Xây dựng môi trường du lịch xanh và bền vững
VHO- Ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang triển khai nhiều giải pháp để giảm rác thải nhựa, góp phần thực hiện xây dựng đô thị Huế với đặc trưng “Di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh”.
Điểm cấp nước miễn phí tại Thủy Biều cho du khách nhằm hạn chế chai nhựa sử dụng một lần Ảnh: Q.H
Nhiều điểm đến, cơ sở du lịch đã chủ động hạn chế rác thải nhựa sử dụng một lần, “nói không” với túi nilon, xây dựng môi trường xanh và thân thiện trong lòng du khách.
Xây dựng điểm đến giảm rác thải nhựa
Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế và dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa miền Trung Việt Nam” (do WWF - Việt Nam tài trợ) đã ra mắt điểm đến du lịch cộng đồng giảm thải nhựa tại phường Thủy Biều, TP Huế. Đây là điểm đến đầu tiên của Huế triển khai mô hình giảm thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường và giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, hướng đến sự phát triển xanh và bền vững. Thủy Biều có hệ thống nhà vườn đặc trưng của làng Lương Quán - Nguyệt Biều cùng không gian cảnh quan hài hòa, thơ mộng, kết nối với các di tích và các cơ sở làng nghề truyền thống…, đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước trong thời gian qua.
Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Công ty Huetourist, một đơn vị đã nhiều năm khai thác tour du lịch cộng đồng ở Thủy Biều cho biết: Thời gian trước, khi du khách tham gia các tour tham quan, trải nghiệm và dịch vụ lưu trú tại đây đều được cấp phát nước uống đóng chai nhựa và nhiều đồ dùng trong các dịch vụ cũng có sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần. Qua các chương trình tuyên truyền, nhận thức rõ những tác động tiêu cực của rác thải nhựa, các hộ dân, cơ sở tham gia hoạt động du lịch ở Thủy Biều đã cùng tham gia mô hình giảm rác thải nhựa. Với mô hình này, du lịch cộng đồng ở Thủy Biều là điểm đến du lịch đầu tiên của TP Huế giảm thải nhựa, góp phần xây dựng Huế thành đô thị giảm thải nhựa. Hiện có 16 cơ sở cộng đồng cùng tham gia mô hình giảm rác thải nhựa, với các hoạt động mang lại những thay đổi tích cực trong thói quen của người dân và du khách, như: Khuyến khích du khách mang theo đồ dùng cá nhân thay thế đồ nhựa; cấp phát bình nước dùng nhiều lần để du khách sử dụng trong suốt hành trình tour; thay thế nước uống đóng chai nhựa đặt tại phòng nghỉ bằng chai thủy tinh; hạn chế sử dụng túi dầu gội và thay bằng sang chiết qua các loại chai; cấp phát túi đi chợ và hộp đựng thực phẩm để du khách mua sắm không túi nilon… Ngoài ra, trên hành trình tour trải nghiệm ở Thủy Biều cũng sẽ có 5 điểm tái làm đầy nước miễn phí để phục vụ du khách; có hệ thống thùng rác phân loại và các “ngôi nhà xanh” để du khách thuận tiện phân loại rác tái chế đúng quy định…
Bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Thủy Biều là điểm đến du lịch cộng đồng đầu tiên của TP Huế thực hiện mô hình giảm rác thải nhựa trong các tour du lịch. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, ngành du lịch cùng dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, mô hình tương tự để có nhiều điểm đến du lịch cùng chung tay giảm rác thải nhựa, xây dựng môi trường du lịch xanh và bền vững.
Ngành du lịch hành động để giảm thải nhựa
Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã xây dựng kế hoạch về triển khai “Chương trình giảm rác thải nhựa của ngành du lịch Thừa Thiên Huế tập trung vào giai đoạn 2023-2025”. Theo đó, chương trình sẽ được triển khai tại 207 khách sạn, 73 đơn vị kinh doanh lữ hành, các cơ sở dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, các điểm du lịch thuộc các loại hình khác nhau (gồm: 13 điểm du lịch đã được tỉnh công nhận, các điểm du lịch di sản văn hóa, di tích lịch sử…).
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, ngành sẽ phấn đấu các chỉ tiêu cụ thể về giảm rác thải nhựa trong hoạt động du lịch. Năm 2024, sẽ có khoảng 80 khách sạn và 50 đơn vị kinh doanh lữ hành và dịch vụ vận chuyển khách, 4 điểm du lịch có bản kế hoạch giảm nhựa; có khoảng 50% khách sạn 3-5 sao không sử dụng nhựa 1 lần vào năm 2024 và tỉ lệ 80% vào năm 2025; 50% khách sạn 4-5 sao có nhân viên theo dõi các tiêu chí phát triển bền vững. Có 5-6 tour du lịch và 5-6 điểm du lịch cộng đồng không sử dụng nhựa một lần. 100% quản lý khách sạn, đơn vị lữ hành và dịch vụ vận chuyển khách du lịch, điểm du lịch và 90% hướng dẫn viên được tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa. 100 quản lý khách sạn và 33 đơn vị lữ hành và dịch vụ vận chuyển khách du lịch, 13 điểm du lịch trên địa bàn tỉnh được đào tạo về xây dựng kế hoạch năm và được hướng dẫn về cách thức theo dõi, kiểm tra, đánh giá về giảm nhựa… Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề ra 7 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để thực hiện chương trình giảm rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch. Hiện nay Sở đang xây dựng và soạn thảo Bộ tiêu chí/chỉ số về tăng trưởng xanh - giảm rác thải nhựa cho ngành du lịch. Dự kiến, năm 2024 sẽ tham vấn, lấy ý kiến các đơn vị liên quan để hoàn thiện, công bố và áp dụng Bộ tiêu chí này cho các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn.
Bà Hoàng Ngọc Tường Vân, quản lý dự án “Huế - Đô thị giảm thải nhựa ở miền Trung Việt Nam” cho biết: Dự án và ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cùng “bắt tay” xây dựng lộ trình giảm thải nhựa cho ngành du lịch của địa phương, tập trung ở TP Huế. Qua đó, thiết kế một số điểm đến và tour du lịch không rác thải nhựa, mà Thủy Biều là một trong những địa điểm dự án hỗ trợ triển khai trong năm 2023. Thời gian tới, dự án và ngành du lịch địa phương đẩy mạnh các hoạt động theo hướng xanh bền vững, tiếp tục hình thành nhiều điểm đến giảm thải nhựa, không rác thải nhựa, góp phần cho mục tiêu giảm 30% lượng rác thải nhựa ra môi trường tự nhiên. Thời gian qua, nhiều chuỗi cửa hàng, cơ sở phục vụ ăn uống, các đơn vị Hội khách sạn, Hội lữ hành của Thừa Thiên Huế đã cùng đồng hành với chúng tôi trong việc vận hành, đưa vào các tour du lịch các chương trình giảm thải nhựa, xây dựng Huế thành điểm đến không rác thải nhựa, với môi trường xanh - sạch - sáng.
SƠN THÙY