Bảo tồn và phát triển cây dược liệu tại miền núi Quảng Ngãi
VHO - Khu vực miền núi tỉnh Quảng Ngãi có nhiều loại cây dược liệu quý, có giá trị y học và giá trị kinh tế. Do cách khai thác tùy tiện nên có nguy cơ cạn kiệt. Trước thực trạng đó, các dự án bảo tồn và phát triển vùng dược liệu đã được triển khai tại huyện Sơn Tây, Trà Bồng với các loại cây dược liệu như sâm đương quy, sâm bảy lá, tam thất bắc, tam thất nam, địa liền bước đầu cho tín hiệu khả quan.
Khu vườn trồng tam thất nam của anh Đinh Văn Pay, ở thôn Bà He, xã Sơn Tinh, huyện Sơn Tây
Khu vườn trồng tam thất nam của anh Đinh Văn Pay, ở thôn Bà He, xã Sơn Tinh (Sơn Tây), sau gần một năm trồng thử nghiệm, với thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, cây tam thất nam đã bắt đầu cho củ, sắp đến kì thu hoạch, mang lại hi vọng phát triển kinh tế gia đình.
“Tôi trồng cây tam thất với mong muốn phát triển kinh tế, có tiền trang trải cuộc sống, mua sắm trong gia đình. Được Nhà nước cấp cây giống dược liệu này cho các hộ dân đồng bào Cadong chúng tôi rất vui mừng, tương lai về sau phát triển bền vững”, anh Pay chia sẻ.
Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở Sơn Tây đã đưa vào trồng thử nghiệm các loại cây dược liệu như nghệ, gừng gió, sâm đương quy, sâm bảy lá, địa liền, tập trung chủ yếu ở các xã Sơn Tinh, Sơn Long, Sơn Liên. Hầu hết, các vườn cây dược liệu phát triển tốt. Một số cây như gừng gió, địa liền đã bắt đầu cho thu hoạch.
Cây tam thất nam phát triển phù hợp với khí hậu miền núi Sơn Tây
Anh Đinh Văn Trinh, Trưởng thôn Bà He, xã Sơn Tinh (Sơn Tây) cho biết, hiện nay, thôn Bà He tự trồng cây dược liệu, tam thất nam rất hiệu quả. Bà con tự trồng và thôn cũng đã tạo điều kiện cho bà con. Từ nguồn vốn của huyện cũng hỗ trợ cho bà con để sắp tới bà con trồng cây tam thất nam đạt hiệu quả kinh tế cao, giảm nghèo bền vững.
Ông Đinh Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Tinh (Sơn Tây) chia sẻ: ”Bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đã trồng cây tam thất nam và cây địa liền để thay một phần nào đó cho cây mì. Hiện tại, bây giờ so với cây mì, cây này giá trị cao hơn. Bởi vậy, chính quyền địa phương hỗ trợ kỹ thuật, còn sức lao động thì bà con nhân dân tự giúp ngày công cùng nhau làm”.
Cây đương quy được trồng ở thôn Trà Ót, xã Trà Tân, huyện Trà Bồng
Trên khu vực đồi núi ở thôn Tà Ót, xã Trà Tân (Trà Bồng), vùng giáp ranh với xã Hương Trà, tháng 5.2023, Công ty cổ phần Dược liệu Trà Bồng xuống giống trồng thử nghiệm hơn 3.500m2 cây đương quy và 1.000m2 cây cát cánh. Dù thời điểm xuống giống, thời tiết đang mùa nắng nóng, nhiệt độ cao và thường xuyên có mưa giông nhưng nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, cây sinh trưởng và phát triển tốt; đem đến những tín hiệu vui cho vùng đất này.
Sâm đương quy và cát cánh là những dược liệu có giá trị kinh tế cao và được trồng phổ biến ở vùng cao phía Bắc, phổ biến ở huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), là những vị thuốc quý, có lợi cho sức khỏe. Cất cánh lấy lá, rễ, có tác dụng khử đàm, bổ phế, tốt cho hầu họng… Đương quy thường lấy rể cũ chữa nhiều bệnh như bổ máu, trị đau nhức xương khớp, cao huyết áp, các loại bệnh phổ biến ở phụ nữ. Cây thích hợp với những khu vực đồi núi cao, nơi có nhiệt độ thấp, độ ẩm cao. Ở huyện Trà Bồng, những đỉnh núi nằm trong khu vực xã Trà Tân, Hương Trà, Trà Bùi, Trà Tây… rất có điều kiện phù hợp để các loại cây này sinh trưởng và phát triển tốt. Theo tính toán, sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi héc ta cát cánh hay đương quy có thể cho thu hoạch 100 triệu đồng/vụ trong năm.
Đương quy, cát cánh mở ra cơ hội mới cho người dân địa phương trong phát triển cây dược liệu
Theo bà Huỳnh Thị Thanh Thúy, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trà Bồng, huyện đã có Nghị quyết thông qua Kế hoạch phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện Trà Bồng, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Ngoài những cây dược liệu chủ lực như quế và gừng sẻ, huyện cũng tiến hành khảo sát và trồng thử nghiệm khoảng 3ha các loại dược liệu sâm tại những nơi có điều kiện thuận lợi như đương quy, cát cánh, sa nhân, đảng sâm… Hình thành các cơ sở bảo quản, chế biến tại các xã Hương Trà, Sơn Trà… Kinh phí triển khai, thực hiện khoảng 73 tỷ đồng. Các cây trồng mới như đương quy, cát cánh đã mở ra một cơ hội mới cho người dân địa phương trong phát triển cây dược liệu.
Ưu thế của một số cây dược liệu là có thể phát triển dưới tán rừng, trồng xen lẫn với các loại cây bản địa. Tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với doanh nghiệp triển khai, hình thành các vùng chuyên canh cây dược liệu gắn với chế biến, tiêu thụ, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tạo sinh kế lâu dài cho người dân, bảo vệ nguồn gen quý để nhân ra diện rộng.
NHƯ ĐỒNG