Bình Định: Phát triển giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở miền núi

VHO - Xác định, phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS là một nhiệm quan trọng, bởi vậy trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (còn gọi chương trình MTQG 1719) đã dành riêng Dự án 5 “Phát triển giáo dục và đào đạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”. Bình Định đã tích cực triển khai các chương trình thuộc Dự án này và đã đạt được những kết quả khả quan trong thời gian qua.

Làng Canh Tiến, xã vùng cao Canh Liên, huyện Vân Canh (Bình Định), được nhiều người gọi là làng nhiều không: Không đường, không điện lưới quốc gia, không trạm y tế và kể cả nước sạch sinh hoạt. Khó khăn như vậy, tuy nhiên đổi lại ngôi làng này luôn được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục. Đến nay, Canh Tiến có 2 điểm trường, gồm điểm trường mẫu giáo và điểm trường tiểu học với gần 100 học sinh.

Bình Định: Phát triển giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở miền núi - Anh 1

Các cô giáo quyết mang con chữ đến với “làng không” Canh Tiến

Anh Đinh Văn Tào, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban quản lý làng Canh Tiến chia sẻ: Thời gian gần đây, đời sống của bà con đã có nhiều đổi thay. Trẻ em trong làng đến độ tuổi đến trường đều được đi học. Cái chữ giờ không còn khó với đồng bào nữa, những ngôi trường đã được đầu tư xây dựng khang trang hơn trước để học sinh cũng như giáo viên yên tâm đến lớp.

Ở làng O2 (xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh), hiện có 48 hộ đồng bào Bana, với 200 nhân khẩu sinh sống. Dẫu làng ở trên núi cao, đường đi lại khó khăn, nhưng việc đầu tư cho giáo dục ở ngôi làng miền núi này luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các ngành chức năng. Hiện nay, trong làng có 1 lớp mẫu giáo và các lớp tiểu học dạy ghép.

Ông Bùi Tiến Dũng, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định cho biết: Chương trình MTQG 1719 có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của địa phương, nhất là ở các huyện miền núi, trong đó có giáo dục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thời gian qua, địa phương đã đẩy mạnh triển khai đồng bộ 4 tiểu dự án thuộc Dự án 5, qua đó phần nào đổi mới cơ sở vật chất cũng như nâng cao chất lượng dạy và học ở vùng DTTS và miền núi.

Thông tin về kinh phí thực hiện Dự án 5, ông Bùi Tiến Dũng chia sẻ, kinh phí phân bổ thực hiện Dự án 5 trong năm 2023 ở Bình Định là 46,191 tỉ đồng; trong đó nguồn vốn từ Trung ương là 41,555 tỉ đồng và vốn đối ứng của tỉnh là 4,636 tỉ đồng. Đến nay, Bình Định đã giải ngân 15,953 tỉ đồng vốn đầu tư và 10,291 tỉ đồng vốn sự nghiệp để thực hiện dự án.

Cụ thể, đối với Tiểu dự án 1, Bình Định đã đầu tư 6 công trình trường PTDTNT và trường PTDTBT và thực hiện công tác xoá mù chữ cho đồng bào DTTS trên địa bàn các huyện thụ hưởng và công tác mua sắm thiết bị dạy và học. Theo đó, tỉnh sẽ đầu tư mua sắm 77 bộ máy vi tính dạy học trang bị cho Trường PTDTNT THCS&THPT An Lão (38 bộ), Trường PTDTNT THCS&THPT Vân Canh (39 bộ); bảng viết phấn (bảng trượt) 145 cái; giường tầng nội trú 349 cái; 155 tủ đựng đồ cá nhân 8 cánh và 42 bộ máy vi tính dạy học. Đến nay, tỉnh đã giải ngân hơn 18 tỉ đồng. Các đơn vị, địa phương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện. Dự kiến đến 31/12/2023 sẽ giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn giao.

Bình Định: Phát triển giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở miền núi - Anh 2

Hệ thống trường học ở các huyện miền núi Bình Định ngày càng được nâng cao

Tiểu dự án 2 “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc; đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào DTTS và miền núi”, kinh phí phân bổ năm 2023 vốn Trung ương là 2,987 tỉ đồng (vốn sự nghiệp) và ngân sách tỉnh đối ứng 329 triệu đồng (vốn sự nghiệp). Tỉnh Bình Định đã triển khai 2 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho hơn 70 học viên thuộc đối tượng 4 và đang tổ chức các lớp tiếp theo. Đến nay, đã giải ngân 2,572 tỉ đồng hiện nay đang tiếp tục triển khai thực hiện theo quy định.

Trong khi đó, Tiểu dự án 3 “Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi”, kinh phí phân bổ năm 2023 vốn Trung ương phân bổ là 9,074 tỉ đồng (vốn sự nghiệp) và ngân sách tỉnh đối ứng 1,054 tỉ đồng (vốn sự nghiệp). Các đơn vị, địa phương đã tổ chức xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo để thực hiện các mô hình, các lớp đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, người dạy.

Cũng theo ông Dũng, đối với Tiểu dự án 4 “Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp”, kinh phí phân bổ năm 2023 vốn Trung ương là 5,642 tỉ đồng. Trong đó, năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh đã thực hiện đạt 100% kế hoạch, giải ngân 2,295 tỉ đồng và đang hoàn thiện các thủ tục để giải ngân hết nguồn vốn; năm 2023, địa phương đang tổ chức 20 lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng tại các xã theo quy định.

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc