Thông tin chính thức vụ lật tàu QN 7105 ở vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh:
49 người trên tàu khi gặp nạn, chỉ 10 người sống sót
VHO - Theo báo cáo số 266/BC-UBND ngày 20.7, UBND tỉnh Quảng Ninh gửi Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng UBQG ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; Thường trực Tỉnh uỷ, tàu Vịnh Xanh 58, BKS QN - 7105 khi lật tàu trên vịnh Hạ Long chiều 19.7 có 49 người (46 khách du lịch và 3 thuyền viên).

Kịp thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn
Theo thông tin ban đầu, chiều 19.7, tàu Vịnh Xanh 58, BKS QN - 7105 chở khách du lịch tham quan trên vịnh Hạ Long; loại tàu vỏ sắt đóng năm 2015, chủ tàu là Đoàn Văn Trình (thường trú tại phường Hà An, tỉnh Quảng Ninh); trên tàu chở 49 người, (không phải 53 người gồm 48 du khách và 5 thuyền viên như thông tin ban đầu - PV).
Tàu rời bến đi tham quan vào lúc 12h55, ngày 19.7 (thứ 7), trên tuyến 2 của vịnh Hạ Long (hang Sửng Sốt, đảo Ti Tốp). Đến 13h30 cùng ngày tàu gặp giông bất ngờ, đến 14h05 cùng ngày tàu mất kết nối tín hiệu GPS.
Ngay sau khi nhận được thông tin vụ việc, Thường trực Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đã chỉ đạo:
1. Trực tiếp đồng chí Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh uỷ cùng đồng chí Phạm Đức Ấn, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh; đồng chí Vũ Quyết Tiến, Phó Bí thư Tỉnh uỷ; đồng chí Nguyễn Văn Công, Phó chủ tịch UBND tỉnh cùng các lực lượng chức năng; Quân sự, Biên phòng, Công an, Ban Quản lý vịnh Hạ Long và các cơ quan liên quan nhanh chóng đến hiện trường xảy ra vụ việc để tổ chức tìm kiếm cứu nạn.
Phân công đồng chí Vũ Văn Diện, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trực, chỉ đạo tại trục sở Hải đội Biên phòng 2 - Ban chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh để tiếp tục chỉ huy, điều hành tổ chức tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh trực tại các bệnh viện để trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả.
2. Tổ chức huy động tối đa lực lượng, phương tiện của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Ban Quản lý vịnh Hạ Long, Vùng 1 Hải quân và các đội thợ lặn chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, với các phương tiện chuyên dụng trên biển và các phương tiện tìm kiếm cứu nạn tại chỗ của địa phương phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Lực lượng, phương tiện đã huy động: Tổng số gần 1000 người và 100 phương tiện tàu, xuồng các loại, tham gia tổ chức tìm kiếm nạn nhân còn mất tích…
3. Chỉ đạo các cơ sở y tế sẵn sàng hỗ trợ và xử lý các tình huống khi tìm kiếm được nạn nhân.
4. Lập Sở Chỉ huy gồm: Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, UBND tỉnh Quảng Ninh tại trụ sở Hải đội Biên phòng 2 – Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Để tiếp tục chỉ huy, điều hành tổ chức tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Đã tìm được 45 người (10 người sống sót, 35 người đã tử vong)
UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, nhờ có sự quan tâm của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Quân khu 3; sự chỉ đạo quyết liệt, tích cực, kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương; công tác sẵn sàng ứng phó, phối hợp hiệp đồng của các lực lượng vũ trang (quân sự, công an, biên phòng, kiểm ngư và sự tham gia vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp và ngư dân, đến 1h40 ngày 20.7, các lực lượng chức năng đã trục vớt được tàu, tìm thấy 45 trên tổng số 49 người, trong đó có 10 người sống sót, 35 người đã tử vong.
4 người chưa được tìm thấy gồm: Hoàng Văn Thái (sinh năm 1985), Hoàng Việt Hùng (sinh năm 1979), Hoàng Thị Quyên (sinh năm 1975), Nguyễn Duy Khải Phong (sinh năm 2019).
Trong số 35 người chết đã hoàn thành thủ tục khám nghiệm, xác định danh tính 31 người.
Tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ tiền mai táng phí 25 triệu đồng/ người để thân nhân đưa nạn nhân về gia đình lo hậu sự. Hỗ trợ cho gia đình 10 gia đình nạn nhân bị thương 5 triệu đồng/ người.
Đồng thời, bố trí nơi ở và hỗ trợ toàn bộ chi phí ăn nghỉ cho gia đình nạn nhân khi ở Quảng Ninh.
Hiện tỉnh Quảng Ninh đang chỉ đạo các lực lượng tìm kiếm cứu nạn tiếp tục tích cực triển khai các biện pháp tìm kiếm người mất tích trên biển còn lại. Tập trung điều tra làm rõ nguyên nhân vụ lật tàu, khắc phục sự cố; động viên thăm hỏi gia đình nạn nhân theo quy định.
Ngày 20.7, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh họp để tiếp tục chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả vụ tai nạn đắm tàu trên vịnh Hạ Long do ảnh hưởng của thời tiết diễn biến bất thường. Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Vũ Đại Thắng chủ trì cuộc họp.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các lực lượng chức năng tiếp tục tập trung cao độ cho công tác tìm kiếm, không bỏ sót bất kỳ khả năng nào, tranh thủ từng giờ, từng phút để tìm kiếm những người còn mất tích.
Đồng thời, các cấp, ngành cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ, động viên kịp thời các gia đình nạn nhân bị thiệt mạng, người bị thương và những người gặp khó khăn do ảnh hưởng của sự cố, nhằm giúp các gia đình sớm vượt qua nỗi đau, ổn định cuộc sống.
Cùng với đó, đồng chí cũng chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, bổ sung cơ chế phối hợp, phân công chỉ huy, thực hiện quy trình “4 tại chỗ” trong xử lý các tình huống tai nạn, sự cố và công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Rà soát, kiểm tra toàn bộ các quy trình, bảo đảm tuyệt đối an toàn đối với các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động; tập trung phòng chống cơn bão số 3 một cách hiệu quả. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đảm bảo thông tin kịp thời, chính xác.