm giỏi và xuất sắc ở tất cả các môn đều giảm mạnh. Ví dụ, môn Toán từ hơn 200.000 thí sinh đạt 8-9 điểm năm 2024, nay chỉ còn 37.000; môn Hóa học từ hơn 80.000 còn 26.000; môn Sinh học từ 32.000 còn 5.000.

Điểm đáng chú ý là năm nay tất cả phương thức xét tuyển đều quy đổi về một thang điểm chung và chỉ có một đợt xét tuyển, không áp dụng trúng tuyển sớm. Trong bối cảnh đó, điểm trúng tuyển giữa các trường cùng ngành sẽ không chênh lệch lớn như các năm trước. Với sự phân hóa rõ nét từ phổ điểm, các trường đại học top trên dự kiến giữ ổn định điểm chuẩn hoặc giảm nhẹ; trong khi đó, nhiều ngành khối giữa và dưới có thể ghi nhận mức giảm 1-1,5 điểm.

Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, kỳ thi năm nay đã đạt mục tiêu kép: Xét công nhận tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu tin cậy cho tuyển sinh đại học, cho thấy sự ổn định, phản ánh kết quả quá trình đổi mới giáo dục phổ thông, đặc biệt là tác động từ Chương trình GDPT 2018. Ông nhấn mạnh, ngành Giáo dục cần dần thay đổi tư duy, không chỉ nhìn vào điểm số mà đánh giá toàn diện phẩm chất và năng lực người học.

Có thể nói, phổ điểm năm 2025 đã vẽ lại bản đồ giáo dục không chỉ bằng những con số, mà bằng cả chiều sâu của khát vọng vươn lên. Khi những địa phương còn khó khăn khẳng định được bước tiến, thậm chí trở thành hình mẫu về đầu tư giáo dục gắn với năng lực thực chất, ta có quyền tin vào một tương lai giáo dục toàn diện và bao trùm hơn.

Hướng đi mới bắt nguồn từ sự chuyển mình của mỗi vùng miền - nơi tri thức đang được gieo trồng một cách bài bản, bền bỉ và có chiều sâu, hoàn toàn có thể trở thành động lực then chốt của đổi mới quốc gia.