Ý thức hơn khi đến với lễ hội
VHO - Nâng cao ý thức, trách nhiệm của cá nhân trong việc bảo vệ môi trường, cảnh quan khi đến với di tích, tham gia lễ hội là vấn đề đã được nói đến từ lâu, dưới nhiều góc độ khác nhau nhằm mong muốn ai cũng phải có tinh thần gìn giữ không gian văn hóa di tích, lễ hội ngày càng văn minh, sạch đẹp, góp phần làm tăng thêm giá trị của di sản. Thế nhưng, có một thực tế là, dù đã có ít nhiều chuyển biến theo hướng nâng cao, tuy nhiên vẫn còn đó sự thiếu ý thức của rất nhiều người, khiến cho nhân viên dọn vệ sinh phải lắc đầu ngán ngẩm vì vừa làm sạch xong đã thấy rác.
Câu hỏi đặt ra là, gần như năm nào báo chí, dư luận xã hội đều tuyên truyền và phản ánh tình trạng thiếu ý thức của một bộ phận người dân khi tham gia lễ hội, tham quan vãn cảnh di tích, nhưng vì sao sự chuyển biến lại chậm đến như vậy? Bên cạnh đó, gần như ở tất cả các di tích và không gian văn hóa lễ hội đều được chính quyền địa phương, ban tổ chức lắp đặt biển báo cùng hệ thống loa phát thanh tuyên truyền bảo vệ môi trường, gìn giữ cảnh quan; ngoài ra là thùng, giỏ đựng rác được đặt tại nhiều vị trí khác nhau, nhưng vì sao nhiều người dân vẫn ngó lơ, “vô tư” xả rác không đúng nơi quy định? Phải chăng, vì chúng ta quá chú ý vào khâu tuyên truyền, nhắc nhở mà vẫn đang còn coi nhẹ chế tài xử phạt người bỏ rác không đúng nơi quy định? Phải chăng, vì tâm lý đầu Xuân người dân đi lễ cầu mong mọi sự tốt lành chẳng lẽ lại “đè” ra xử lý sẽ gây “dông” cho cả năm?
Không gian văn hóa, cảnh quan môi trường tại chùa Côn Sơn (Chí Linh - Hải Dương) được cán bộ, nhân viên nơi đây chăm chút từng nhành hoa cho đến bãi cỏ. Trong khuôn viên di tích có nhiều vườn hoa, tiểu cảnh được dựng lên để du khách thưởng ngoạn, chụp ảnh. Rất nhiều du khách lâu rồi chưa trở lại Côn Sơn cho biết thật sự ngỡ ngàng trước sự quan tâm của Ban quản lý di tích nhằm tôn lên giá trị cảnh quan ngôi chùa cổ kính. Vậy mà, sau mấy ngày Tết, nhiều vườn hoa, tiểu cảnh, bãi cỏ bị “tả tơi” do người dân thiếu ý thức “chen chân” lội thẳng vào chụp ảnh dù ngay cạnh đó có tấm biển báo “Không giẫm lên bãi cỏ, vườn hoa”. Không chỉ vậy, việc vứt bỏ rác một cách “vô tội vạ” cũng diễn ra... bình thường. Nhân viên thuyết minh cho biết, “đơn vị thường xuyên nhắc nhở, thậm chí có thái độ để người dân nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan, giữ gìn môi trường, nhưng chỉ giảm được phần nào”. Tại khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Hùng (Phú Thọ) cũng vậy. Theo chân cán bộ quản lý di tích, lễ hội đền Hùng, chúng tôi lên đền Thượng và xuống đền Giếng, gần như điểm nào cũng bắt gặp người dân xả rác ở lòng lề đường ngay lối lên xuống. Bắt gặp những cảnh tượng này, vị cán bộ đi cùng cũng chỉ biết nhắc nhở chứ chưa có biện pháp gì khác. “Ban quản lý thường xuyên tuyên truyền qua hệ thống phát thanh trong việc bảo vệ môi trường, cảnh quan di tích. Tại mỗi điểm di tích, ngoài nhân viên môi trường còn có lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ nhắc nhở, thậm chí yêu cầu du khách tự tay nhặt rác, bỏ rác đúng nơi quy định. Nhưng những ngày qua đồng bào đến với đền Hùng khá lớn, trong đó có một bộ phận không nhỏ còn thiếu ý thức, tiện tay là vứt rác”.
Cảnh tượng không hay này cũng được chúng tôi bắt gặp ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, lễ hội chùa Hương, khu di tích Phủ Dầy... Tuyên truyền và tuyên truyền đậm đặc hơn nữa với nhiều hình thức khác nhau là điều cần thiết để nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, cảnh quan di tích, lễ hội, tuy nhiên đã đến lúc chính quyền địa phương, Ban tổ chức, Ban quản lý di tích cần cắt cử riêng một đội thường xuyên kiểm tra, xử lý những người không bỏ rác đúng nơi quy định. Bước đầu yêu cầu ký vào bản cam kết sau khi bị phát hiện, và tiến tới là xử phạt vi phạm hành chính, tránh tình trạng tâm lý nể nang. Có tiến hành song song tuyên truyền và xử phạt thì ý thức của người dân mới có sự thay đổi tích cực hơn để bảo vệ môi trường, cảnh quan di tích và lễ hội.
NGUYỄN THANH SƯƠNG