Cảnh báo tai nạn thương tích ở trẻ dịp nghỉ hè
VHO- Cứ mỗi năm vào kỳ nghỉ hè, số lượng trẻ bị tai nạn thương tích gia tăng do độ tuổi hiếu động, sự bất cẩn của trẻ và sự thiếu cảnh giác, lơ là, chủ quan của người lớn...
Trẻ bị lưỡi câu móc vào đầu. Ảnh: BVCC
Mới đây, tại Trạm Y tế xã Đông Hải và Đồng Rui, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận và xử trí thành công 2 trường hợp trẻ em đi câu cá không may bị lưỡi câu móc vào đầu. Do trẻ được đưa đến cơ sở y tế kịp thời nên đã không để xảy ra trường hợp đáng tiếc.
Hàng năm, đặc biệt vào dịp hè, Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên tiếp nhận số trẻ em nhập viện do tai nạn giao thông, sinh hoạt, điện giật, đuối nước… với các mức độ khác nhau thường gia tăng. Có nhiều trẻ do người nhà phát hiện sớm và đưa đến viện kịp thời thì cơ hội phục hồi sẽ rất cao.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn có trường hợp đưa trẻ đến cơ sở y tế muộn, sử dụng những phương pháp điều trị dân gian không phù hợp đã dẫn đến hậu quả đáng tiếc hoặc gây khó khăn trong quá trình điều trị.
BSCKI. Đinh Văn Khiêm - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên khuyến cáo: Vào mỗi dịp hè, rất nhiều trẻ em nhập viện do tai nạn trong sinh hoạt hàng ngày với nhiều mức độ khác nhau. Do thời gian này các em được nghỉ học, được tự do vui chơi có thể thiếu sự giám sát của người lớn. Do đó, các trẻ từ 2-5 tuổi dễ bị tai nạn như bỏng, hóc dị vật, tự ngã, kẹt tay chân vào cửa. Đối với các trẻ lớn 6 đến 15 tuổi thường gặp tai nạn giao thông do đi xe máy, xe đạp điện, đuối nước, điện giật, ngã do leo trèo, ngộ độc do ăn hoa quả lạ, ong đốt…
Vì thế, các bậc phụ huynh cố gắng quan tâm đến trẻ nhiều hơn, đồng thời dặn dò, giáo dục trẻ về ý thức tự bảo vệ chính mình, về các mối nguy hiểm, rủi ro có thể xảy ra khi tham gia giao thông, hay leo trèo, nghịch ngợm. Không nên cho trẻ sử dụng xe phân khối vượt quá lứa tuổi quy định, tránh xa các ao hồ, sông suối để tránh bị đuối nước, dùng bảo hộ khi đi câu cá như đội mũ, đeo kính và tránh tham gia vào các trò chơi mạo hiểm…
VTV.VN