Cần hành động quyết liệt hơn để bảo vệ tài nguyên nước
VHO - Ngày 22.3 hằng năm được Liên Hợp Quốc chọn làm Ngày Nước thế giới nhằm hướng người dân trên toàn thế giới đến việc tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước, khuyến khích người dân nâng cao nhận thức về giá trị của nước trong cuộc sống hàng ngày của con người cũng như bảo vệ môi trường sống quý giá.
Năm 2025, Ngày Nước thế giới với chủ đề “Bảo tồn các dòng sông băng” nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của băng, tuyết và sông băng trong hệ thống khí hậu và chu trình nước cũng như hậu quả xã hội, kinh tế và môi trường của những thay đổi này trong tầng băng của Trái đất.

Qua đó, kêu gọi cộng đồng toàn cầu hành động bảo vệ và duy trì, phát huy các nguồn tài nguyên nước để đảm bảo sự sống cho các thế hệ tương lai, đặt nền móng cho một ngày mai ổn định và thịnh vượng hơn.
Tại Việt Nam, trong khuôn khổ dự án “Nước uống sạch cho cộng đồng”, lễ hưởng ứng Ngày Nước thế giới được tổ chức tại Trường Trung học cơ sở An Thạnh 2, xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) vào ngày 21.3 với sự tham gia của khoảng 250 đại biểu đến từ Trung ương Hội Chữ thập đỏ, lãnh đạo UBND tỉnh, cùng các cơ quan, tổ chức liên quan và thầy cô giáo, học sinh của trường.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký, Điều hành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long – vựa lúa chiến lược lớn nhất của đất nước - là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Những nguy cơ rủi ro tiềm ẩn từ vấn đề nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán, lũ lụt, suy giảm bùn cát cũng như xói lở bờ sông, bờ biển đe dọa trực tiếp đến nền an ninh lương thực, an ninh nguồn nước và sinh kế cho gần 21 triệu người dân ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

“Để ứng phó với tình trạng này, chúng ta cần hành động quyết liệt hơn để giảm thiểu phát thải khí nhà kính, phát triển năng lượng tái tạo, bảo vệ hệ sinh thái và sử dụng tài nguyên một cách bền vững – đặc biệt là nguồn tài nguyên nước.
Mỗi hành động nhỏ của chúng ta hôm nay sẽ tạo nên sự thay đổi lớn cho tương lai. Biến đổi khí hậu không phải là điều tất yếu, mà là hậu quả của chính con người – và chúng ta hoàn toàn có thể làm chậm lại, thậm chí là đảo ngược tình thế nếu cùng chung tay hành động”, ông Nguyễn Hải Anh nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng kêu gọi các em học sinh – thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước – hãy cùng nhau hành động. Hãy lan tỏa những thông điệp về bảo vệ môi trường. Hãy là những “Đại sứ nhỏ tuổi” lan tỏa thông điệp đến gia đình, nhà trường và cộng đồng nhằm nâng cao ý thức tiết kiệm nước, bảo vệ tài nguyên nước, giữ gìn các dòng sông, dòng kênh sạch đẹp.
Đồng thời, đề nghị các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước; tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, đẩy mạnh chuyển đổi và hiện thực hóa nền kinh tế tuần hoàn, hướng tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững ở Việt Nam.
Dự án “Nước uống sạch cho cộng đồng” hiện đang được thực hiện tại 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Thuận, Ninh Thuận, Tiền Giang và Sóc Trăng.
Trong đó, Sóc Trăng là một trong những địa phương đã đạt được những kết quả tích cực trong ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, chuyển đổi cơ cấu và phương thức sản xuất theo hướng thuận thiên và bảo vệ tài nguyên nước.