Bình Định và Gia Lai sáp nhập, tạo động lực mới để xây dựng tỉnh mới

PHAN HIẾU

VHO - Đó là ý kiến nhấn mạnh của Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng tại Hội nghị triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Chiều 26.4, tại trụ sở Tỉnh ủy Bình Định (TP Quy Nhơn), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Bình Định và Gia Lai sáp nhập, tạo động lực mới để xây dựng tỉnh mới - ảnh 1
Hội nghị triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương về việc sáp nhập đơn vị hành chính hai tỉnh Bình Định và Gia Lai

Tại Hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định và Gia Lai tập trung thảo luận, thống nhất các nội dung quan trọng gồm: Thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Bình Định và Gia Lai; thống nhất tên gọi tỉnh mới là Gia Lai; đặt trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh mới tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay.

Cùng với đó, cho ý kiến về nguyên tắc sắp xếp tổ chức bộ máy, phân công cán bộ. Đây được đánh giá là nội dung quan trọng nhất trong quá trình hợp nhất của hai tỉnh; thành lập Ban Chỉ đạo hợp nhất hai tỉnh và các tiểu ban phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai mới.

Tại Hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã trình bày dự thảo đề án sắp xếp. Theo đề án, sau sáp nhập, tỉnh mới sẽ mang tên Gia Lai, với trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP Quy Nhơn.

Tỉnh Gia Lai mới sẽ có diện tích hơn 21.576 km², dân số khoảng 3,6 triệu người, gồm 135 đơn vị hành chính cấp xã (110 xã và 25 phường).

Bình Định và Gia Lai sáp nhập, tạo động lực mới để xây dựng tỉnh mới - ảnh 2
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định phát biểu tại Hội nghị

Theo dự thảo đề án, sáp nhập hai tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định là cần thiết để thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy, giúp cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hơn; giúp tiết kiệm chi phí quản lý nhà nước, từ đó tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của Nhân dân.

Việc sáp nhập tạo lợi thế to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, tạo không gian phát triển kinh tế - xã hội cho cả hai tỉnh; sẽ giúp hai tỉnh bổ trợ cho nhau, phân bổ nguồn lực hợp lý hơn, đầu tư cơ sở hạ tầng (đường sá, điện, trường học) từ Bình Định lên Gia Lai, thúc đẩy phát triển đồng đều, tạo thêm dư địa phát triển kinh tế - xã hội cho cả hai tỉnh.

Đồng thời, sẽ hình thành một không gian phát triển thống nhất, kết hợp giữa thế mạnh là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa, về phát triển kinh tế biển, cảng biển logistics, ứng dụng công nghệ cao, đô thị hóa của Bình Định với tiềm năng tài nguyên - sinh thái, nông nghiệp sinh thái nhân văn cao nguyên nguồn lao động dồi dào của tỉnh Gia Lai.

Đặc biệt có vị trí quốc tế quan trọng trong khu vực “Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Từ đó sẽ tạo cơ hội cho việc phát triển chuỗi giá trị nông sản và phát triển du lịch, nâng cao hiệu quả kinh tế, tối ưu hóa sử dụng nguồn lực, phát huy được lợi thế so sánh.

Bình Định và Gia Lai sáp nhập, tạo động lực mới để xây dựng tỉnh mới - ảnh 3
Theo đề án, sau sáp nhập, tỉnh mới sẽ mang tên Gia Lai, với trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP Quy Nhơn hiện nay

Cũng theo dự thảo đề án, việc sáp nhập hai tỉnh Bình Định và Gia lai sẽ tạo ra sự liên kết vùng và giao thông.

Cùng với đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển hạ tầng giao thông, gắn kết khu vực Tây Nguyên hướng biển, thúc đẩy kết nối khu vực vùng và hành lang kinh tế Đông Tây để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân.

Chưa kể, việc sáp nhập tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định không chỉ mang lại lợi ích kinh tế - xã hội mà còn có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng, đặc biệt trong việc xây dựng khu vực phòng thủ và thế trận quốc phòng vững chắc, tăng cường, củng cố chủ quyền vùng biên giới phía Tây và biên giới biển.

Còn nữa, tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai có văn hóa tương đồng, cả hai tỉnh đều có cộng đồng người Ba Na với nhiều phong tục, lễ hội và sinh hoạt văn hóa tương đồng, đồng thời đều chịu ảnh hưởng của văn hóa người Kinh (Việt) trong quá trình giao thoa văn hóa; có nhiều phong tục truyền thống giống nhau; cả hai tỉnh đều gắn liên với Phong trào nhà Tây Sơn.

Do vậy, khi sáp nhập hai tỉnh sẽ tạo được sự ủng hộ, đồng thuận cao giữa nhân dân trên địa bàn hai tỉnh.

Việc sáp nhập hai tỉnh Bình Định và Gia Lai phù hợp với chiến lược phát triển và quy luật chung của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ phát triển giúp giảm sự can thiệp trực tiếp của con người vào các hoạt động quản trị hành chính công.

Bình Định và Gia Lai sáp nhập, tạo động lực mới để xây dựng tỉnh mới - ảnh 4
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định trình bày dự thảo đề án sắp xếp

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định cho biết: Việc cho ý kiến thống nhất về nguyên tắc tổ chức bộ máy, phân công cán bộ sau sáp nhập có ý nghĩa hết sức quan trọng, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, tinh thần đoàn kết và sự đồng thuận cao giữa hai tỉnh.

Công tác sắp xếp bộ máy mới phải đảm bảo nguyên tắc tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vận hành thông suốt ngay sau khi chính thức hợp nhất.

Sau khi thống nhất, chúng ta phải đảm bảo sự đoàn kết, đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, tạo sức mạnh và động lực mới để xây dựng tỉnh mới phát triển nhanh, bền vững, đóng vai trò là cực tăng trưởng của khu vực và cả nước.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng

Theo ông Hồ Quốc Dũng, trước khi diễn ra hội nghị, Thường trực Tỉnh ủy hai tỉnh đã nhiều lần tiến hành trao đổi, thảo luận kỹ lưỡng về phương án tổ chức bộ máy và nhân sự nhằm chuẩn bị nội dung trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai bên xem xét, quyết định.

Theo kế hoạch, sau khi hoàn thiện đề án và các nội dung liên quan, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định và Gia Lai sẽ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương để trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định.