Về xứ tiên nghe chuyện trăm năm

VHO- Di tích quốc gia làng cổ Lộc Yên, xã Tiên Cảnh (Tiên Phước, Quảng Nam) là một trong hai mô hình được Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh triển khai mô hình thí điểm làng văn hóa du lịch theo chương trình mỗi xã một sản phẩm để nâng cao chất lượng điểm đến, sản phẩm OCOP của địa phương.

Về xứ tiên nghe chuyện trăm năm - Anh 1

Du khách tham quan nhà cổ

 Làng cổ Lộc Yên được công nhận di tích quốc gia vào tháng 9.2019, là làng cổ đầu tiên của tỉnh Quảng Nam và là một trong bốn làng cổ của cả nước được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Làng văn hóa du lịch cổ Lộc Yên được chọn là một trong 10 mô hình thí điểm xây dựng làng văn hóa du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới nằm trong khung chỉ đạo điểm triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã được Bộ NN&PTNT quyết định đầu tư trên cả nước.

Vùng đất Lộc Yên, Thạnh Bình có quá trình hình thành gắn với công cuộc khai hoang lập làng vào thế kỷ XV-XVI. Tại đây, hiện còn lưu giữ những ngôi nhà cổ có niên đại từ 80 đến 150 năm, với kiểu thức kết cấu mái lá, nhà rường cùng kiến trúc độc đáo, tinh xảo, các ngôi nhà cổ Lộc Yên luôn được đánh giá là quần thể có giá trị cao về mặt kỹ xảo và mỹ thuật. Cuối năm 2022, sản phẩm du lịch cộng đồng Làng văn hóa du lịch làng cổ Lộc Yên đã chính thức khai trương, từng bước trở thành địa điểm du lịch cộng đồng, du lịch xanh mang đặc trưng của huyện Tiên Phước. Tại lễ khai trương, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã nhấn mạnh: Những giá trị văn hóa được lưu giữ là lợi thế lớn cho Tiên Phước trong quá trình phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trong toàn tỉnh. Vì thế, địa phương cần tiếp tục phát huy giá trị sẵn có, nâng cao nhận thức, ý nghĩa, tầm quan trọng của sản phẩm du lịch Lộc Yên. Từ đó mới khắc phục được khó khăn, phát triển các sản phẩm du lịch, tạo sinh kế cho nhân dân bền vững.

Ông Trầm Quế Hương, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết: Trong quá trình triển khai, địa phương luôn chú trọng tổ chức trưng bày sản phẩm OCOP và sản phẩm tiền OCOP tại các ngày hội làng Lộc Yên, các hội thảo khởi nghiệp sáng tạo, tạo lập và phát triển hệ sinh thái du lịch từ làng cổ Lộc Yên,… Đặc biệt, hội làng Lộc Yên được tổ chức hằng năm với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch hấp dẫn để du khách tham gia, trải nghiệm sản phẩm văn hóa - du lịch Lộc Yên - Bình Thạnh, ẩm thực, xem trình diễn sản phẩm các làng nghề truyền thống của miền quê Tiên Phước. Trong khuôn khổ các hoạt động hội làng Lộc Yên luôn có hội chợ nhà nông với hàng chục gian trưng bày sản phẩm nhà nông và sản phẩm OCOP đặc trưng của vùng trung du Quảng Nam, qua đó góp phần quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn kết hợp sản phẩm OCOP của địa phương. Mỗi năm có khoảng 10.000 lượt khách tới tham quan làng cổ Lộc Yên.

Về xứ tiên nghe chuyện trăm năm - Anh 2

 Tham quan gian trưng bày sản phẩm OCOP tại Hội làng Lộc Yên

Huyện Tiên Phước cũng đã ban hành Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch Làng văn hóa du lịch làng cổ Lộc Yên - Thạnh Bình giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030” theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả và bền vững, góp phần thúc đẩy du lịch Tiên Phước phát triển thành ngành kinh tế quan trọng. Tổng nguồn vốn thực hiện đề án dự kiến khoảng 312 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước đầu tư hơn 88 tỉ đồng, vốn xã hội hóa 224 tỉ đồng. Theo đề án, bộ sản phẩm du lịch thương hiệu “Lộc Yên, ngôi làng nằm giữa cõi tiên’’ gồm nhiều sản phẩm, hoạt động hấp dẫn. Trong đó tổ hợp cảnh quan, dịch vụ ở làng cổ gồm cổng làng, quán nghỉ đầu làng và cảnh quan đồng lúa; làng Tiên (làng cổ Lộc Yên), hái quả “vườn Tiên’’, “chợ Tiên”; làng “mít Tiên” là khu vực để du khách khám phá về văn hóa, cảnh quan.

Địa phương cùng với người dân Lộc Yên bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của di tích, bảo tồn phát huy không gian văn hóa làng cổ Lộc Yên. Từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng điểm đến du lịch và khôi phục các loại hình văn hóa phi vật thể phát triển sản phẩm du lịch. “Bên cạnh đó, chính quyền và cộng đồng ở địa phương phải cùng chung tay gìn giữ, tôn vinh và phát huy những giá trị truyền thống, giá trị văn hóa nhân văn. Mỗi người dân, mỗi hộ gia đình phải biết sử dụng các nguyên, vật liệu thân thiện với môi trường; thực hiện đúng quy định về kiến trúc, xây dựng để không phá vỡ không gian làng cổ,… để không gian làng cổ thật sự xanh, sạch, bình yên. Mỗi người dân hãy là một người kể chuyện làng cổ bằng những nụ cười, tấm lòng mến khách, phép ứng xử hiền hòa, trân quý di sản của cha ông như báu vật thiêng liêng mà người dân Lộc Yên gìn giữ hàng trăm năm qua”, ông Trầm Quế Hương, Chủ tịch huyện Tiên Phước chia sẻ.

Hiện nay huyện đã quy hoạch chi tiết xây dựng, đã đăng ký kếhoạch đầu tư công trung hạn 2021-2015, là mô hình điểm vềgắn du lịch nông nghiệp, nông thôn với sản phẩm OCOP, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích cấp quốc gia đã được công nhận, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP của huyện, tỉnh và quốc gia.

 Triển khai chương trình OCOP từ năm 2018, đến nay Tiên Phước là địa phương có số lượng sản phẩm OCOP được UBND tỉnh Quảng Nam đánh giá và phân hạng đạt chuẩn 3 sao, 4 sao nhiều nhất trong toàn tỉnh. Năm 2021, đã có 32 sản phẩm theo chương trình mỗi xã một sản phẩm của huyện Tiên Phước được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3-4 sao. Các chủ thể OCOP trên địa bàn huyện nỗ lực đầu tư cải tiến mẫu mã, nâng chất lượng sản phẩm để tạo sức cạnh tranh trên thị trường hiệu quả.

* Trang thông tin  có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương

 THU HOÀI; ảnh: BÁ TÙNG

Ý kiến bạn đọc