Âm vang nhịp điệu núi rừng

VHO - Tối 16.12, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn, Liên hoan văn hoá cồng chiêng các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Bình Định lần thứ II năm 2023, với chủ đề “Âm vang nhịp điệu núi rừng” đã chính thức diễn ra. Liên hoan là dịp để nghệ nhân, diễn viên các DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Định gặp gỡ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Về dự Liên hoan lần này có 7 đoàn, với tổng số 242 nghệ nhân, diễn viên. Đảm bảo có sự tham gia đầy đủ của 6 huyện có đồng bào DTTS sinh sống là: Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Ân. Đoàn còn lại và cũng là đoàn tham gia lần đầu là Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, với lực lượng trẻ và đông đảo nhất. Với 45 học sinh đang học tại trường, sẽ tham gia trình diễn cồng chiêng và múa xoang phụ họa. Đây là nét mới về lực lượng tham gia Liên hoan và cũng là niềm hy vọng vào lực lượng kế tục sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng nói riêng, văn hóa vùng đồng bào DTTS nói chung trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Âm vang nhịp điệu núi rừng - Anh 1

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn phát biểu tại lễ khai mạc Liên hoan

NNND Đinh Chương, thuộc đoàn Vĩnh Thạnh cho hay: Trong xu thế hội nhập và phát triển đất nước, theo tôi đội ngũ nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng, các già làng, trưởng bản có vai trò rất quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc. “Những nghệ nhân cao tuổi chính là linh hồn của cộng đồng dân cư trong việc thực hành và truyền dạy văn hóa cồng chiêng”, NNND Đinh Chương nói.

Em Đinh Thị Hải Hằng, học sinh lớp 11A4, là thành viên của đoàn cồng chiêng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh chia sẻ: Chúng em nghĩ rằng, là thế hệ kế tục thì cần có trách nhiệm gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của chính dân tộc mình trên quê hương trong thời gian tới.

Âm vang nhịp điệu núi rừng - Anh 2

Những nghệ nhân, diễn viên huyện Vân Canh trình diễn nhịp điệu cồng chiêng với tiết mục “Nhạc hội trong Lễ cúng đổ đầu mừng năm mới”

Trong chương trình khai mạc, còn có các tiết mục của một số ca sĩ, nghệ nhân đồng bào DTTS là diễn viên của các đoàn nghệ thuật các tỉnh lân cận về biểu diễn, góp phần tạo không khí sôi động, với những tiết mục mang âm hưởng đại ngàn.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: Với chủ đề “Âm vang nhịp điệu núi rừng”, Liên hoan văn hóa cồng chiêng các DTTS tỉnh Bình Định lần thứ II năm 2023 là sự kiện có ý nghĩa văn hóa, xã hội sâu sắc nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Đồng thời góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Định đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09.6.2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Kết luận số 76-KL/TW ngày 04.6.2020 của Bộ Chính trị và Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Âm vang nhịp điệu núi rừng - Anh 3

Người Bana huyện miền núi Tây Sơn đánh cồng chiêng với bài “Mừng chiến thắng”

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng khẳng định, qua Liên hoan lần này, chúng ta sẽ được thưởng thức những tiết mục biểu diễn đặc sắc với những sắc thái văn hóa truyền thống của các dân tộc Chăm, Bana, H’rê thông qua phần thể hiện khéo léo, tài hoa của các diễn viên, nghệ nhân. Qua đó, giới thiệu vốn văn hóa phong phú, độc đáo của các dân tộc anh em, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, cùng nhau phấn đấu xây dựng quê hương Bình Định ngày càng giàu đẹp.

Âm vang nhịp điệu núi rừng - Anh 4

Mang đến Liên hoan lần này, người H’rê huyện An Lão âm vang tiếng cồng chiêng với bài “Làng H’rê vui hội”

 hững hoạt động trình diễn phong phú, hấp dẫn, đa dạng mà các nghệ nhân, diễn viên của các dân tộc mang đến Liên hoan là những bông hoa tươi thắm góp phần làm rạng rỡ bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em trên quê hương Bình Định. “Tôi cũng mong rằng các đơn vị tiếp tục phát huy những tiết mục, nội dung trình diễn tại Liên hoan lần này để đưa về địa phương phục vụ, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, tiếp tục nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ, đội cồng chiêng tiêu biểu, nòng cốt ở các địa phương, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định bày tỏ.

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc