Tình người sau cánh cổng Làng trẻ mồ côi SOS (Kỳ cuối):

Chắp cánh những cuộc đời

NGÂN HÀ

VHO - Hơn 30 năm qua, Làng trẻ mồ côi SOS Hà Tĩnh đã trở thành mái ấm cho hơn 620 trẻ, mang trong mình những phận đời bất hạnh: Mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi.

Chắp cánh những cuộc đời - ảnh 1
Ba chị em Hạnh, Nguyên và Hải vinh dự là ba sinh viên tiêu biểu, xuất sắc được vinh danh

 Ở nơi tưởng như chỉ có nước mắt và mất mát ấy, những hạt mầm nhỏ bé vẫn âm thầm nảy nở, vươn lên trong ánh sáng tình thương, để rồi tự tin toả sáng.

Nghị lực vượt lên số phận

Năm lên 9 tuổi, mất cả cha lẫn mẹ, cuộc đời chị Bùi Thị Thơm (SN 1991, hiện là Phó phòng chăm sóc nuôi dưỡng, Làng trẻ mồ côi SOS Hà Tĩnh), tưởng chừng đã khép lại sau một cánh cửa đớn đau. Nhưng rồi, cánh cổng Làng trẻ mồ côi SOS Hà Tĩnh (Làng) mở ra, đón Thơm vào vòng tay yêu thương.

Những ngày đầu sống tại Làng là những ngày dài khôn nguôi nhớ mẹ. Chiếc gối ướt đẫm, những đêm dài không ngủ, ánh mắt ngơ ngác giữa bao gương mặt lạ. Nhưng tình yêu của các mẹ, sự sẻ chia của các anh, chị, em cùng cảnh ngộ, từ manh áo đến chiếc khăn tắm đã dần sưởi ấm tâm hồn non nớt ấy. Thơm đã lớn lên và trưởng thành như thế.

Tình yêu thương của mái ấm đã nuôi dưỡng tâm hồn, hun đúc phẩm chất đạo đức, nghị lực vượt lên số phận trong chị. Trong nghịch cảnh, Thơm đã nỗ lực học tập, quyết tâm thi đỗ Đại học Công tác xã hội (Đà Lạt), nung nấu ý định sẽ gắn bó cuộc đời tại Làng này. Dù thời điểm đó, công tác xã hội vẫn đang là ngành mới, song chị xác định, học chuyên ngành có kiến thức để sau này quay về, chăm sóc, phát triển cho thế hệ các em tại Làng có tương lai tốt hơn.

Số phận thiệt thòi, cùng với việc xác định rõ mục tiêu đã tạo động lực để Thơm không ngừng nỗ lực trong học tập. Bốn năm trên giảng đường đại học, Thơm luôn là sinh viên xuất sắc giành được học bổng của trường. Một mình tự lập nơi miền đất xa lạ, chị vùi đầu vào học, quyết dành các suất học bổng để đóng học phí và trang trải sinh hoạt. Sự nỗ lực đã không phụ lòng, chị tốt nghiệp đại học với tấm bằng xuất sắc.

“Ngày ra trường, người đầu tiên tôi gọi là bố Dương Trí Đạo (nguyên Giám đốc Làng trẻ mồ côi SOS). Tôi xin bố cho con được về Làng làm việc. Con muốn trả ơn nơi nuôi dưỡng con nên người. Con muốn được chăm sóc cho các em”, chị Thơm kể lại.

Trong nhiều tấm gương vượt lên số phận để đạt kết quả xuất sắc trong học tập tại Làng phải kể đến hoàn cảnh ba chị em ruột Trần Thị Hồng Hạnh (SN 1999), Trần Văn Nguyên (SN 2003) và Trần Thị Ngọc Hải (SN 2005, quê xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc Hà Tĩnh). Năm 2010, cả bố và mẹ đều mất vì bệnh nan y, Nguyên và Hải được Làng đưa về chăm sóc nuôi dưỡng, còn người chị gái Hồng Hạnh được dì ruột đón vào Tây Nguyên. Khi Nguyên vào Làng, mới bắt đầu được đi học lớp 1, còn em Hải học mầm non. Quyết tâm vươn đến tương lai tốt đẹp, mùa hè năm 2021, người chị cả Hồng Hạnh đón em Nguyên vào cùng ôn tập.

Năm đó, cả hai chị em cùng đỗ vào trường Đại học Y dược Huế. Tấm gương của anh chị đã tạo động lực cho người em út Trần Thị Ngọc Hải tiếp tục thi đỗ vào ngôi trường danh giá này vào năm 2023. “Một ước mơ mà ba chị em con đã chạm đến, đó là cùng nhau học tập trong ngôi trường Đại học Y dược Huế. Ba chị em luôn nhắc nhở nhau cố gắng học tập chăm chỉ, quyết tâm trở thành bác sĩ để chữa bệnh cứu người, với mong muốn không đứa trẻ nào phải mồ côi giống mình”, Nguyên chia sẻ.

Tỏa sáng tương lai

Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh được thành lập từ năm 1992 theo Quyết định 230/QĐUB ngày 4.3.1992 của UBND tỉnh Hà Tĩnh với chức năng nhiệm vụ là chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Sau hơn 32 năm xây dựng và trưởng thành, Làng đã nhận và đem về cưu mang, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trên 620 cháu có hoàn cảnh éo le như: Mồ côi cha mẹ, không nơi nương tựa; trẻ sơ sinh bị bỏ rơi; trẻ bị nhiễm chất độc da cam, trẻ khuyết tật, bại não...

Đến nay, nhiều thế hệ đã khôn lớn trưởng thành và giữ các cương vị, trọng trách trong xã hội, trong đó có 5 thạc sĩ, 80 em tốt nghiệp đại học, 120 em tốt nghiệp cao đẳng và trung cấp nghề, 180 em đã xây dựng tổ ấm hạnh phúc gia đình, có công việc làm ổn định. Đặc biệt, trong 19 cán bộ, nhân viên tại Làng, có 4 cán bộ trưởng thành từ mái ấm này.

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Giám đốc Làng trẻ mồ côi SOS Hà Tĩnh cho biết, hiện Làng đang chăm sóc nuôi dưỡng 87 cháu, trong đó có 43 cháu học tại các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn; 17 cháu đang học tại các trường đại học, cao đẳng trên cả nước; 20 cháu là trẻ khuyết tật, bại não; 7 cháu là trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Các cháu luôn ngoan ngoãn, ý thức học tập, kỷ luật tốt, luôn đoàn kết yêu thương, giúp đỡ nhau trong ngôi nhà chung đầy tình yêu thương và lòng nhân ái.

“15 năm công tác tại Làng trẻ mồ côi SOS Hà Tĩnh, tôi luôn cảm phục những người cán bộ, nhân viên của mình. Tận mắt chứng kiến các mẹ chăm sóc cho các con tại khu khuyết tật, là một người làm mẹ, tôi hiểu rằng, phải có tình yêu thương thật sự thì những người mẹ ấy mới có thể làm được như thế. Những đêm khuya trực thay bỉm, đút cho các con từng miếng ăn, chăm các con lúc đau, lúc ốm. Đối với các cháu đi học, hằng ngày, mưa cũng như nắng, các mẹ đưa, đón đến trường, chăm các con từng bộ quần áo thơm tho đến bữa cơm no đủ. Đó là những việc làm không tên, không ai biết đến mà một người mẹ mới làm được cho con mình”, Phó Giám đốc Làng trẻ mồ côi SOS Hà Tĩnh bày tỏ.

Cũng theo Phó Giám đốc Làng trẻ mồ côi SOS Hà Tĩnh, chính tình cảm yêu thương sâu nặng mà các bố, mẹ nuôi tại Làng dành cho các con đã tạo động lực, điểm tựa giúp các con tự tin vượt lên số phận, trưởng thành. Rất nhiều thế hệ sau khi thành đạt, các em đều quay trở về làm công tác thiện nguyện cho Làng trẻ, hỗ trợ các em học tập.

Đánh giá cao công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi của tập thể cán bộ, nhân viên tại Làng trẻ mồ côi SOS Hà Tĩnh, trao đổi với phóng viên, ông Mai Lê Thuộc, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết: “Các cháu hiện sinh sống tại Làng, đều mồ côi bố mẹ, có hoàn cảnh nghiệt ngã nhưng đã hòa nhập cộng đồng, phấn đấu học tập rất tốt. Trong đó, nhiều cháu đạt học sinh khá giỏi, đỗ vào đại học.

Nhiều năm qua, sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các Mạnh Thường Quân, các quỹ từ thiện đã hỗ trợ học phí giúp các cháu có điểm tựa vươn lên trong học tập. Nhưng quan trọng nhất là tình yêu thương, tận tụy của các mẹ tại Làng trẻ đã giúp các cháu tự tin, có động lực để vươn lên, vượt hoàn cảnh, trưởng thành, trở thành những công dân có ích cho xã hội”, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh nói.