Cái giá của sự coi thường vệ sinh an toàn thực phẩm

LÊ DUY

VHO - Tuần qua, sự việc hai cơ sở sản xuất bánh tại Hà Nội bị tạm dừng hoạt động vì vi phạm nhiều quy định về an toàn thực phẩm (ATTP), trong đó có cơ sở sản xuất bánh cốm Nguyên Ninh (11 Hàng Than, quận Ba Đình). Điều này không chỉ làm doanh nghiệp “choáng váng” mà còn là “chấn động” lớn với người dân.

 Cái giá của sự coi thường vệ sinh an toàn thực phẩm - ảnh 1
Đoàn liên ngành kiểm tra đột xuất cơ sở bánh cốm Nguyên Ninh (11 Hàng Than, quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: T.THẢO

 “Tôi phải xin lỗi bà con ở miền Nam và bạn bè quốc tế như thế nào!”, anh N.V.H (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) viết trên trang facebook cá nhân khi đọc được thông tin cơ sở bánh cốm mà gia đình anh yêu thích Nguyên Ninh bị đóng cửa vì vi phạm các quy định đảm bảo ATTP. Anh H. cho biết, mỗi năm gia đình mua hàng trăm chiếc bánh cốm ở đây để làm quà mỗi khi đi công tác, đi thăm bà con và gửi đi nước ngoài. Và tất cả bạn bè, người thân của anh đều thích món bánh cốm Hà Nội này.

Sự việc xảy ra khi đoàn kiểm tra liên ngành của TP Hà Nội tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất tại địa chỉ 11 Hàng Than vào ngày 2.1. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở sản xuất bánh cốm Nguyên Ninh không xuất trình được giấy khám sức khỏe và xác nhận tập huấn kiến thức ATTP của chủ cơ sở và 5 người lao động; không xuất trình được hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

Về điều kiện vệ sinh thực tế, khu vực sản xuất không bố trí theo nguyên tắc một chiều, không phân khu riêng biệt mà lại chung với khu vực sinh hoạt của gia đình; không có khu vực đóng gói, dán nhãn sản phẩm. Tường, trần, nền khu vực sản xuất ẩm mốc, rạn nứt, bong tróc, xuống cấp. Cống rãnh hở, ứ đọng nước rác; có một nhà vệ sinh trong khu vực sản xuất. Quần áo, tư trang phơi giặt trong khu vực sản xuất. Đoàn kiểm tra cũng phát hiện cơ sở không có dụng cụ sơ chế, sản xuất chuyên dụng; thiếu dụng cụ phòng chống côn trùng, động vật gây hại, có côn trùng và động vật gây hại trong khu sản xuất; thiếu chế độ vệ sinh thường xuyên đối với trang thiết bị dụng cụ.

Cơ sở không có khu vực bảo quản riêng bao bì, nguyên liệu và thành phẩm; khu vực bảo quản không có giá kệ, thiếu chế độ vệ sinh thường xuyên. Nhân viên trực tiếp sản xuất thực phẩm không có trang phục bảo hộ. Ngoài ra, thông tin ghi nhãn sản phẩm chưa phù hợp với bản tự công bố sản phẩm, chưa phù hợp với các quy định về ghi nhãn hàng hóa. Trước những vi phạm này, Đoàn yêu cầu tạm dừng hoạt động đối với cơ sở sản xuất bánh cốm Nguyên Ninh và giao Ban chỉ đạo ATTP quận Ba Đình tiếp tục giám sát việc cơ sở tự khắc phục những tồn tại nêu trên. Bên cạnh đó, quận tiếp tục xử lý vi phạm và báo cáo kết quả kiểm tra với đoàn kiểm tra liên ngành.

 Xử phạt hành chính 40 triệu đồng với chủ cơ sở bánh cốm số 11 Hàng Than

UBND quận Ba Đình vừa ban hành Quyết định số 22/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng đối với chủ cơ sở sản xuất bánh cốm gia truyền Nguyên Ninh (số 11 phố Hàng Than, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) về các hành vi vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm.

Trong thời điểm sắp đến Tết cổ truyền, chắc chắn cơ sở đang tập trung nhân lực để sản xuất kịp đơn đặt hàng bánh cốm phục vụ đám cưới, phục vụ các lễ hội, hay theo các chuyến bay đi nước ngoài… thì việc bị tạm dừng hoạt động là một “hình phạt” không thể nghiêm khắc hơn. Tuy nhiên, điều đó mang tính răn đe cao đối với một quy trình sản xuất không tuân thủ quy định của pháp luật. Theo nhiều chuyên gia, với thương hiệu lâu năm, truyền qua nhiều thế hệ, nổi tiếng nhất nhì Thủ đô thì để đầu tư một dây chuyền sản xuất khép kín, sạch, đúng quy định không phải khó thực hiện. Thực trạng sản xuất của cơ sở bánh cốm Nguyên Ninh chỉ có thể là nếp sản xuất cho gia đình, không thể để kinh doanh, buôn bán được. Vậy mà tại sao nó vẫn tồn tại hàng chục năm qua? Theo thông tin từ đoàn kiểm tra, sau khi người chủ mất, hiện nay cơ sở được giao cho người con dâu quản lý. Mọi giấy tờ, chứng nhận cơ sở ATTP của cơ sở này đã hết hạn từ năm 2023, UBND phường đã nhiều lần nhắc nhở, hướng dẫn nộp hồ sơ để cấp lại nhưng cơ sở không thực hiện. Cùng với đó là trách nhiệm của UBND quận Ba Đình cũng khó tránh khỏi.

Luật An toàn thực phẩm đã có, kèm theo đó các các văn bản chỉ đạo của TP Hà Nội, sự nhắc nhở của phường sở tại nhưng cơ sở bánh cốm Nguyên Ninh vẫn không thực hiện. Điều đó chỉ có thể lý giải là sự coi thường pháp luật, coi thường khách hàng và sự coi thường đó đã phải trả giá bằng việc bị tạm dừng hoạt động tại đúng thời điểm kinh doanh tốt nhất trong năm. Và cái giá còn đắt hơn nữa là sự suy giảm uy tín, thương hiệu, và làm thế nào để lấy lại lòng tin của người tiêu dùng. Đã đến lúc những cơ sở không còn ỷ lại cho sự nổi tiếng, cho thương hiệu tự cho là “không thể vắng mặt” mà sản xuất không tuân thủ quy định pháp luật.

Cũng trong ngày 2.1, cùng với cơ sở sản xuất bánh cốm Nguyên Ninh, cơ sở sản xuất bánh Jambon Thanh Hương (quận Tây Hồ) cũng bị tạm dừng hoạt động. Việc “đóng cửa” cùng lúc hai cơ sở nổi tiếng của Hà Nội trong ngày đầu tiên tiến hành kiểm tra ATTP của Đoàn liên ngành TP Hà Nội chính là lời cảnh tỉnh cho các cơ sở sản xuất bánh, mứt kẹo, các loại thực phẩm không đảm bảo quy định về ATTP. Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong, năm nay, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo TP, UBND TP, các đoàn kiểm tra không báo trước, không để quận, huyện chọn cơ sở đi kiểm tra. Sau kiểm tra, đoàn báo cáo lại với lãnh đạo TP để TP nắm được và tiếp tục chỉ đạo.

Trong ngày kiểm tra đầu tiên, với cơ sở tại quận Tây Hồ thông báo đóng cửa không tiếp đoàn, cho công nhân nghỉ, ông Đặng Thanh Phong đề nghị Phòng Y tế quận Tây Hồ kiểm tra lại (kiểm tra đột xuất), nếu cơ sở có lỗi vi phạm, xử lý thật nghiêm. Đến khi cơ sở khắc phục được các nội dung, Ban Chỉ đạo quận xuống kiểm tra thực tế đúng với báo cáo, sẽ cho hoạt động trở lại. Còn cơ sở chưa khắc phục được tồn tại vẫn tiếp tục dừng hoạt động.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc